Thoái vốn khỏi Vinamilk: Người Việt đủ tiền mua sao phải bán cho nước ngoài?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài lên 100% vô tình loại bỏ quyền lợi của NĐT Việt và người Việt, khác gì câu chuyện đồ ngon, thực phẩm sạch thì xuất khẩu, trong khi người dân trong nước lại tiêu thụ thực phẩm không ngon.

Vinamilk vừa đưa ra đề xuất nâng sở hữu nước ngoài từ doanh nghiệp (DN) này lên 100% thay vì 49% như hiện nay với lý do: ngành sữa không phải là ngành nghề kinh doanh nhạy cảm và không phải là ngành có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cần mở cửa cho NĐT. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, học giả trong nước, điều này không cần thiết và có nhiều rủi ro.

Thoái vốn khỏi Vinamilk: Người Việt đủ tiền mua sao phải bán cho nước ngoài? - 1

Thị trường và người Việt đủ tiền để mua Vinamilk!?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Ngoài các lý do trên được Vinamilk đưa ra, tôi đoán đề xuất trên của Vinamilk xuất phát từ lý do có thể họ lo sợ khi Nhà nước thoái hết vốn, sẽ không bán được khi  tỷ lệ sở hữu của NĐT ngoại đã chạm trần. Tuy nhiên, tôi tin rằng nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn có thể mua và mua với giá cao nữa. Giờ chỉ chờ Nhà nước, các cơ quan chức năng đưa ra cách thức bán thế nào và yêu cầu ra sao mà thôi”.

Trước đó, ông Lại Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết: Nếu nhà đầu tư muốn sở hữu 10% cổ phần của Vinamilk, sẽ phải bỏ ra 10.000 tỷ đồng. Theo nhiều chuyên gia, đây cũng là cái khó và 1 phần nào lý do mà Vinamilk có đề xuất mở room 100% cho NĐT ngoại.

“Việc bán 45,1% cổ phần Nhà nước tại Vinamilk, NĐT cần phải có số vốn rất lớn, Vinamilk có quyền lo lắng cổ phần sẽ “ế” hoặc chỉ bán được ít. Trong khi đó, chủ trương thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 đã đi đến hồi kết, mục đích sử dụng tiền trong thoái khỏi 10 DN lớn dùng để chi cho đầu tư và 1 phần trả nợ nước ngoài”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho rằng, đề xuất của Vinamilk sẽ giúp bán tất tay, thu tỷ đô xong ngay nhưng về lâu về dài sẽ có nguy cơ ngành sữa trong nước sẽ bị thôn tính. Tệ nhất là thương hiệu Vinamilk có thể bị xóa sổ.

“Để sở hữu số cổ phần lớn của Vinamilk phải là NĐT đủ lớn, đủ mạnh. Chính vì thế, nếu bán hết cho NĐT ngoại, họ muốn xây mà có lợi thì họ làm, còn muốn phá mà có lợi cho họ, thì họ cũng làm. Các NĐT ngoại, DN ngoại đều hoạt động vì lợi ích kinh tế cả chứ không vì lợi ích của dân tộc và quốc gia Việt Nam đâu”, ông Thành nói rõ thêm.

Dân Việt muốn mua, đủ tiền mua, sao phải bán cho nước ngoài?

Cùng quan điểm với chuyên gia Thành, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: “Không nhất thiết phải nhà đầu tư ngoại mới chất lượng, giá mới cao. Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu vốn, không thiếu nhà đầu tư có năng lực và dám mua. Lúc này, hãy quan tâm đến chuyện định giá công khai, minh bạch, cách thức bán  như thế nào để đảm bảo lợi ích lâu dài cho Vinamilk, cho ngành sữa, cho một thương hiệu lớn của quốc gia phát triển.

“Với tài sản lớn, trị giá tỷ đô, chúng ta chưa có kinh nghiệm đâu. Vì vậy, bán một lúc không được đâu, mà phải bán dần dần, từ từ theo lô và nhiều hình thức khác nhau như đấu giá, khớp lệnh trên sàn… tránh giá ảo và bị thâu tóm. Đó là điều cực kỳ quan trọng”, ông Cung khẳng định

Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên 100% vô tình tạo yếu tố thị trường thuần túy loại bỏ quyền lợi của NĐT Việt và người Việt.

“Chủ trương thoái vốn là đúng đắn, nhưng cách làm cần thận trọng có định hướng và tránh nhìn ngắn hạn. Nếu nâng sở hữu 100% cho NĐT, giá cổ phiếu của Vinamilk sẽ rất cao, chỉ các NĐT ngoại mới có tiền để mua và mua được”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành nói thêm: “Thoái vốn khỏi 10 DN, trong đó lớn nhất là Vinamilk đang là một miếng “ngon” mà DN, nhà đầu tư và người dân Việt muốn mua, muốn ăn và đủ khả năng để sở hữu sao lại phải đi bán cho nước ngoài? Nới sở hữu NĐT ngoại thêm, khác gì câu chuyện đồ ngon, thực phẩm sạch thì xuất khẩu, trong khi người dân trong nước lại tiêu thụ thực phẩm không ngon”.

Đồng quan điểm đó, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, chúng ta cần phải giữ thương hiệu Vinamilk, nếu không thị trường sữa sẽ bị nước ngoài thao túng và dễ dẫn tới độc quyền.

Tuy nhiên, T.S Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Không nên quá lo sợ DN ngoại thôn tính hay xóa bỏ thương hiệu khi bán tất cho họ bởi thương hiệu Vinamilk rất mạnh, rất lớn, không dại gì nhà đầu tư nào mua rồi xóa đi để đưa 1 chuỗi sản phẩm, thương hiệu khác vào Việt Nam bởi sẽ mất công làm thị trường và tăng hiện diện đối với người tiêu dùng”.

Nguyễn Tuyền

Thoái vốn khỏi Vinamilk: Người Việt đủ tiền mua sao phải bán cho nước ngoài? - 2