Đại học chưa lọt TOP 1000 trên thế giới, chưa thể tự phong Giáo sư

(Dân trí) - “Việc một số trường ĐH ở Việt Nam mong muốn được tự phong GS, PGS là nguyện vọng chính đáng, phù hợp với xu hướng tự chủ và phân tầng trường ĐH. Nhưng nếu nhà nước cho thực hiện đại trà ngay lúc này hoặc hạ thấp tiêu chí công nhận GS, PGS, thì lợi bất cập hại, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đó là ý kiến của NGƯT. PGS.TS. Phạm Văn Điển, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp VN, nhà khoa học tại ĐH Bayreuth - CHLB Đức giai đoạn 2011 - 2015; Nhà khoa học, tham gia hướng dẫn NCS tại ĐH tổng hợp Colorado - Hoa Kỳ giai đoạn 2013 - 2017; đang công tác biệt phái tại tỉnh Hà Giang.


PGS.TS Phạm Văn Điển

PGS.TS Phạm Văn Điển

 

Xã hội có thể khó phân biệt được ai là GS/ PGS, ai là kỹ sư/cử nhân

Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, ông nghĩ thế nào về việc trường đại học tự phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường?

Việc một số trường ĐH ở Việt Nam mong muốn được tự phong GS, PGS là nguyện vọng chính đáng, phù hợp với xu hướng tự chủ và phân tầng trường ĐH. Nhưng nếu nhà nước cho thực hiện đại trà ngay lúc này hoặc hạ thấp tiêu chí công nhận GS, PGS, thì lợi bất cập hại, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả nghiêm trọng ở đây là gì, thưa ông?

Vấn đề chính ở đây là năng lực của trường ĐH. Nếu một ĐH nào đó chưa đủ tiêu chuẩn đào tạo thạc sĩ hay tiến sĩ, thì không thể được quyền tự công nhận chức danh hay bổ nhiệm GS, PGS. Nhiều trường ĐH không có bài báo khoa học quốc tế nào được công bố trong nhiều năm, GS, PGS được trường đó phong sẽ có ý nghĩa gì?

Nếu trao quyền cho ĐH ở nước ta tự phong GS, PGS, tăng trưởng về số lượng GS, PGS có thể đạt kỷ lục so với tất cả các chỉ số tăng trưởng khác. Hậu quả nghiêm trọng là chất lượng GS, PGS sẽ giảm xuống rõ rệt, tụt hậu so với thế giới. Xã hội có thể khó phân biệt được ai là GS/PGS, ai là kỹ sư/cử nhân nữa.

Tối thiểu nên áp dụng tiêu chuẩn quốc gia

Nếu các cơ quan quản lý không cho phép trường ĐH tự phong GS, PGS thì liệu có cản trở việc các trường thực hiện quyền tự chủ?

Hiện nay, nhiều trường ĐH đã được quyền tự chủ trong việc đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ (mặc dù khả năng tự chủ của không ít trường ĐH là khá non nớt). Bước đi trong tương lai là có thể tiếp tục cho phép các trường ĐH được quyền tự chủ trong việc phong GS, PGS khi có đủ điều kiện về năng lực và uy tín.

Đại học chưa lọt TOP 1000 hay 2000 trên thế giới, thì chưa thể được quyền tự phong Giáo sư, Phó giáo sư. Điều này có thể khắt khe, nhưng nó cũng đơn giản như việc công nhận một người có quyền công dân đầy đủ và cũng có tính phổ biến như các nước tiên tiến đã từng trải qua.

Như vậy, việc trường ĐH tự phong GS,PGS cần phải dựa vào sự công nhận của Hội đồng chức danh GS nhà nước?

Đúng vậy. Mặc dù hiện nay, phương thức xét và công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của nhà nước ta chưa thật hoàn hảo, nhưng đây vẫn là công cụ chính tắc nhất, thể hiện được khung đánh giá chung ở tầm quốc gia, về cơ bản được xã hội thừa nhận và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Khi chưa áp dụng được tiêu chuẩn quốc tế hay tiêu chuẩn của ĐH tiên tiến trên thế giới, tối thiểu nên áp dụng tiêu chuẩn quốc gia. Còn sự nổi trội của từng cá nhân hay tổ chức là ở chính đóng góp thực tế của họ. Xã hội luôn nhận biết được và tôn trọng điều đó.

Cần tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS của quốc gia theo hướng quốc tế hóa. Chức danh GS, PGS nên được xem là những vị trí việc làm. Có vị trí việc làm, thì mới có chức danh và đã có chức danh thì tiến đến là có quyền tuyển và chi trả người giúp việc (chẳng hạn giáo sư được tuyển phó giáo sư, phó giáo sư tuyển tiến sĩ, thạc sĩ).

Việc phong GS hay PGS chủ yếu căn cứ vào ấn phẩm khoa học của cá nhân (một tiêu chuẩn nữa là không vi phạm đạo đức xã hội), chứ không cần đòi hỏi cá nhân đó phải tham gia giảng dạy, hướng dẫn sau đại học hay cần có thâm niên công tác.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)