Lo đối phó “nặng” hơn dạy trò?

(Dân trí) - Thay vì tập trung giảng dạy, trang bị kiến thức cho đối tượng chính của giáo dục là học sinh thì người thầy hiện đang phải gánh “nhiệm vụ” nặng nề hơn là… đối phó với đủ các bậc quản lý trong hệ thống giáo dục.

Dự giờ, thao giảng là hoạt động giáo dục nhằm kiểm tra đánh giá giáo viên, học sinh. Ở đây những “màn kịch” được một số giáo viên chủ động sắp đặt như chuẩn bị trước bài, chỉ định sẵn học sinh trả lời, chỉ dẫn học sinh cách giơ tay, cho học sinh yếu nghỉ học… Ngày càng nhiều "chiêu" “cao tay” của người thầy để tiết dạy diễn ra một cách tròn trịa, đẹp đẽ về mặt đánh giá từ các nhà quản lý. 

Học sinh bị biến thành nạn nhân của sự dối trá với sự chủ động dẫn dắt của người thầy. Chẳng cần ai phải phê phán, chỉ trích, hơn ai hết, bản thân người thầy biết rõ những màn diễn này là phi giáo dục, nếu không muốn nói một cách nặng nề hơn là phi đạo đức. Nhưng bởi vì đâu vẫn có những người thầy sẵn sàng "diễn kịch"?

Giáo viên cũng không mặn mà gì với những tiết dự giờ, thao giảng (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Giáo viên cũng không mặn mà gì với những tiết dự giờ, thao giảng (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Xin được lấy một phần nghiên cứu so sánh giữa giáo dục Phấn Lan - mô hình được xem là tốt nhất thế giới hiện nayvà Việt Nam của tác giả Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) để lý giải phần nào. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, ông Trung đã chỉ ra chỉ ra những “sợi dây thòng lọng” đối với người thầy của chúng ta.

Ở nền giáo dục tiên tiến, người thầy toàn quyền trong lớp học, thiết kế bài giảng theo cách của mình. Họ chủ động, được phân quyền, được tin tưởng bởi đã được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản.

Còn giáo viên của ta, họ không có tự do trong công việc. Giáo viên thực hiện công việc dạy học theo cách được “cầm tay chỉ việc”, là thợ dạy, phát ngôn viên của sách giáo khoa. Phía dưới họ là học sinh nhưng bên trên là tầng tầng lớp lớp các bậc thanh tra từ cấp Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn, bộ môn…

Đó là Tiến sĩ Trung còn quên hoặc chưa nhắc đến với hệ thống quản lý chồng chéo, người thầy còn chịu áp lực theo chiều ngang từ UBND huyện/tỉnh.

Riêng hoạt động dạy học thông thường, giáo viên đã bị “đóng khung” với kiến thức, cách truyền thụ. Thì nói gì đến những tiết dự giờ, thao giảng với mục tiêu đánh giá, kiểm tra chất lượng sẽ khó tránh việc giáo viên “làm màu” với mục đích đối phó, vừa lòng cấp trên.

Đằng sau sự màu mè, sắp đặt của một tiết dự giờ, người thầy “ngộp thở” hơn bất kỳ ai với những đánh giá nhận xét. Họ cũng chẳng mặn mà gì mà theo lời một giáo viên: “Lỡ một câu nói hay thao tác chưa chuẩn mực cũng có thế bị chỉnh đốn ngay”.

Bên cạnh tâm lý đối phó, còn là sự ỳ ạch, ngại thay đổi của nhà giáo. Chẳng lẽ những nhà quản lý không nhận ra những giờ dạy của nghệ thuật "sắp đặt"? Biết chứ, họ biết rõ hơn bất kỳ ai là đằng khác. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đánh giá thấp một giờ dạy “trọn vẹn” mà ở đó thầy giỏi, trò thông. Bởi việc kiểm tra, đánh giá vốn cũng rất nặng hình thức, thành tích.

Giáo dục là sự sáng tạo, tìm tòi những cái mới mà những người “cầm trịch” giáo dục lại chọn lối mòn lạc hậu, cũ kỹ và nguy hại nhưng lại… an toàn. Trong mọi lĩnh vực, đối phó sẽ phát sinh sự trì trệ, với giáo dục còn nguy hại hơn khi mà hệ quả sẽ cho ra những "sản phẩm" què quặt và méo mó.

Giáo dục chúng ta đang dịch chuyển theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Một quan điểm tưởng như rất tiên tiến, hiện đại và nhân văn nhưng nếu không đặt người thầy ở vị trí trung tâm thì mọi cải cách đều sẽ không hiệu quả. Bởi một khi thầy còn bị động, bị áp đặt và chống đối thì như một lập trình, trò sẽ còn là nạn nhân của sự dối trá. 

Vị trí “trung tâm” của người thầy không chỉ chuyện thu nhập, nâng cao chất lượng đầu vào mà hơn hết, họ cần không gian tự chủ trong lớp học và trong công việc của mình.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)