Có thể rút hết vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco

(Dân trí) - Tại hội nghị ngành diễn ra chiều nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, việc thoái vốn tại Sabeco, Habeco sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ.

Nhà nước sẽ thoái ít nhất 50% vốn tại Sabeco và Habeco.
Nhà nước sẽ thoái ít nhất 50% vốn tại Sabeco và Habeco.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương chiều nay (12/7), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) hiện đang xây dựng phương án thoái vốn nhà nước. Việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ thẩm định phương án thoái vốn nhà nước và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty nêu trên.

Kế hoạch thoái vốn tại Sabeco, Habeco được dư luận đặc biệt chú ý trong thời gian vừa qua. Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị Sabeco và Habeco kiến nghị các doanh nghiệp này thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Cho rằng phương án bán hết vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco là lựa chọn "cực kỳ thông minh", VAFI lý giải, khi đó giá trị doanh nghiệp sẽ đạt được giá tối đa. Còn nếu nhà nước tiếp tục nắm giữ 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và có thể tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia HĐQT thì giá bán sẽ giảm và như vậy thu ngân sách sẽ giảm rất nhiều.

Có ý kiến cho rằng nếu bán toàn bộ cổ phần nhà nước thì 2 thương hiệu Sabeco và Habeco sẽ lọt vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Khả năng này có thể xảy ra song theo VAFI, thương hiệu Sabeco và Habeco không mất bởi "nếu không còn thương hiệu này thì coi như nhà đầu tư nước ngoài tự sát".

Riêng với Sabeco, vào giữa năm 2015, Bộ Công thương đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại Sabeco. Cụ thể, hai phương án được đưa ra để bán phần vốn Nhà nước tại Sabeco gồm: (1) Giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% trong một lần và thực hiện đấu giá công khai; (2) Thoái phần vốn Nhà nước tại Sabeco làm 2 đợt, đợt 1 bán 40% và đợt 2 bán 13,59%.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nước ngoài cũng nuôi tham vọng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã đề xuất xin bán phần vốn Nhà nước tại Sabeco theo phương án 1 là giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% trong một lần và thực hiện đấu giá công khai.

Được biết, hiện đề xuất này đang được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa có câu trả lời.

Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, Sabeco là doanh nghiệp lớn và là một nguồn lợi tốt nên không loại trừ khả năng có sự muốn trì hoãn việc thoái vốn tại doanh nghiệp này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 diễn ra hôm 27/5 vừa qua, ông Vũ Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, ban lãnh đạo công ty ý thức được việc thoái vốn Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Sabeco đã nhiều lần gửi công văn xin thoái vốn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cân nhắc như thoái vốn cho ai, bằng cách nào, thời điểm nào… nhằm đảm bảo lợi ích cổ đông, lợi ích xã hội. Vấn đề này hiện vẫn phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, lãnh đạo Sabeco cũng thừa nhận, thị trường đồ uống trong nước đang ngày càng khốc liệt khi hàng loạt doanh nghiệp ngoại đổ vốn đầu tư, cạnh tranh trực tiếp với Sabeco. Công ty còn phải đối đầu với những cách thức xâm chiếm thị trường thông qua liên kết, thôn tính doanh nghiệp Việt.

Phương Dung