"Mỗi lít xăng sẽ gánh 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường"
(Dân trí) - Đây là nội dung được Bộ Tài chính soạn thảo và lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường. So với khung thuế hiện hành 1.000 - 4.000 đồng, dự kiến mặt hàng xăng sẽ phải gánh từ 3.000 - 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, đối tượng chịu thuế bên cạnh những sản phẩm, xăng dầu đã nêu ở luật còn bổ sung thêm xăng E5 và xăng E10.
Đáng chú ý, ngoại trừ sản phẩm dầu hỏa, khung mức thuế tính trên mỗi đơn vị xăng, dầu đã tăng đáng kể so với quy định hiện hành tại Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít.
Dầu diezel từ mức hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít thì dự kiến bị đẩy lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg.
Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700-7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10.
Một loại sản phẩm khác là túi ni lông cũng bị đẩy mức thuế bảo vệ môi trường lên rất cao, từ 30.000 - 50.000 đồng/kg lên 40.000 đồng - 80.000 đồng/kg.
Trước đó, trong một phiên thảo luận bàn tròn về kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định với các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ tiếp tục thúc đẩy thu thuế bảo vệ môi trường và trong năm 2017 sẽ xúc tiến để mở rộng đối tượng thu này.
Ông Tuấn phân tích: “Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10-20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhờ có điều chỉnh chính sách thu đối với một số tài nguyên khoáng sản và thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu nên nhiều khoản thu nội địa đạt mức cao, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngân sách Nhà nước.
Bích Diệp