Bộ Tài chính: Đầu tư Đường sắt trên cao cũng là khoản chi bảo vệ môi trường!
(Dân trí) - Số liệu do Bộ Tài chính mới công bố cho hay, trong giai đoạn 2012 - 2016, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT (bình quân là khoảng 21.197 tỷ đồng/năm). Đáng chú ý, theo Bộ này, khoản chi cho dự án đường sắt trên cao cũng nằm trong nhiệm vụ chi BVMT
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lần hai nhằm lấy ý kiến rộng rãi của người dân về vấn đề này.
Chi cho BVMT lớn hơn số thu
Dự thảo vẫn bảo lưu quan điểm đề xuất nâng khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít. Các loại dầu nâng từ 300-2.000 đồng/lít,kg lên 900-4.000 đồng/lít,kg (trừ dầu hỏa giữ nguyên 300-2.000 đồng); nhiên liệu bay cũng tăng từ 1.000-3.000 đồng/lít lên 3.000 đồng-6.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, so với dự thảo lần 1, lần này trong tờ trình của Bộ Tài chính đã tăng phần diễn giải về chi ngân sách cho nhiệm vụ BVMT, trong đó dẫn đến cả dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Cụ thể: Tổng thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng; năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng.
Nguồn thu thuế BVMT chiếm tỷ trọng khoảng 1,36% - 4,27% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và khoảng 0,34% - 0,97% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm.
Theo lập luận của Bộ Tài chính tại tờ trình, khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và hoạt động định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...
Luật NSNN năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Do đó, kinh phí NSNN bố trí cho các nhiệm vụ BVMT có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế BVMT.
Theo đó, tổng số chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 là khoảng 131.857 tỷ đồng, gấp đôi so với con số công bố tại dự thảo lấy ý kiến lần 1 là 52.142 tỷ đồng. Đáng chú ý là tổng chi cho nhiệm vụ BVMT giai đoạn này còn lớn hơn cả số thu.
Hàng loạt khoản chi trực tiếp và gián tiếp
Trong đó, theo Bộ Tài chính, tổng số chi thường xuyên cho BVMT là khoảng 89.131 tỷ đồng, riêng chi thường xuyên từ NSNN (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVMT (không quá 1% tổng chi NSNN) là khoảng 52.420 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có khoảng 36.711 tỷ đồng để chi cho các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương - NSTW (gồm chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo,… bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm...
Tổng số chi đầu tư phát triển của NSTW cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở 2 ngành: ngành tài nguyên và môi trường và ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và chi lồng ghép từ nhiều chương trình như Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu,... là khoảng 24.246 tỷ đồng.
Số chi từ dự phòng NSTW để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa,... là khoảng 18.480 tỷ đồng.
Như vậy, trong giai đoạn 2012 - 2016, chi NSNN cho nhiệm vụ BVMT (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) bình quân là khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT (bình quân là khoảng 21.197 tỷ đồng/năm).
Ngoài ra còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như: dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao, các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững,...
Cơ sở tính toán việc tăng khung thuế suất thuế BVMT được Bộ Tài chính dựa trên các yếu tố:
Một là, việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do).
Hai là, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 8/5/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao, nghĩa là có 126 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 82, Lào đứng thứ 93).
Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 của Việt Nam (giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Petrolimex) cập nhật đến ngày 8/5/2017 là 17.580 đồng/lít; thấp hơn Lào là 4.456 đồng/lít, Campuchia là 3.768 đồng/lít, Singapore là 16.528 đồng/lít, Philippines là 3.613 đồng/lít, Hồng Kông là 27.231 đồng/lít.
Ba là, tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%; Nga khoảng 52%; Mỹ khoảng 53%, Hồng Kông khoảng 83,%, Thái Lan khoảng 67%).
Bích Diệp