Lo khí đốt Nga bị cắt tiếp, châu Âu cấp tập tìm nguồn cung mới

Nhật Linh

(Dân trí) - Châu Âu vừa ký kết thêm một thỏa thuận mới với Azerbaijan khi các quan chức cấp tập đảm bảo nguồn cung cho tương lai trong bối cảnh ngày càng lo ngại Nga cắt giảm nguồn cung.

Các quan chức châu Âu đã chuẩn bị cho khả năng ngưng hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga khi cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Trong vài năm qua, Nga là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của châu Âu, nhưng hiện tại Brussels đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung này.

Lo khí đốt Nga bị cắt tiếp, châu Âu cấp tập tìm nguồn cung mới - 1

Châu Âu cấp tập tìm nguồn cung thay thế mới trong bối cảnh ngày càng lo ngại nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm thêm (Ảnh: TNS).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Giám đốc năng lượng của châu Âu Kadri Simson đã có mặt tại Azerbaijan vào ngày 18/7 để hoàn tất thỏa thuận. Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Azerbaijan đã cam kết cung cấp ít nhất 20 tỷ m3/năm cho EU cho đến năm 2027.

Theo EC, nguồn cung khí đốt từ nước này dự kiến sẽ tăng từ 8,1 tỷ m3 trong năm ngoái lên 12 tỷ m3 vào năm nay.

"Trong bối cảnh, Nga tiếp tục sử dụng nguồn cung năng lượng của họ như một loại vũ khí, thì việc đa dạng nguồn nhập khẩu năng lượng là ưu tiên hàng đầu của EU", EC cho biết trong tuyên bố trước chuyến đi đến Azerbaijan.

Nga đã phủ nhận việc sử dụng khí đốt như một loại vũ khí để chống lại phương Tây. Tuy nhiên, nguồn cung từ nước này đã giảm hơn 60% trong những tuần gần đây. Ngoài ra, việc đóng cửa đường ống Nord Stream 1, tuyến vận chuyển quan trọng của khí đốt Nga tới Đức và nhiều quốc gia ở châu Âu, tiếp tục diễn ra càng gia tăng lo ngại Moscow có thể đóng hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho khối này.

Azerbaijan, có biên giới với Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Nga, Iran và Biển Caspi, bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu thông qua đường ống xuyên biển Adriatic vào cuối năm 2020. Vào thời điểm đó, Azerbaijan cho biết họ có kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu hàng năm, chủ yếu đến Italy, thậm chí cả Hy Lạp và Bulgaria.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) từng cho rằng, Azerbaijan có thể đóng một vai trò nào đó khi châu Âu tìm cách giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.

"Các nhà phân tích chỉ ra rằng sản lượng bên trong EU và các đường ống nhập khẩu ngoài Nga, bao gồm Azerbaijan và Na Uy, trong năm tới có thể tăng đến 10 tỷ m3 so với năm 2021", IEA cho biết.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang nghi ngờ khả năng tin cậy của nguồn cung Azerbaijan. "Cần lưu ý rằng tuyến đường khí đốt của Azerbaijan đến châu Âu đi qua vùng ảnh hưởng của Nga", Gubad Ibadoghlu tại Trường Kinh tế London, cho biết.

Nhưng châu Âu đang chạy đua với thời gian để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Nhìn chung, 12 quốc gia ở châu Âu đang bị ảnh hưởng trực tiếp do xuất khẩu khí đốt từ Nga sụt giảm gần đây. Một số nước khác còn không nhận được lượng khí đốt nào từ Moscow.

Ngày 18/7, Reuters đưa tin, gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom cho biết họ không thể cung cấp toàn bộ công suất khí đốt do những trường hợp "bất thường".

Cùng với việc tìm các giải pháp thay thế, châu Âu cũng đưa ra cảnh báo, đã đến lúc tiết kiệm năng lượng. Ngày 20/7, EC dự kiến sẽ đưa ra một số khuyến nghị với các doanh nghiệp về việc cắt giảm sử dụng năng lượng. Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức về một mùa đông khắc nghiệt có thể xảy ra ở khu vực này nếu các nguồn cung khí đốt bị hạn chế.

Theo CNBC