Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM:

Trường ĐH tự bổ nhiệm giáo sư là sự thách thức pháp luật!

(Dân trí) - "Nếu một trường đại học bổ nhiệm một người vào chức danh GS mà không có Quyết định công nhận của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, không bàn đến việc hay dở, mà cách thức làm và hành xử như vậy là một sự thách thức pháp luật..."

Đó là ý kiến của NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nói về việc trường Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) đang gây ra tranh luận gay gắt với nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

Trường tự bổ nhiệm GS, PGS cần căn cứ vào văn bản của cơ quan Nhà nước

Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, việc trường Đại học tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa xu thế này thì cần thời gian nghiên cứu kinh nghiệm, đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là của đội ngũ giáo viên và quan trọng nhất, phải căn cứ vào một văn bản có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hiện nay, văn bản pháp luật điều chỉnh việc công nhận đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm PGS, GS ở Việt Nam vẫn có hiệu lực là Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 sửa đổi bổ sung Quyết định 174.

“Vì vậy, dù có ủng hộ cái mới, cái hay, ủng hộ việc giao quyền bổ nhiệm cho các trường thì vẫn phải khẳng định rằng trường Đại học Tôn Đức Thắng đã làm sai qui định của pháp luật”, GS.TS Mai Hồng Quỳ nói.

Về lập luận của trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng trường được làm những gì luật không cấm, GS.TS Quỳ cho rằng đây là cách hiểu không đúng về nguyên tắc pháp luật. Điều 4 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận chỉ áp dụng đối với các các cam kết thỏa thuận trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Việc phong hàm và bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS không phải là một thỏa thuận dân sự mà là một hành vi hành chính. Trường Tôn Đức Thắng là một đơn vị sự nghiệp, là một trường công lập, vì vậy, trong các hoạt động của mình trường phải tuân thủ Quy định của pháp luật, trong đó có Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng. Nếu trong quyết định của Thủ tướng không quy định minh thị việc trường được giao quyền phong và bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì trường không có cơ sở pháp lý để làm việc này.

“Tôi nhấn mạnh về hai chức danh này vì việc công nhận và bổ nhiệm chúng đã được điều chỉnh bởi một văn bản chuyên biệt”, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM nói.


GS.TS Mai Hồng Qùy

GS.TS Mai Hồng Qùy

Vẫn phải "qua cửa" Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

Về Quy trình bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS thì các Quy định trong các văn bản của Thủ tướng cũng thể hiện sự tiến hóa và từng bước thực hiện việc giao quyền cho các trường, các cơ sở đào tạo.

Theo đó, thời điểm từ năm 2008 trở về trước, văn bản áp dụng điều chỉnh việc này là Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001 của Chính phủ Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS,PGS. (Văn bản này áp dụng đối với những trường hợp bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư trước từ 2008 trở về trước)

Theo Khoản 7 Điều 17 Mục 1 Chương IV quy định Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước tổ chức thẩm tra kết quả xét chức danh GS, PGS của các Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành, liên ngành, ra quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.

Về Quy trình Bổ nhiệm ngạch GS, PGS phải tuân theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Mục 2 Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001, tức là, tại thời điểm này, người ký quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS là Bộ trưởng Bộ nội vụ.

Thời điểm từ năm 2009 đến ngày 15/6/2012, văn bản áp dụng là Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Khoản 2 Điều 15 Mục 1 Chương III Quyết định này quy định Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của Hội đồng ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các nhà giáo.

Quy trình Bổ nhiệm chức danh GS, PGS, tại Khoản 4 Điều 17 Mục 2 Chương III quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT căn cứ đề nghị của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Như vậy trong thời gian này người ký quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thời điểm từ 15/6/2012 đến nay, các văn bản áp dụng là Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/ 12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg.

Theo đó, việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS áp dụng theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Về Quy trình Bổ nhiệm chức danh GS, PGS, tại Khoản 10 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/ 4/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh GS, PGS, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học, ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, sau đó báo cáo lên Thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở đào tạo và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”.

Như vậy thời gian từ năm 2012 trở về đây người ký quyết định bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS là Thủ trưởng cơ sở đào tạo. Nếu người được công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là Thủ trưởng cơ sở đào tạo thì có thể ủy quyền cho cấp phó hoặc tự mình ký quyết định bổ nhiệm. Trong trường hợp cấp phó chỉ là PGS, mà thủ trưởng lại được bổ nhiệm vào chức danh GS thì thủ trưởng cơ sở đào tạo nên ký quyết định cho mình. Tuy nhiên, dù ai ký quyết định bổ nhiệm thì căn cứ pháp luật không thể thiếu vẫn là Quyết định công nhận đủ tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Nếu một trường đại học bổ nhiệm một người vào chức danh giáo sư mà không có Quyết định công nhận của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, không bàn đến việc hay dở, mà cách thức làm và hành xử như vậy là một sự thách thức pháp luật.

“Không thể lấy chuyện Thủ trưởng cơ sở đào tạo ký quyết định bổ nhiệm mình căn cứ Quyết định công nhận của Hội đồng Chức danh giáo sư để đánh đồng với việc tự bổ nhiệm của một trường Đại học. Không những thế, nếu Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh giáo sư có giao việc phong hàm, bổ nhiệm GS, PGS cho trường Tôn Đức Thắng, thiết nghĩ trước hết Tiến sĩ Lê Vinh Danh cũng phải trải qua quy trình phong và bổ nhiệm vào chức danh PGS trước khi phong và bổ nhiệm GS. Xã hội chúng ta nên đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và không thể theo kiểu lẫn lộn đúng sai, ném đá vô tội vạ”, GS.TS Mai Hồng Quỳ khẳng định.

Quế Sơn