1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

IEA: Châu Âu muốn sống sót qua mùa đông thì phải giảm 20% tiêu thụ khí đốt

Nhật Linh

(Dân trí) - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nguồn cung khí đốt trên khắp thế giới không đủ để bù đắp lượng thiếu hụt do Nga cắt giảm nguồn cung và không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm tiêu thụ.

Sau khi kêu gọi các quốc gia thành viên giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% nhằm đối phó với mối đe dọa nguồn cung khí đốt Nga bị cắt hoàn toàn, IEA còn cho rằng EU sẽ phải giảm lượng tiêu thụ hơn nữa để vượt qua mùa đông sắp tới.

"Ngay cả không có tình huống này thì EU vẫn cần phải giảm 20% lượng tiêu thụ khí đốt so với hiện nay để có những tháng mùa đông bình thường và an toàn", Giám đốc IEA Fatih Birol nói và đề cập đến những gì mà ông gọi là "báo động đỏ" cho thị trường năng lượng. 

IEA: Châu Âu muốn sống sót qua mùa đông thì phải giảm 20% tiêu thụ khí đốt - 1

IEA cho rằng EU sẽ phải giảm lượng tiêu thụ hơn nữa để vượt qua mùa đông sắp tới (Ảnh: Getty).

Nói với CNN, ông Birol cho rằng vấn đề ngắn hạn với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 có thể đã được giải quyết, nhưng "vẫn còn quá sớm để ăn mừng điều này".

Lượng khí đốt mà châu Âu nhận được từ Nga hiện chỉ bằng 1/3 so với những gì mà khu vực này nhận được trước khi đường ống Nord Stream 1 tạm ngừng để bảo dưỡng vì những tình huống mà Nga nói là "bất khả kháng". Người đứng đầu IEA khuyến cáo thậm chí lượng khí đốt đã sụt này có thể bị ngưng bất cứ lúc nào.

Sau 10 ngày tạm dừng để bảo dưỡng định kỳ, dòng khí đốt từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 1 đã hoạt động trở lại vào sáng qua (21/7) nhưng với khối lượng khoảng 40% so với công suất của đường ống này, tương đương mức trước khi bảo trì mà Nga đã thực hiện từ giữa tháng 6.

Cụ thể, lưu lượng khí đốt vào đầu sáng qua chỉ ở mức 21,5 GWh, so với mức 30 GWh trong thời điểm trước khi bắt đầu bảo trì hôm 11/7 và giảm mạnh so với mức 70 GWh trước khi Nga giảm nguồn cung xuống 60% từ ngày 13/6.

Mới đây, ngày 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong việc sử dụng khí đốt nhằm đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung. Theo đó, EC yêu cầu các nước thành viên giảm lượng tiêu thụ xuống 15% cho đến mùa xuân năm sau.

Tuy nhiên, theo ông Birol, điều này vẫn chưa đủ để đảm bảo một mùa đông ấm áp cho châu Âu và chưa có giải pháp nào thay thế cho việc giảm lượng tiêu thụ.

Ông Birol cho rằng, ngay cả khi Nga vẫn duy trì dòng khí đốt như hiện nay cùng với tổng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ Mỹ và các nơi khác cộng với các nguồn khí tự nhiên khác và thậm chí nếu không có vấn đề nào cản trở nguồn cung thì châu Âu vẫn cần phải giảm tiêu thụ khí đốt nhiều hơn nữa, ngay từ bây giờ.

Người đứng đầu IEA cho rằng nguồn cung khí đốt trên khắp thế giới không đủ để bù đắp lượng thiếu hụt do Nga cắt giảm nguồn cung và không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm tiêu thụ để tránh tình trạng thiếu hụt và phân phối khí đốt trong mùa đông năm nay. Nếu khối này cứ chần chừ và không áp dụng cùng lúc các biện pháp thì một khi mùa đông tới, các biện pháp này sẽ phải thực hiện "quyết liệt hơn".

Ông Birol cũng đang kêu gọi châu Âu xây dựng một kế hoạch khẩn cấp để đối phó với tình trạng này. Trong đó, ông lưu ý, Đức là quốc gia dễ bị tổn thương nhất, tiếp đó là Italy và một số nước Đông Âu.

Theo OilPrice

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm