Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái khi Nga "siết van" khí đốt

Nhật Linh

(Dân trí) - Dẫn cảnh báo từ Hiệp hội ngành công nghiệp BDI của Đức, Reuters cho biết, Đức sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nếu nguồn cung khí đốt Nga ngừng hoàn toàn.

Theo Reuters, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) từ vùng biển Baltic ở phía bắc đến Adriatic ở phía nam đang tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, đưa năng lượng trở thành trọng tâm của cuộc chiến kinh tế giữa Moscow và phương Tây.

Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái khi Nga siết van khí đốt - 1

Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu cuộc khủng hoảng khí đốt Nga ngày càng lún sâu (Ảnh: Reuters).

Trước khi cuộc chiến nổ ra, châu Âu phụ thuộc vào Nga đến 40% nhu cầu khí đốt, riêng Đức là 55%. Đây là khoảng trống lớn rất khó để lấp đầy trong bối cảnh thị trường khí đốt toàn cầu đang thắt chặt. Một số quốc gia buộc phải tạm thời lùi kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than.

Giá khí đốt đang ở mức kỷ lục, khiến cho lạm phát tăng vọt, gây thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực đưa châu Âu thoát khỏi cơn bão kinh tế.

Hôm qua (21/6), Hiệp hội ngành công nghiệp BDI của Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 xuống còn 1,5% so với mức 3,5% được dự đoán trước khi cuộc chiến nổ ra. Hiệp hội cho biết việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu khó tránh khỏi suy thoái.

Khí đốt của Nga hiện vẫn được bơm qua Ukraine nhưng tốc độ đã giảm. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 dưới biển Baltic hiện chỉ hoạt động ở 40% công suất. Moscow nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở việc bảo dưỡng đường ống này, trong khi đó châu Âu lại cho rằng đây là cái cớ để Nga cắt giảm nguồn cung cho lục địa này.

Trước đó, phản ứng với quyết định này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng việc cắt giảm nguồn cung này là một cuộc tấn công về mặt kinh tế và là một phần trong kế hoạch nhằm khuấy đảo nỗi sợ hãi của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Đây là một chiều hướng mới. Chiến lược này không được phép thành công", ông Habeck nói.

Việc Nga giảm tốc độ bơm khí đốt cho châu Âu đã cản trở nỗ lực tăng nguồn dự trữ của khu vực này, hiện mới chỉ lấp đầy được 55%, với mục tiêu tăng 80% vào tháng 10 và 90% vào tháng 11. Đây là mức có thể giúp EU vượt qua mùa đông tới nếu nguồn cung bị gián đoạn.

Hôm qua, chính phủ Italy cũng đã công bố các biện pháp ban đầu để tăng cường dự trữ khí đốt sau khi công ty năng lượng Eni cho biết nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm hơn một tuần.

Các quốc gia khác như Áo, Đan Mạch, Đức và Hà Lan cũng đã kích hoạt giai đoạn cảnh báo sớm đầu tiên của kế hoạch 3 giai đoạn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt.

Cơ quan quản lý khí đốt Bundesnetzagentur của Đức đã phác thảo chi tiết hệ thống đấu giá mới sẽ bắt đầu vào tuần tới nhằm khuyến khích các nhà sản xuất tiêu thụ ít khí đốt hơn.

Giá khí đốt chuẩn cho châu Âu đang được giao dịch ở mức khoảng 126 euro/MWh, thấp hơn so với mức đỉnh của năm nay là 335 euro/MWh, song vẫn tăng hơn 300% so với năm ngoái.

Theo Reuters