Thiếu tiền cũng không cần khoản “viện trợ” của Trung Quốc để quy hoạch đường sắt (!?)

(Dân trí) - “Dù đất nước có thiếu tiền đi chăng nữa cũng đâu cần thiết khoản viện trợ trị giá 10 triệu nhân dân tệ của phía Trung Quốc để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” - đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết.

Hôm nay (26/11), trao đổi bên hành lang Quốc hội về tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, một số đại biểu đã nêu ý kiến khác nhau.

Nghèo cũng không nhận tiền! 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho biết chưa nhận được các tài liệu liên quan đến quy hoạch dự án đường sắt này. Ông Ngân cho rằng đường sắt phù hợp cho việc vận chuyển hàng hóa, giảm bớt lượng xe tải lớn, xe container trên đường bộ, giảm bớt tai nạn giao thông, do đó ở nhiều quốc gia cũng quy hoạch phát triển các tuyến đường sắt.

Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm cá nhân, ông thẳng thắn: “Dù đất nước có thiếu tiền đi chăng nữa cũng đâu cần thiết khoản viện trợ trị giá 10 triệu nhân dân tệ của phía Trung Quốc để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh Không nên dùng các nguồn vốn bên ngoài để làm các quy hoạch, trong đó có quy hoạch giao thông, “bởi khi họ chi phối vốn thì họ sẽ chi phối các vấn đề về tổ chức đấu thầu, thi công”- ông Ngân nói.

Thiếu tiền cũng không cần khoản “viện trợ” của Trung Quốc để quy hoạch đường sắt (!?) - 1
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, vị chuyên gia kinh tế này cho hay: Với nguồn vốn tạm tính theo tư vấn đưa ra là khoảng 100.000 tỉ đồng thì nguồn vốn đó lấy ở đâu, đường sắt nên làm ở đâu, làm ra sao? Cần phải được nghiên cứu thấu đáo, đặc biệt là phải tính cấp thiết và tính quả của dự án - đây là vấn đề quan trọng nhất.

“Hiện tuyến đường sắt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để kết nối TP HCM đi đến Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết và hiệu quả để vận chuyển hàng hóa”- ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ và ngành giao thông vận tải nên tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án giao thông đang dang dở, trong đó có các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội, cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận, hoặc tiến hành giải phóng mặt bằng để làm sân bay Long Thành giai đoạn 1 và tổ chức đấu thầu, thi công các tuyến cao tốc Bắc - Nam.

“Ngành giao thông cần tránh đầu tư dàn trải mà nên tập trung hoàn thành các dự án đã và đang triển khai” - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết thêm. 

Lập quy hoạch không thừa!

Nêu quan điểm về việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho hay: Việc lập quy hoạch phải luôn đi trước một bước. Khi có quy hoạch rồi chúng ta sẽ phải triển khai thực hiện trong giai đoạn đó để tạo sự đồng bộ.

“Điều này là rất quan trọng, vì trong lĩnh vực giao thông, cần phải có quy hoạch để kết nối đồng bộ các loại hình giao thông. Do đó việc lập quy hoạch là không thừa”- ông Sinh nói và nhấn mạnh sau khi lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch mà quản lý được mới là quan trọng, tránh để chồng chéo, phá vỡ quy hoạch.

Thiếu tiền cũng không cần khoản “viện trợ” của Trung Quốc để quy hoạch đường sắt (!?) - 2
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đề cập tới việc tư vấn Trung Quốc tham gia nghiên cứu quy hoạch dự án này, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng ai lập quy hoạch cũng không sao, quan trọng là khâu tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đó là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của quy hoạch.

Trả lời về việc có nhất thiết phải đầu tư tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435 mm) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá 100.000 tỉ đồng hay không khi mà hiện đã có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai, đại biểu Đỗ Văn Sinh lưu ý đây mới chỉ là quy hoạch do đơn vị tư vấn lập.

“Đề xuất của tư vấn có được chấp thuận hay không, tức là khâu thẩm định và phê quyệt quy hoạch đó, hoặc khi họ trình xin chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, khi đó mới soát xét đến các vấn đề cụ thể, đó mới là điều quan trọng”- Ủy viên Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng những tồn tại, hạn chế nảy sinh từ đây cho thấy công tác chuẩn bị lập dự án, thẩm định dự án, quyết định triển khai dự án “có vấn đề”; rồi việc ký kết hợp đồng với các nhà thầu cũng có sơ hở, hoặc chuẩn bị không chu đáo nên quá trình làm liên tục phát sinh vấn đề và phải điều chỉnh. 

Ngành giao thông vận tải cũng như các địa phương khi triển khai các dự án đường sắt sau này (nếu có) cần phải chuẩn bị chu đáo hơn. “Phải dự báo tất cả các tình huống có thể xảy ra trong triển khai để lường trước thì sẽ không xảy ra những câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các bên liên quan cũng cần phải được siết lại và xử lý nghiêm minh các sai phạm” - ông Sinh nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh