Châu Âu xoay xở ra sao nếu không có dầu và khí đốt Nga?

Nhật Linh

(Dân trí) - Nga vừa nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống lớn nhất Nord Stream 1 sau khoảng 10 ngày tạm dừng để bảo trì.

Tuy nhiên, ngày 25/7, Gazprom - tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga - đã đưa ra thông báo sẽ tiếp tục giảm dòng khí đốt sang Đức xuống còn 33 triệu m3/ngày bắt đầu kể từ ngày 27/7, tương đương 20% công suất, với lý do lỗi kỹ thuật.

Điều này càng làm gia tăng những lo ngại cho rằng Moscow sẽ kìm hãm nguồn cung này lâu hơn để đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Châu Âu xoay xở ra sao nếu không có dầu và khí đốt Nga? - 1

Nga vừa nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 sau thời gian tạm ngừng để bảo trì (Ảnh: Getty).

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã áp một loạt biện pháp trừng phạt đối với dầu và khí đốt Nga sau cuộc chiến nổ ra tại Ukraine. Theo đó, EU đã đồng ý cấm nhập khẩu toàn bộ dầu Nga thông qua đường biển vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khối này vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu dầu thông qua đường ống.

Các nhà lãnh đạo EU cho rằng đây chỉ là "giải pháp tạm thời" do một số nước như Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu này.

Ngoài cấm vận dầu, EU cũng cam kết sẽ giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt từ Nga trong vòng một năm. Tuy nhiên, khối này rất khó để đạt được một thỏa thuận cắt giảm sâu hơn như cấm nhập khẩu hoàn toàn khí đốt Nga.

Ngoài các lệnh trừng phạt này của EU, Mỹ cũng đã tuyên bố cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Anh cũng tiến tới loại bỏ dần nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu những quốc gia "không thân thiện" ở châu Âu thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga nhằm nâng cao giá trị của đồng tiền nước này. Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan từ chối thanh toán theo yêu cầu này nên đã bị Nga cắt nguồn cung cấp.

Một số công ty năng lượng của châu Âu đang thanh toán khí đốt qua các tài khoản của ngân hàng Nga để chuyển từ thanh toán bằng đồng euro sang đồng rúp. Họ khẳng định, việc thanh toán này phù hợp với các lệnh trừng phạt của EU.

Năm ngoái, Nga cung cấp cho EU đến 40% sản lượng khí đốt. Trong đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là nước nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất trong năm 2020, tiếp đó là Italy. Anh ít phụ thuộc vào khí đốt Nga hơn khi chỉ nhập 4% nhu cầu trong năm ngoái. Riêng Mỹ không nhập khí đốt từ Nga.

Châu Âu xoay xở ra sao nếu không có dầu và khí đốt Nga? - 2

Các nước nhập khẩu khí đốt của Nga (Biểu đồ: BBC).

Vấn đề là liệu EU có thể tìm được nguồn cung khí đốt để thay thế nguồn cung của Nga hay không?

"Họ sẽ phải chuyển sang các nhà sản xuất như Mỹ và Qatar để nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua các tàu chở chuyên dụng. Nhưng châu Âu lại không có đủ các kho chứa LNG. Đặc biệt với Đức, đây sẽ là một vấn đề vì đơn giản nước này không có thiết bị để dỡ hàng ", cố vấn năng lượng Kate Dourian tại Viện Năng lượng Anh cho biết.

Châu Âu sẽ thiếu dầu?

Nhiều nước châu Âu có thể bị siết nguồn cung vì lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga. Theo số liệu mới nhất, trong tháng 11 năm ngoái, 80% nguồn cung dầu của Lithuania và Phần Lan là nhập từ Nga.

Châu Âu xoay xở ra sao nếu không có dầu và khí đốt Nga? - 3

Tỷ trọng nhập khẩu dầu Nga của các nước châu Âu (Biểu đồ: BBC).

Tuy nhiên, ngoài Nga, các nước châu Âu vẫn luôn mua dầu từ các nhà sản xuất dầu khác.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một câu lạc bộ của các nước xuất khẩu dầu mỏ, đã giải phóng 120 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu giải phóng một khối lượng lớn dầu từ các kho dự trữ của Mỹ.

"Từ cuối năm ngoái, các quốc gia như Saudi Arabia đã bắt đầu bơm nhiều dầu hơn ra thị trường thế giới và nguồn cung từ Mỹ cũng nhiều hơn", bà Kate Dourian nói.

Lệnh trừng phạt có hiệu quả?

Nhờ giá năng lượng tăng vọt nên ước tính năm ngoái, Nga đã xuất khẩu được 430 tỷ USD dầu và khí đốt sang châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU cho biết, các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể cắt giảm lượng mua dầu từ Nga xuống 90%. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt sẽ phải mất vài tháng nữa mới có hiệu lực hoàn toàn và thậm chí, sau đó Nga cũng vẫn sẽ bán dầu cho các nước khác trên thế giới.

"Các nước ở châu Á có thể mua tới 1 triệu thùng/ngày dầu thô của Nga, nhiều hơn so với hiện tại. Do đó, tất cả các biện pháp trừng phạt cho đến nay khiến Nga có thể mất khoảng 1/3 đến một nửa doanh thu từ dầu, chứ không phải tất cả", ông David Fyfe, nhà kinh tế trưởng tại hãng dữ liệu năng lượng Argus Media, cho biết.

Người tiêu dùng đang đối mặt với hóa đơn năng lượng và nhiên liệu tăng cao khi các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga được kích hoạt.

Giá khí đốt sưởi ấm có thể sẽ còn tăng hơn nữa nếu nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga bị hạn chế.

Ở Anh, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình được kiểm soát theo giá trần năng lượng. Nhưng các hóa đơn đã tăng 700 bảng lên 2.000 bảng vào tháng 4 khi giá trần tăng lên. Người Anh dự kiến, các hóa đơn năng lượng của họ có thể sẽ đạt khoảng 3.000 bảng vào mùa thu này khi giá trần năng lượng tăng.

Trong khi đó, giá xăng và dầu diesel cũng đã tăng vọt lên mức kỷ lục, khiến chính phủ nước này phải thông báo giảm thuế nhiên liệu để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Theo BBC