Bán vốn Nhà nước: Không nên tư duy kiểu "con anh con tôi"
(Dân trí) - Chuyên gia phân tích, bản thân doanh nghiệp sữa như Vinamilk là doanh nghiệp thương mại, không có tính chất an ninh quốc phòng nên không đáng lo ngại nếu cổ đông nước ngoài có nắm cổ phần chi phối.
Chỉ cần 154 triệu USD để mua 45,1% cổ phần Vinamilk?
Kể từ sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) công bố việc thoái vốn tại Vinamilk, câu hỏi đặt ra nhiều nhất là tổ chức nào sẽ mua lại và mua lại với giá trị bao nhiêu.
Gần đây nhất, thông tin đối tác ngoại sẽ bỏ ra số tiền lên đến 4 tỷ USD (tương đương 167.000 VND/cổ phần) cho thương vụ này. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền 4 tỷ USD có lẽ khá lớn để một tổ chức cân nhắc kỹ lưỡng cho quyết định đầu tư của mình.
Chuyên viên phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng một số tiền “khổng lồ” như vậy để thực hiện thương vụ này. Thay vào đó, tổ chức mua lại có thể sử dụng một nghiệp vụ khá phổ biến được giới tài chính biết đến là LBO (Leveraged buyout).
Theo đó, với đối tượng mua lại là một công ty có thương hiệu đầu ngành sữa Việt Nam và tiềm năng tăng trưởng ổn định trong khi cơ cấu nợ/tổng tài sản khá thấp (6,7%) như Vinamilk, việc dùng chiến lược LBO càng thêm khả dĩ. Không quá khó để kiếm một ngân hàng tài trợ đến 90% thương vụ này.
"Giả sử giá chuyển nhượng là 167.000 VND/cổ phiếu, tổ chức mua lại chỉ cần bỏ ra 10% của con số 4 tỷ USD tức 400 triệu USD. Sau khi mua lại VNM, với vị thế cổ đông lớn nhất, tổ chức này có thể tác động để VNM tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ nhằm thay đổi cơ cấu vốn hiện không tận dụng được lợi thế chi phí vốn vay thấp của doanh nghiệp này, đồng thời thu hồi một phần vốn đã bỏ ra."
Theo tính toán của công ty chứng khoán này, dựa trên bảng cân đối quý III/2015 của VNM và giả định công ty vay nợ được 80% giá trị tài sản ngắn hạn (không tính tiền mặt) đồng thời thanh khoản các khoản đầu tư ngắn hạn, tổng số tiền có thể huy động được để mua lại cổ phiếu quỹ là 12.279 tỷ đồng, tương đương với 73,5 triệu cổ phiếu quỹ (tính theo mức giá mua lại 167.000 VND/cổ phần). Nếu tổ chức mua lại bán ra tương ứng để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, họ sẽ thu về được khoảng 246 triệu USD. Kết quả là, số tiền thực sự mà tổ chức bỏ ra để mua lại VNM chỉ khoảng 154 triệu USD, chỉ 3,9% số tiền 4 tỷ USD mà dư luận đang đề cập.
Không nên tư duy kiểu “con anh con tôi”
Trước những lo ngại việc một doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk “rơi vào tay” nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Vinamilk là doanh nghiệp uy tín và làm ăn có lãi nên được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là điều dễ hiểu. Giả sử được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì cũng phải chấp nhận trường hợp bị thâu tóm. Tuy nhiên, đây không phải điều gì xấu cả”.
Vị chuyên gia phân tích, bản thân doanh nghiệp sữa như Vinamilk là doanh nghiệp thương mại, không có tính chất an ninh quốc phòng nên không đáng lo ngại nếu cổ đông nước ngoài có nắm cổ phần chi phối.
“Phải tuỳ thuộc vào tính chất ngành nghề của từng doanh nghiệp, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bia, sữa hay dệt may thì không đề gì mà phải coi là phức tạp. Chúng ta không nên quá e ngại và kĩ tính, quan trọng là đối tác đó như thế nào, có giúp ích gì cho sự phát triển của doanh nghiệp không mà thôi”, ông nói.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ: “Tôi đang tham gia đề án của Ban Kinh tế trung ương về việc cổ phần và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có đề cập tới việc bán 10 doanh nghiệp thuộc SCIC. Nhìn chung, người ta ủng hộ. Tôi cũng cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, ngày trước nói tập đoàn nhà nước là chủ đạo nhưng hiện nay, kinh tế tư nhân mới chính là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”.
“Không nên tư duy theo kiểu “con anh con tôi”, nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước mua Vinamilk thì cũng nên quan niệm rộng rãi hơn, bây giờ hội nhập rồi, FDI vào Việt Nam cũng chiếm tới 45% tổng giá trị sản lượng công nghiệp mà toàn ngành quan trọng như: dầu khí, điện tử… Hơn nữa, đây là mặt hàng không bắt buộc Nhà nước nắm 100% trong khi vốn Nhà nước thì không phải vô hạn. Cho nên, câu chuyện quan trọng là giữ ngành nào còn dù cổ đông nào thì Vinamilk cũng vẫn phải nộp thuế như nhau”, GS Mại nói.
Ông cũng cho rằng, bản thân khi Nhà nước thoái vốn khỏi Vinamilk mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Trong đó, Nhà nước thực hiện được việc đã hứa là “rút ra khỏi những lĩnh vực tư nhân và nước ngoài có thể làm được”, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng kinh doanh với chiến lược lớn hơn, quản trị tốt hơn. Còn phía người tiêu dùng cũng hưởng lợi khi thị trường cạnh tranh hơn.
"Vấn đề quan trọng là định giá cho đúng, cái gì Nhà nước đáng được hưởng thì thông qua rút vốn phải giữ lấy vốn nhà nước. Thứ hai là nên dùng vốn đó để làm gì, vấn đề sử dụng vào lĩnh vực nào có lợi nhất là rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.
Phương Dung