Giáo sư, tiến sĩ tranh luận gay gắt về việc phong hàm GS,PGS
(Dân trí) - Sự kiện trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện việc phong hàm GS,PGS cho giảng viên trong trường đã thành một diễn đàn tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau của nhiều GS,PGS, tiến sĩ về việc phong hàm của trường và đặc biệt của Việt Nam hiện nay.
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT: Cả giới trí thức đang không theo kịp quy định pháp luật!
TS Đàm Quang Minh
Theo quy định pháp lý hiện nay, việc bổ nhiệm giáo sư đã thuộc về các trường đại học. Cụ thể quy định này đã có từ năm 2008. Thế nên việc các trường đại học bổ nhiệm GS và PGS là đúng thẩm quyền. Nếu Đại học Tôn Đức Thắng trao trách nhiệm GS cho người không đạt chuẩn thì mới là phạm luật. Đó là theo Quyết định 174/2008/QĐ-TTg được ký ngày 31/12/2008.
Tuy nhiên vấn đề ở đây mọi người vẫn đánh đồng việc công nhận đủ tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đối với các cá nhân có nghĩa đã là GS hay PGS. Đây là quán tính của nề nếp cũ cho dù văn bản đã được ban hành gần 7 năm.
Quy trình của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực tế không phải sáng kiến mà là nhắc chúng ta là cần đưa luật vào thực thi cho đúng. Chỉ khi các trường đề nghị hoặc có vị trí thì mới có GS hay PGS. Nói cách khác GS, PGS cũng giống như vị trí Giám đốc kỹ thuật của một công ty. Đơn giản là chức danh giống như Giám đốc, Trưởng phòng hay Hiệu trưởng. Đúng bản chất nhất có lẽ là vị trí trưởng nhóm nghiên cứu trong các trường đại học. Chúng ta không nên huyễn hoặc thái quá một vị trí công việc vốn đương nhiên cần có trong các trường đại học. Thực tế thì nhận thức xã hội trong đó có cả giới trí thức đang không theo kịp quy định pháp luật.
Về việc nên đặt ra “ngưỡng” cho các trường ĐH tự phong giáo sư, phó giáo sư? TS Minh cho rằng: “Đây là một ý kiến không phù hợp và mang tính phân biệt. Giả sử Trường ĐH FPT hoặc Trường ĐH Fulbright sắp thành lập mời GS Ngô Bảo Châu về làm việc và GS muốn làm việc toàn thời gian tại Việt Nam. Đương nhiên một trường mời thành lập như Fulbright hay FPT thì không thể có xếp hạng ngay được. Chẳng nhẽ GS. Ngô Bảo Châu lúc đó không xứng đáng được gọi là giáo sư.
Bên cạnh đó, chúng ta có nhầm lẫn khi sử dụng từ “phong”. Từ “phong” bản chất có gì đó hữu danh vô thực. GS là nhiệm vụ thực tế, thế nên bản chất đây là giao việc giáo sư cho một cá nhân nào đó. Các trường tuyển dụng các vị trí giáo sư để phục vụ các mục tiêu đào tạo và nghiên cứu của nhà trường.
Hiện tại quy định về tuyển dụng các vị trí GS, PGS quá phức tạp và cần Bộ giáo dục phê duyệt. Trước đó thủ tục cũng cần có Hội đồng nhà nước xét duyệt, tôi thấy còn phức tạp hơn cả việc bổ nhiệm hiệu trưởng. Thực tế là hiệu trưởng sẽ quản lý các giáo sư nên việc bổ nhiệm giáo sư cần đơn giản hơn bổ nhiệm hiệu trưởng.
Tôi cho rằng bổ nhiệm giáo sư thực chất là việc nội bộ của các trường đại học và nên để các trường tự thực hiện. Các quy định về nghiên cứu chỉ cần nêu các quy định cứng và khi đã đạt các tiêu chí đó thì không cần phải xét nữa. Nếu có sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử phạt sau đó và yêu cầu bãi nhiệm các trường hợp sai phạm.
Các tiêu chuẩn cứng cũng nên đặt ra đúng thông lệ quốc tế là chỉ cần dựa trên việc công bố các công trình khoa học. Các quy định về đề tài các cấp và viết giáo trình không phù hợp với thông lệ quốc tế cần phải được loại bỏ. Quy định trái thông lệ như việc có sinh viên bảo vệ luận án mới được bổ nhiệm giáo sư nên được quy định lại là chỉ có giáo sư, phó giáo sư mới được quyền hướng dẫn tiến sĩ, hậu tiến sĩ. Thiên tài Terence Tao được công nhận giáo sư năm 24 tuổi, nhưng nếu áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam thì có lẽ không biết khi nào mới được làm giáo sư.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Không phải trường hợp GS,PGS nào cũng đạt trình độ như yêu cầu!
GS Nguyễn Minh Thuyết
Trao đổi với Vietnamnet, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc công nhận chức danh khoa học mỗi nước làm một khác. Cách thực hiện công nhận và bổ nhiệm GS, PGS ở nước ta hiện nay, theo tôi, đảm bảo được mặt bằng chất lượng tương đương của các GS, PGS trên toàn quốc, dù các GS, PGS làm việc ở trường nào.
Dù thực hiện việc phong học hàm hoặc bổ nhiệm chức danh GS, PGS đã 20 năm, nhưng có thể nói rằng đây vẫn là công việc khá mới đối với nước ta. Trong điều kiện trường sở đa dạng, trình độ giảng viên đa dạng, việc thực hiện theo quy định như hiện nay vừa đảm bảo quyền dân chủ của các trường, quyền dân chủ của các ứng viên, vừa đảm bảo mặt bằng nhất định cho các chức danh khoa học.
