Thao giảng - Giờ học trong mơ
(Dân trí) - Giống như đa số mọi người, tôi kịch liệt phản đối việc dự giờ chạy theo thành tích, giáo viên sắp đặt điều khiển học sinh như một con rối trong “vở kịch” của mình.
Với tư cách là phụ huynh, tôi đã từng “sốc” khi con mình bị gạt ra khỏi giờ dạy thao giảng của cô. Các cô đâu có biết rằng có những đứa trẻ rất buồn phiền, ấp úng khi phải nói với cha mẹ rằng ngày mai cô cho con nghỉ vì lớp có người dự. Các cô đâu biết những lời càu nhàu, ca thán, thậm chí quát mắng, đánh đòn của bố mẹ khi nghe thông báo đó từ miệng con. Ngoài ra còn bao nhiêu suy diễn nảy nở trong đầu, nhẹ nhàng thì cho là con mình học trầm, không hăng hái giơ tay phát biểu nên mới thế, hoặc con nghịch ngợm hiếu động quá, cô sợ làm ảnh hưởng đến lớp. Hướng suy nghĩ nặng nề hơn mà đa phần phụ huynh thường nghĩ đến là do con mình học dốt, không tiếp thu được bài mới ra nông nỗi ấy. Tai hại nhất là có phụ huynh còn đặt dấu hỏi cho việc mình không quan tâm đến cô “đúng mức” chăng.
Với tư cách một người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, tôi tự hỏi:
- Việc lớp học luôn quá tải học sinh, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, phòng ốc chật hẹp, giáo viên vất vả hao tâm tổn lực với cùng một lúc 50, 60 học trò, ai cũng biết, cũng kêu, vậy đến khi có người dự giờ, nhất là khi có các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát đến lại giảm sĩ số đi một nửa để làm gì? Lẽ ra đây chính là lúc phải nhìn thẳng, nhìn thật vào thực trạng dạy và học còn nhiều khó khăn trở ngại của thầy trò chứ.
- Cái khó nhất, thể hiện tài năng sư phạm nhất của người giáo viên là dạy cùng một lúc nhiều đối tượng học sinh, nhiều sức học khác nhau nhưng tất cả đều phải hiểu bài, đều có hứng thú học tập. Ai cũng biết khổ nhất cho người thầy trong giờ lên lớp chính là những học sinh cá biệt, nếu đến giờ thao giảng lại dẹp bớt các đối tượng này thì còn có nghĩa lý gì đây? Giờ dạy toàn học sinh khá giỏi, có ý thức, chăm chỉ, ngoan ngoãn thì không thành công mới là chuyện lạ.
- Tại sao các thầy cô lại phải quá lo lắng về việc dự giờ, thăm lớp đến thế. Mình dạy như thế nào tự mình biết, học sinh biết và giáo viên trong trường đều biết, việc dự giờ 1, 2 tiết có nghĩa gì đâu, chỉ cần trơn tru hơn mọi ngày một chút là được. Giáo viên thay vì sắp đặt “cách diễn” hãy khơi gợi vào ý thức của học sinh để học sinh hiểu việc có người dự giờ cũng giống như việc nhà hôm nay nhà có khách, thầy và trò là chủ nhà cần cùng nhau thể hiện tinh thần hiếu khách bằng cách để lại ấn tượng tốt đẹp trong giờ học. Về kiến thức không lo học sinh không trả lời được, chỉ lo lớp học không có không khí vui tươi, sôi nổi. Với một hệ thống câu hỏi logic từ đơn giản đến phức tạp, từ phát hiện đến suy luận liên tưởng, tượng tượng thì sẽ đa dạng được các đối tượng trả lời, học sinh nào cũng có thể tham gia vào bài giảng của thầy. Chẳng có gì tẻ nhạt hơn việc bất cứ câu hỏi nào của giáo viên học sinh cũng trả lời làu làu, ngay tắp lự, không một chút băn khoăn, bối rối; và cũng chẳng có gì buồn chán hơn một lớp học không có sự trao đổi thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.
Đã từng là học sinh, tôi nhớ như in thời đi học rất nhiều thầy cô lo dạy trước bài khi có người đến dự, điều ấy vô tình để lại một ấn tượng phản cảm trong tôi. Vì thế sau này khi làm nghề giáo, tôi tự hứa với mình không bao giờ lặp lại sai lầm ấy. Việc dạy trước không chỉ đánh mất cái nhìn kính trọng của học trò mà còn giết chết niềm vui sự hào hứng khi vào bài học mới, giờ học trở nên xơ cứng, gượng gạo, thiếu đi sự tự nhiên, bất ngờ như vốn có.
Với tư cách một người đã từng làm nghề giáo, tôi càng không đồng tình với việc dạy trước bài. Vì nó làm mất đi lòng tự trọng nghề nghiệp của mình, thể hiện năng lực sư phạm kém cỏi, hoen ố hình ảnh người thầy trong mắt bao người.
Nhưng nếu chỉ nhìn ở khía cạnh lên án thôi thì liệu đã đúng và công bằng chưa? Vì đã từng là người trong cuộc nên tôi có thêm một cách lý giải như thế này.
Phải chăng thao giảng chính là giờ học trong mơ của mỗi giáo viên, thể hiện mong ước, hi vọng của người dạy học. Đó là mỗi lớp sĩ số chỉ từ 25 đến 30 em, để có thể bao quát sâu rộng đến từng học sinh, để đỡ phải rát cổ mỏi họng mỗi khi giảng bài. Đó là học sinh của mình ai cũng chăm ngoan, học giỏi. Đó là giờ dạy có đầy đủ trang thiết bị phục vụ, để không phải nháo nhào đi mượn khắp mọi nơi. Đó là đầu tư chất xám để chuẩn bị cho một giáo án chất lượng nhất. Nếu giờ học nào cũng được vậy thì nghề dạy học quả thực là đẹp và sung sướng nhất trên đời.
Nhưng thực tế thì mỗi lớp bị nhồi nhét tới 50, 60 học sinh, chỉ riêng việc quản lý, ổn định trật tự đã chiếm gần hết thời gian. Học sinh đủ các thành phần mà dốt thường nhiều hơn giỏi, lười nhiều hơn chăm, hư nhiều hơn ngoan. Ai đã từng đứng lớp mới thấu hiểu sâu sắc tâm lý ức chế, buồn chán, thất vọng, tức giận đến mức chỉ muốn bỏ nghề khi gặp phải một số học sinh ương bướng, ngỗ ngược… Còn về giáo án, ai cũng biết soạn bài là khâu quyết định phần lớn thành công của tiết dạy nhưng sức đâu mà soạn công phu, cầu kì như có người đến dự, cuộc sống đâu phải chỉ có ăn rồi ngồi soạn giáo án, dạy học cũng đâu phải có một việc duy nhất ấy mà còn bao nhiêu việc linh tinh khác.
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào dịp 20/11 và 26/3 là các trường lại đồng loạt tổ chức hoạt động dự giờ, thăm lớp. Ngoài ra còn có những kì thi giáo viên dạy giỏi các cấp ở một vài bộ môn, những đợt thanh kiểm tra của Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục. Đây là lúc mà giáo viên mệt mỏi nhất vì phải vắt óc suy nghĩ tìm ra cách dạy tối ưu cho bài giảng của mình, nghiên cứu tài liệu, tham khảo cách dạy của đồng nghiệp, thiết kế bài giảng trên giấy, trên máy, có khi phải soạn đi soạn lại mấy lần mới thấy ưng ý, sau đó dạy thử rồi lại tiếp tục sửa chữa cân nhắc thêm đến khi dạy thật, có đêm thức trắng suy nghĩ thay đổi lại toàn bộ giáo án. Huy động sức mạnh tổng lực của bản thân chưa đủ còn phải tận dụng mọi nguồn giúp đỡ từ bên ngoài. Vất vả vô cùng!
Hiểu như vậy liệu xã hội có cái nhìn bớt khắt khe với những kịch bản của giáo viên khi có người đến dự không?
Dư Phương Liên
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!