Bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, lãi hơn 2.800 tỷ đồng

(Dân trí) - Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, trong 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, thu về 5.767 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm đã đạt thặng dư 2.846 tỷ đồng.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.

Báo cáo về tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 20/8) đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 tổng công ty.

Cụ thể, Bộ Công Thương có Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (công ty mẹ và 4 công ty con), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (công ty mẹ và 5 công ty con). Bộ Xây dựng có Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC). Bộ Quốc phòng có Tổng công ty 36 (công ty mẹ và 1 công ty con). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổng công ty Lâm nghiệp (công ty mẹ và 6 công ty con) và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp

Tổng giá trị thực tế của 48 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa đạt 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 23.280 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 73%.

Về công tác thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp, báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, trong 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm vẫn đạt thặng dư 2.846 tỷ đồng.

Trong đó, tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư), các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng. Tại các lĩnh vực khác, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng.

Trong tháng 9, nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính xác định là tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu trong các tháng cuối năm 2016 và giai đoạn tới (2016-2020).

Theo đánh giá của Thứ trưởng Vũ Thị Mai, quá trình tái cơ cấu DNNN cần thực hiện với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu DNNN (bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập).

Quá trình sắp xếp, tái cơ cấu sẽ thu gọn số lượng DNNN trong nền kinh tế, củng cố, nâng cao vai trò của các DNNN quan trọng, cần thiết và gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tăng cường chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý tài chính và của chủ sở hữu Nhà nước.

Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trước tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm chạp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã nhận xét: “Tôi nói thẳng là các đồng chí không tích cực! Những lý do đồng chí nêu ra chả có vướng gì cả. Những lý do đó trên này xử lý rất nhiều, rất sớm, hướng dẫn đã có…Các đồng chí họp và kiểm điểm đi. Ai không tích cực, kể cả doanh nghiệp thì đứng sang một bên!”.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa còn chậm cần có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm. Do đó, kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa không đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công chưa cao, nhiều doanh nghiệp sau bán cổ phần lần đầu vẫn còn số lượng vốn Nhà nước lớn.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp còn chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa. Những lý do này đã khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp chậm chạp và gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Bích Diệp