Thời gian gần đây, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có những động thái tích cực để khẳng định vị thế. Đó là những cố gắng đáng hoan nghênh.
Việc các trường tự xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để bổ nhiệm GS, PGS, về lâu dài, nên ủng hộ vì nó phù hợp với quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, việc thí điểm ở một trường không thuộc tốp đầu như Trường ĐH Tôn Đức Thắng cần phải cân nhắc hơn.
Ngoài việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng thí điểm tự xem xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để bổ nhiệm GS, PGS có phù hợp với quy chế chung không thì còn những vấn đề khác cần lưu tâm.
Việc phong GS, PGS ở Việt Nam thời gian qua dù có nhiều cải tiến, các hội đồng làm việc nghiêm túc, nhưng thẳng thắn mà nói không phải trường hợp nào cũng đạt trình độ như yêu cầu.
Tôi lo rằng, việc các trường tự xem xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để bổ nhiệm lan rộng ra sẽ có vấn đề. Vì thực hiện trong nội bộ sẽ không tránh khỏi chuyện dễ dãi hoặc không công bằng: người được lòng lãnh đạo sẽ thuận lợi hơn, người không được lòng dù đủ tiêu chuẩn cũng sẽ gặp khó khăn,…
Một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Pháp vẫn còn có hội đồng xem xét hồ sơ chung, thì nước mình càng phải thận trọng. Có theo hướng nào cũng cần căn cứ vào tình hình cụ thể, vào những quy định của Nhà nước để thực hiện.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Cơ học: Đổi mới việc công nhận chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS ở Việt Nam chủ yếu là ở sự tự chủ của các trường ĐH.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức
Trước kia Hội đồng chức danh GS Nhà nước trực tiếp phong các chức danh GS, PGS; nay đã theo thông lệ quốc tế, Hội đồng Nhà nước chỉ công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS, còn bổ nhiệm chức danh do các ứng viên đủ chuẩn đăng ký, và được cơ sở giáo dục đại học xem xét, bổ nhiệm. Như vậy là hiện nay việc ở Việt Nam, chức danh GS, PGS trên thực tế đã được gắn cụ thể với một trường đại học rồi và đang từng bước phân cấp cho các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, cũng đã có những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc, được Hội đồng chức danh GS Nhà nước xét công nhận đặc cách GS như trường hợp GS Ngô Bảo Châu (từ nước ngoài), GS Phùng Hồ Hải (trong nước, dù còn thiếu 1 NCS),… Đây là những quyết định rất mạnh dạn và sáng suốt, kịp thời động viên các nhà giáo, nhà khoa học.
Một số hội đồng ngành như Toán học, Vật lý, Hóa học, Cơ học,…đã áp dụng và đòi hỏi các ứng viên có chức danh GS, PGS phải có những công bố quốc tế trên những tạp chí quốc tế SCI, SCIE, ISI, Scopus, ..., có uy tín về chất lượng và cả số lượng. Có thể đánh giá là hoạt động của các hội đồng ngành và Hội đồng chức danh GS Nhà nước đang đổi mới theo hướng vừa phù hợp, sát với tình hình thực tế ở Việt Nam, đồng thời tích cực tiếp cận với các tiêu chí và chuẩn mực của thế giới.
Trong thời gian tới, các tiêu chuẩn của GS, PGS Việt Nam có thể đẩy từng bước cao hơn, sát hơn với các chuẩn mực quốc tế và khi đó, các quy định về bỏ phiếu tín nhiệm khi ứng viên đã đạt đầy đủ các tiêu chuẩn có thể được xem xét để thông thoáng hơn.
Tự chủ đại học phải nhằm mục tiêu trước hết là tổng hợp và phát huy được cao nhất các nguồn lực và cơ chế để đầu tư phát triển nguồn nhân lực của đơn vị cả về số lượng, chất lượng và trình độ. Với tinh thần tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể đề ra các tiêu chí cao hơn chuẩn của Hội đồng CDGSNN, để lựa chọn những người xuất sắc hơn trong số các ứng viên đã đạt chuẩn của HĐ CDGSNN bổ nhiệm vào các chức danh GS, PGS của đơn vị mình.
Đây sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai gần với một số trường đại học có uy tín của Việt Nam. Và như vậy, sẽ có trường hợp những ứng viên đạt chuẩn GS, PGS của HĐCDGSNN nhưng lại có thể không đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào chức danh GS hoặc PGS ở một trường đại học danh tiếng, hoặc của những trường đề ra tiêu chí cao, chẳng hạn như về chỉ số công bố khoa học quốc tế.
Khi đó, GS, PGS được bổ nhiệm với tiêu chí cao, sẽ danh giá hơn, có sự phân biệt, xứng đáng được đãi ngộ cao hơn. Trường đại học có nhiều GS, PGS như vậy sẽ lại càng có uy tín, xếp hạng ngày càng cao hơn. Và điều này sẽ tạo ra những xung lực tác động ngược trở lại một cách tích cực đến hoạt động của HĐCDGSNN, đồng thời tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh trong giới khoa học, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
Theo tôi, suy cho cùng, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao này cũng chính là nhân tố then chốt, quan trọng nhất để từ đó thực hiện đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Như vậy, đổi mới việc công nhận chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS ở Việt Nam theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thực chất không chỉ phụ thuộc vào Hội đồng chức danh GS Nhà nước, mà chủ yếu chính là ở sự tự chủ và quyết tâm cao của các cơ sở giáo dục đại học.
Hồng Hạnh (thực hiện)
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)