1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Giao thông lên tiếng về tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng Trung Quốc “xin đám” tài trợ

(Dân trí) - Năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cho biết như vậy trong thông tin chính thức phát đi chiều nay (25/11), liên quan tới Dự án đường sắt có tổng mức đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng đi qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Theo Bộ GTVT, trên hành lang Đông - Tây, bên cạnh tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu được xây dựng từ thời Pháp thuộc có khổ đường 1.000mm kết nối với Trung Quốc tại Hà Khẩu.

Bộ Giao thông lên tiếng về tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng Trung Quốc “xin đám” tài trợ - 1
Tuyến đường sắt liên vận Hải Phòng - Lào Cai kết nối với Trung Quốc được Trung Quốc tài trợ chi phí nghiên cứu quy hoạch

Bộ này thông tin, tại Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 và điều chỉnh tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ), Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 07/01/2002 và điều chỉnh tại các Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 và Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ) định hướng phát triển tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với chiều dài dự kiến khoảng 380km, đường đôi khổ 1.435mm điện khí hoá.

“Đây là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía Bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.” - Bộ GTVT nhấn mạnh.

Căn cứ chiến lược và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002, tuyến đường sắt mới này cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết theo quy định tại Điều 15, Luật Đường sắt năm 2005 (nay là Điều 7, Luật Đường sắt năm 2017) làm cơ sở dành quỹ đất và tạo tiền đề triển khai các bước tiếp theo (nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án đầu tư, thực hiện dự án…) nhằm nâng cao chất lượng vận tải trên hành lang Đông - Tây, góp phần quan trọng trong việc giao lưu quốc tế, khai thác có hiệu quả, phát huy thế mạnh của cảng biển khu vực Hải Phòng.

“Năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.” - Bộ GTVT cho hay.

Theo Bộ GTVT, đến nay, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392km với 38ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng.

Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương để xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga trên tuyến làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai. Sau khi tư vấn hoàn thành nghiên cứu quy hoạch chi tiết, Bộ GTVT sẽ rà soát trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017.

Căn cứ quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

“Với quy mô đầu tư lớn, dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư, vì vậy khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau này sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ sự cần thiết đầu tư, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ và khả năng huy động vốn; đồng thời, lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt” - Bộ GTVT cho biết. 

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm