Trước khi TPHCM quyết định cho HS nghỉ học: Giáo viên thom thóp lo cảnh HS đi học trong mùa dịch Corona
(Dân trí) - Trước khi TPHCM quyết định vào giờ chót cho HS nghỉ học tránh dịch Corona vào chiều 2/2, nhiều quản lý, GV không khỏi "đau tim" khi nghĩ cảnh hàng ngàn học trò sinh hoạt chung trong mối lo dịch bệnh.
Ngày 3/2, theo kế hoạch 1,7 triệu học sinh (HS) tất cả các bậc học ở TPHCM quay lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Ban đầu, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh virus Corona, khi rất nhiều trường ĐH và nhiều tỉnh thành đã quyết định cho HS nghỉ học thì thành phố giữ lập trường HS quay lại trường bình thường.
Cả triệu học trò sau ngày Tết từ các nơi đổ về sẽ đi lại, sinh hoạt, ăn ngủ chung trong nỗi lo dịch bệnh. Ngoài phụ huynh thì những người mất ăn, mất ngủ nhất khi hình dung đến cảnh này chính là các nhà quản lý, giáo viên các trường.
"Không sợ trách nhiệm"
Trước ngày TPHCM có quyết định cho HS nghỉ học tránh dịch bệnh, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TPHCM đã bày tỏ sự lo lắng khi HS quay lại trường vào mùa "dịch bệnh".
Kỳ nghỉ Tết, các em đi khắp nơi, du lịch cùng gia đình, rồi tuổi ăn tuổi chơi, sinh hoạt chung, thời gian ủ bệnh...
Nỗi lo âu muốn ứa nước mắt khi đó là trường có hơn 1.200 HS ăn và ngủ bán trú mỗi buổi trưa. Hình dung, hơn 1.200 em ăn và ngủ tại trường, biện pháp nào để đảm bảo khử khuẩn toàn bộ khay ăn, đĩa muỗng? Cách nào để “cô lập” vi khuẩn trong sinh hoạt chung của học trò?
Ban giám hiệu, thầy cô không nông nổi cạn nghĩ, sợ trách nhiệm theo kiểu bị “xử lí” gì đó. Mà hiểu rằng, nếu có gì bất trắc, sơ suất thì mất mát lớn nhất chính là con người, là sức khỏe của học trò; đến những yếu tố phát sinh và nhiều vấn đề liên quan đến sinh hoạt, kinh tế tài chính của gia đình, nhà trường, xã hội.
Để chuẩn bị đón HS quay lại trường, khi đó nhà trường đã ngồi phân tích, đánh giá tình hình, đưa đưa ra các biện pháp quản lí, nắm bắt kiểm tra sức khỏe HS, thậm chí lên các biện pháp: kiểm tra thân nhiệt, việc mang khẩu trang, nước uống, rửa tay, kiểm tra nơi HS đến trong kì nghỉ Tết. Nhà trường còn lập trang Facebook để liên tục cập nhật, chia sẻ, nhắc nhở HS.
Khi đó, bà và nhiều đồng nghiệp vẫn mong có một quyết định từ trên cân nhắc lựa chọn những yếu tốt sức khỏe, nguy cơ, thiệt hại. Chưa bao giờ mong một thông báo nghỉ học ở cấp trên, cùng chỉ đạo thực hiện quản lý HS, thực hiện kế hoạch dạy học... đến thế.
Bất an khi con mình nghỉ mà học trò vẫn đến trường
Trước tình hình dịch bệnh, khi TPHCM vẫn giữ lập trường HS quay lại trường bình thường, rất nhiều phụ huynh đã chủ động lên kế hoạch tự cho con nghỉ học, trong đó có rất nhiều người là giáo viên.
Có người còn nghĩ, nhà trường, giáo viên mong cho nghỉ để khỏi vướng bận trách nhiệm. Nhưng làm việc ở trường học, họ hiểu rõ hơn bất kỳ ai nguy cơ lây lan dịch bệnh ở trường học, hạn chế công tác vệ sinh, y tế với rất nhiều mối nguy ở trường.
Những gì chúng ta trấn an nhau như nhắc HS đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ vệ sinh... trong môi trường hàng ngàn đứa trẻ sinh hoạt chung rõ ràng mang tính hình thức và trấn an về tâm lý. Khẩu trang các em đeo xộc xệch cho có, các em ôm vai bá cổ, ăn chung...
Quyết định sẽ cho con mình nghỉ học để tránh dịch nhưng ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên tại Trường tiểu học Bình Hòa, Bình Thạnh, TPHCM không thể yên lòng khi nghĩ đến cảnh HS quay trở lại trường.
Ở tiểu học, các trường tổ chức bán trú, lớp có sĩ số HS rất đông. Các bé học cả ngày, thật khó để đeo khẩu trang cả ngày khi các em rất hiếu động, thích trò chuyện... Khi ngủ, thì các em nằm sát cạnh nhau, nếu một em bị bệnh thì khả năng lây lây vô cùng lớn.
Bản thân ban giám hiệu cũng khó kiểm soát được tất cả mọi người, trong đó nhiều trường có giáo viên nước ngoài trong thời gian Tết họ đi đâu, có qua vùng dịch không, tiếp xúc với ai.
Rồi nữa, mỗi trường chỉ có một nhân viên y tế không thể nào kiểm soát được toàn bộ HS, nhân viên nhà trường. Giáo viên cũng vậy, họ cũng không thể hình dung mình sẽ dạy học, quản lý hàng chục, hàng trăm HS trong lo lắng dịch bệnh bằng cách nào.
Việc cho HS nghỉ học chắc chắn sẽ xáo trộn, đảo lộn sinh hoạt gia đình, xã hội, chương trình học tập... nhưng những vấn đề đó, chắc chắn lúc này đều nằm sau ưu tiên phòng tránh dịch bệnh. Như gia đình thầy Sơn, vợ chồng đi làm, nếu con nghỉ sẽ rối tung nhưng giữ con nghỉ học vẫn còn khỏe hơn đến lúc chăm con bệnh nhiều. Nhất là bệnh dịch.
Những ngày đó, nghĩ cảnh ngày mai hàng triệu HS đến lớp, thầy Sơn đắng ngắt miệng, nhiều bữa nuốt không trôi.
Rồi họ - những người thầy, cũng như hàng triệu ông bố bà mẹ ở TPHCM thở phào phần nào khi chiều tối 2/2, Sở GD&ĐT TPHCM ra thông báo cho HS nghỉ học vào phút chót. Dù HS nghỉ thì thầy cô vẫn đến trường liên tục với công tác tập huấn, vệ sinh để phòng chống dịch bệnh.
Hoài Nam