"Chê" thanh tra, thao giảng: Xin đừng vơ đũa cả nắm!

(Dân trí) - Thanh tra, thao giảng và các hội thi giáo viên giỏi là một nhiệm vụ bắt buộc của ngành giáo dục nhằm đánh giá một cách toàn diện quá trình dạy học ở cơ sở; kiểm tra, đánh giá và thúc đẩy giáo viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Và mục đích cao nhất vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tuy nhiên, thực tế tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục này lại nảy sinh một số vấn đề bất cập, có thể làm lệch hướng mục tiêu tốt đẹp đề ra ban đầu.

Không thể phủ nhận phần lớn giáo viên thường có tâm lí an phận, bằng lòng với công việc hiện tại. Họ ngại sự thay đổi, xào xáo nếp sinh hoạt lâu nay của mình. Nếu đặt câu hỏi cho hội đồng sư phạm các trường: “Ai đăng kí tham gia hội thi giáo viên giỏi sắp tới?”, thường có rất ít giáo viên tự nguyện đăng kí tham gia. Còn câu hỏi: “Ai đăng kí thanh tra, thao giảng vào tháng sau?”, có thể giáo viên sẽ tự nguyện đăng kí. Bởi đây là “đến hẹn lại lên”, cứ mỗi năm 2 đợt thao giảng và 1 đợt thanh tra cấp trường, thực hiện trước thì khỏi thực hiện sau.

Trước mỗi kì thi giáo viên giỏi hay hội giảng các cấp, nhà trường thường đặt ra chỉ tiêu tham dự cho các tổ chuyên môn, các nhóm bộ môn. Lúc này, không ít cơ sở xuất hiện tình trạng “đùn đẩy” nhiệm vụ cho nhau. Và một cách vô tình, niềm tự hào được trường “chọn mặt gửi vàng” biến thành “bị” điều đi thi. Từ sự tự nguyện chuyển thành gượng ép. Vậy là tâm lí đối phó xuất hiện.

Đọc bình luận của các độc giải Dân trí trong các bài viết về dự giờ, thao giảng, tôi thấy rất nhiều bạn mạnh dạn đề xuất ý kiến bỏ công tác thanh tra, thao giảng. Là một giáo viên, tôi xin khẳng định với các bạn: Tình trạng giáo viên đối phó trong các tiết dạy đó chỉ là thiểu số, là những con sâu vô tình làm xấu đi hình ảnh giáo dục của nước nhà. Bởi quanh ta vẫn con rất nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, dạy bằng chính thực lực của mình, khẳng định năng lực bằng chính tài năng sư phạm của mình.

Đã nhiều lần tôi lắng nghe con trẻ bày tỏ niềm hứng thú khi tham dự các tiết thanh tra, thao giảng. Và nhiều khi tôi bật cười khi nghe các con ao ước: “Cháu mong ngày nào cũng được học các tiết dự giờ!”.

Mong các bạn hãy khoan phản bác điều này. Bởi tôi đã loại trừ hoàn toàn các tiết dạy có “gạ bài”, “diễn kịch”, “tập dượt”,  “giảm sĩ số lớp” hay “mượn học sinh giỏi lớp bạn”… Tôi đang đề cập đến các tiết học hoàn toàn tự nhiên, không theo một “kịch bản” đã được nhào nặn nào cả. Học sinh được giáo viên giao nhiệm vụ về nhà tìm hiểu kĩ bài học, tất nhiên các em sẽ chuẩn bị bài tốt hơn. Về phần giáo viên, dù muốn dù không, phải đầu tư thật kĩ cho bài dạy của mình, từ khâu nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch dạy học, thiết kế giáo án điện tử, sử dụng thiết bị dạy học sẵn có và mày mò làm các đồ dùng dạy học cần thiết… Và quan trọng nhất là phải thiết kế các hoạt động dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Lâu nay cô trò vẫn dạy học theo một nhịp điệu quen thuộc. Giữa những “nốt trầm” đó, một “nốt bổng” của các tiết thanh tra, thao giảng tất nhiên sẽ đem lại nhiều điều thú vị. Trò tham gia hoạt động nhiều hơn, thể hiện mình nhiều hơn và tiếp cận với những trang giáo án sinh động: các thí nghiệm hóa học trực quan, các mô hình sinh vật sống, những trận đánh lịch sử được tái hiện chi tiết, những video minh họa (âm nhạc, ngâm thơ, chèo, kịch,…).

Và sau các tiết thao giảng, thanh tra đó, đọng lại trong lòng giáo viên là niềm hạnh phúc vì sự cố gắng của chính mình đã có kết quả tốt. Sự góp ý chân tình từ đồng nghiệp về kiến thức, phương pháp, cách tổ chức, phong cách sư phạm sẽ là bài học quí cho hành trang nghề giáo của mình.

Trang Hiếu

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm