Thanh tra, thao giảng và muôn kiểu đối phó

(Dân trí) - Đổi mới giáo dục đang là vấn đề nóng của cả xã hội. Bản thân tôi không phải là một người trong ngành, nhưng hàng ngày vẫn nghe các cháu quanh mình vô tư nói về những đợt thanh tra, thao giảng, hội thi và muôn kiểu ứng phó của nhà trường, giáo viên và học sinh.

Một câu hỏi lớn tôi vẫn luôn trăn trở: Làm sao có thể thực hiện đổi mới giáo dục khi quanh ta vẫn còn rất nhiều tư tưởng đối phó nhau như thế?

Số lượng trường mầm non tư thục có giấy phép hoạt động trên đất nước ta không hề nhỏ. Mỗi năm, nhằm quản lí và nâng cao chất lượng dạy học của các cơ sở này, sở giáo dục thường có những đợt kiểm tra thường xuyên cũng như đột xuất. Và rồi những chiếc xe vận tải nhỏ bắt đầu lăn bánh. Để làm gì ư? Để chở một số thiết bị dạy học mượn ở các trường công lập về “chưng” cho người ta kiểm tra.

Xong đợt lại chở đi trả còn các cháu mầm non chẳng có cơ hội tiếp xúc với những thiết bị, những món đồ chơi ấy đâu. Bởi trường công lập luôn được nhà nước trang cấp đầy đủ, còn trường tư thục phải muốn có phải bỏ những khoản tiền không nhỏ ra mua. Thôi thì, mỗi năm chạy đi mượn vài đợt vậy.

Giáo viên lại đối phó bằng nhiều cách khác nhau. “Gạ” bài, đưa sẵn câu hỏi và đáp án cho học sinh học thuộc là cách làm quen thuộc mà chúng ta thường nghe. Có một “chiêu” vẫn được dùng mà giả sử chúng ta là cha mẹ của những đứa trẻ bị đối xử bất công ấy thì chúng ta sẽ ấm ức đến tột cùng. Đó là “chủ động giảm sĩ số lớp”. Tất nhiên là những cánh chim đầu đàn chăm ngoan, khá giỏi sẽ không tình cờ bị “tinh giảm biên chế” trong những tiết học có dự giờ đâu.

Các cháu mầm non quá chậm chạp hoặc quá hiếu động được gọi tiếng lóng là “ốc”, “vít” sẽ được gửi về cho các cô nuôi, tức là các cô vừa nấu ăn vừa trông giúp các cháu. Và tiết dự giờ chắc chắn sẽ xuôi chèo mát mái hơn nhiều. Các cô sẽ được khen chăm cháu giỏi, dạy cháu ngoan…

Còn cháu tiểu học và trung học yếu kém, nghịch ngợm sẽ được dặn dò kĩ lưỡng cho buổi dạy quan trọng của cô giáo hơn. Có lúc các cháu phải ra ngồi ở quán nước hoặc sang phòng trống chơi, đợi cô dạy xong rồi về lớp. Có lúc cô dặn cháu nghỉ học luôn buổi đó. Đã học yếu, đã ham chơi, được cho nghỉ, các con càng khoái chí. Con trẻ có biết đâu mình đang bị đối xử bất công?

Rồi cách học sinh đối phó thật sự làm chúng ta băn khoăn về cách thức chiếm lĩnh tri thức, hình thành kĩ năng, xây dựng tâm hồn con trẻ. Trước các tiết thanh tra, thao giảng vài ngày đến vài tuần là một quá trình tập dượt của cả cô và trò. Cũng là bài đó, các con phải soạn theo hệ thống câu hỏi và đáp án cô cho sẵn, học thuộc lòng, đứng trả lời thử, lên bảng làm mẫu… đến vài lần.

Cứ thế, chuẩn bị thật tươm tất cho mọi thứ thật hoàn hảo trong tiết dạy. Và con trẻ lại đọc vanh vách câu trả lời, chép một cách vô hồn lời giải một bài toán. Chẳng suy nghĩ, tư duy, chẳng tìm từ diễn đạt, chẳng huy động dũng khí đứng dậy phát biểu trước bao người, chẳng có chút lâng lâng sung sướng khi được cô khen và bạn bè ngưỡng mộ…

Trên thực tế, có rất nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, lấy sự tiến bộ của học trò làm niềm vui lớn nhất. Có rất nhiều giáo viên đang khẳng định mình bằng chính năng lực chuyên môn và nhân cách cao đẹp. Có vô vàn thầy cô giáo là tấm gương sáng để bao con trẻ kính trọng và noi theo. Nhưng vẫn còn đâu đây những mầm sâu bệnh đục khoét niềm tin của chúng ta vào sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm