Thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, FPT: Có tiền tôi mua ngay!?

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm, việc bán cổ phiếu Vinamilk và FPT tại thời điểm thị trường chứng khoán đang thấp là “đáng tiếc. Tôi mà có tiền thì tôi mua ngay, nhưng không có tiền nên đành phải chịu. Nhưng chắc chắn nước ngoài họ sẽ mua!".

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa được chấp thuận thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp tên tuổi như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM), nắm 45,1%; Công ty CP FPT (nắm 6%); Công ty CP Viễn thông FPT (nắm 50,2%)… 

Đây là kế hoạch thoái vốn “khủng” nhất kể từ trước tới nay và dự kiến sẽ thu về khoảng 3 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm cho rằng, do bối cảnh ngân sách hiện tại khó khăn nên Chính phủ mới buộc phải thoái vốn tại những doanh nghiệp lớn này. Trong những năm vừa qua, Chính phủ vẫn cố chờ thị trường hồi phục nhưng tiến độ hồi phục chậm.

Hoạt động thoái vốn quy mô lớn tại 10 doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ thu về khoảng 3 tỷ USD.
Hoạt động thoái vốn quy mô lớn tại 10 doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ thu về khoảng 3 tỷ USD.

Trên quan điểm đầu tư, vị đại biểu này cho rằng, SCIC cần học tập mô hình của Temasek, và CIC (Singapore), hai doanh nghiệp này quản lý tài sản trên 1.000 tỷ USD.

Theo đó, SCIC cần được trao quyền tự quyết để kinh doanh: lúc nào mua - lúc nào bán thì có lợi hơn, còn Nhà nước chỉ giao nhiệm vụ.

“Cũng giống như tại các công ty cổ phần, ban điều hành sẽ được các cổ đông giao nhiệm vụ năm nay cổ tức sẽ phải được bao nhiêu. Thế nên mới có tuyển CEO và thay đổi bộ máy thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của cổ đông. Tương tự, Nhà nước cũng là một cổ đông, SCIC giống như một công ty quản lý quỹ lớn”, ông Tâm phân tích.

Và ông cho rằng: “Quan điểm của tôi là cần giao cho SCIC nhiệm vụ rõ ràng để họ kinh doanh và vẫn nộp tiền về cho Chính phủ chứ không cần bán”.

Về hoạt động hiện tại của SCIC, ông Tâm tỏ ra ngạc nhiên vì, “Công ty này quản lý hàng trăm danh mục mà vẫn thản nhiên như thế? Dòng tiền có mà không biết lúc nào nên mua vào, lúc nào nên bán ra!”

Do đó, theo đại biểu TPHCM, trong quản lý, thoái vốn nhà nước, không nên dùng mệnh lệnh hành chính, vì dùng mệnh lệnh thì chỉ cần “nhắm mắt bán là xong, may thì bán được lúc cao, nhưng không may thì bán vào lúc thấp”.

Hơn nữa, do là thị trường nên không phải lúc nào muốn bán là cũng bán được, vì đối với những cổ phiếu xấu, bán ra chưa hẳn có người mua. Trong khi đó, những cổ phiếu tốt mà bán vào thời điểm thị trường thấp sẽ thiệt.

“Tôi nói thật là những cổ phiếu như Vinamilk hay FPT đều là những cổ phiếu tốt, bán thời điểm này thật sự là đáng tiếc vì thời điểm này thị trường đang rất thấp. Tôi mà có tiền thì tôi mua ngay, nhưng không có tiền nên đành phải chịu. Nhưng chắc chắn nước ngoài họ sẽ mua!”, ông Tâm nhận định.

Theo tờ trình của Chính phủ lên Quốc hội, để xử lý bù hụt thu ngân sách Trung ương năm 2015, Chính phủ đề nghị sử dụng khoảng 10.000 tỷ đồng tiền thoái vốn DNNN và đã được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đồng ý về chủ trương.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch, không nên hòa nguồn này vào vốn ngân sách nói chung vì nếu hòa vào thì sẽ dùng để chi tiêu thường xuyên. Do vậy, cần tách nguồn tiền này đầu tư vào những địa chỉ cụ thể.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM của Vinamilk hiện có giá 114.000 đồng (theo giá đóng cửa phiên 28/10) và vẫn đang tăng giá tốt trong sáng nay. Mức giá của VNM đã tăng gấp rưỡi so với 1 năm trước. Trong khi thị giá FPT là 48.800 đồng, tăng khoảng 18% so với 1 năm trước đây.

Bích Diệp

 

Thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, FPT: Có tiền tôi mua ngay!? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm