Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Trường ĐH phải quán triệt vai trò giám sát thi THPTQG”

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rõ, nếu tất cả các địa phương đều tự trông thi nghiêm túc, không có tỉnh nọ nới lỏng tỉnh kia, không có câu chuyện như Đồi Ngô trước đây... thì đương nhiên các trường đại học không phải cử cán bộ xuống làm gì. Do vậy, đề nghị các thành phần tham gia tổ chức kì thi quán triệt nghiêm túc.

Kì thi THPT Quốc gia không phải… kì thi Đại học

Chiều nay 15/6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018. Tham dự chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua 5 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng cho hay, sau 3 năm, có thể nói công tác triển khai kì thi THPT Quốc gia diễn ra tốt. Dù vẫn còn điều này điều khác và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt nhưng về cơ bản, tới đây kì thi triển khai ổn định. Chỉ khi chương trình SGK mới và đổi mới tương đối căn bản giáo dục đại học theo hướng tự chủ có chăng mới có sự thay đổi lớn về tổ chức kỳ thi này.

Tới đây, kì thi được ổn định theo hướng ngày nhẹ nhàng với toàn xã hội, các phụ huynh, học sinh nhưng vẫn đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác. Có được điều này là nhờ sự chung tay của các học sinh, phụ huynh, lãnh đạo giáo dục và toàn thể các thành phần trong xã hội.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 chiều ngày 15/6. (Ảnh: Trần Ngọc)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 chiều ngày 15/6. (Ảnh: Trần Ngọc)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, chúng ta quán triệt tinh thần “đây là kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia chứ không phải kì thi đại học”. Vì thế, tất cả các phương thức tổ chức là tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT. Và khi nào kì thi này tổ chức khách quan, trung thực thì đương nhiên nó sẽ là cơ sở để các trường đại học tham khảo - lấy đó tham khảo phục vụ cho công tác tuyển sinh, trên tinh thần các trường được giao quyền tự chủ ngày càng cao. Đồng thời, hướng tới các trường đại học tiếp tục đổi mới để sau này chúng ta có sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng “đầu ra” thay vì chỉ chăm chăm vào “đầu vào”.

Nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong việc tổ chức kì thi THPT Quốc gia đang tới gần, Phó Thủ tướng khẳng định rằng, trong thời điểm này và một vài năm tới, sự tham gia của các trường đại học vào việc tổ chức kì thi này, cùng với các sở giáo dục ở các địa phương là tất yếu.

“Và tôi cởi mở nói với các đồng chí và toàn nhân dân, đây không chỉ là trách nhiệm của các trường đại học (vì liên quan đến đầu vào các trường) mà đây là trách nhiệm với xã hội. Bởi lẽ, các trường đại học là nơi tập trung những tinh hoa của đất nước, chúng ta phải có trách nhiệm không chỉ với mình mà với toàn xã hội. Vì sao phải có trách nhiệm với xã hội? Bởi vì như các đồng chí nói, đã một thời gian dài chúng ta để cho việc thi cử diễn ra không công bằng với các địa phương và không nghiêm túc. Do vậy, các trường đại học tham gia vào kì thi THPT Quốc gia, không chỉ là vai trò tham gia mà là vai trò giám sát. Các đồng chí coi như cán bộ trung ương xuống địa phương, gọi là phối hợp nhưng vai trò giám sát phải được đề cao”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng nói rõ, nếu tất cả các địa phương đều tự trông thi nghiêm túc, không có tỉnh nọ nới lỏng tỉnh kia, không có câu chuyện như Đồi Ngô trước đây... thì đương nhiên các trường đại học không phải cử cán bộ xuống làm gì. Do vậy, đề nghị các thành phần tham gia tổ chức kì thi quán triệt nghiêm túc.


Phó Thủ tướng đặt niềm tin vào kì thi THPT Quốc gia 2018. (Ảnh: Trần Ngọc)

Phó Thủ tướng đặt niềm tin vào kì thi THPT Quốc gia 2018. (Ảnh: Trần Ngọc)

“Trúng tuyển ảo”: Trách nhiệm của các trường đại học

Thứ hai, Phó Thủ tướng lưu ý, các trường đại học đừng vì yêu cầu riêng của mình mà làm cho việc tổ chức kì thi phức tạp thêm. Đơn cử việc một số trường đại học phản ánh về thực trạng trúng tuyển ảo tại hội nghị.

“Câu chuyện ảo hay không ảo là việc của các trường. Sinh viên, phụ huynh bây giờ muốn mọi thứ công khai minh bạch, học sinh có quyền đăng ký vào rất nhiều trường và khi trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường, các em có quyền lựa chọn học trường nào. Ở nước ngoài cũng vậy, nhiều trường cùng lúc cấp gửi giấy trúng tuyển, cấp học bổng cho một học sinh nhưng các cháu cũng chỉ chọn một trường. Nhiều đồng chí gọi là "ảo" - tôi không đồng tình. Vì việc đó phải coi là chuyện bình thường, thuộc trách nhiệm giải quyết của trường, không nên đẩy cái đó ra xã hội”.

Niềm tin vào kì thi THPT Quốc gia 2018

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục căn cứ vào những chỉ đạo hết sức cụ thể của Chính phủ và của Thủ tướng những năm trước đây để triển khai kì thi THPT Quốc gia 2018.

“Năm nay, Thủ tướng không phải ra một văn bản riêng nào về kì thi, bởi vì thấy rằng mọi việc đã ổn định và có lòng tin ở Bộ Giáo dục. Các đồng chí tiếp tục sát sao các địa phương tiếp tục phát huy như những năm trước. Đây không chỉ là việc của ngành giáo dục, của các lực lượng liên quan phối hợp tham gia bảo vệ trật tự giao thông hay giúp đỡ phụ huynh học sinh trong những ngày thi… Chúng ta khuyến khích các tấm gương tình nguyện, không chỉ là thanh niên tình nguyện mà là tất cả các đối tượng trong xã hội, để giúp các cháu học sinh có kì thi thật tốt. Và tôi nhắc lại, không chỉ giúp kì thi THPT Quốc gia - những hành động rất tốt đẹp sẽ giúp nhân lên giá trị đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống và đó cũng là mục tiêu lớn của đổi mới giáo dục. Chúc các đồng chí sức khỏe và chúc kì thi diễn ra thành công tốt đẹp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng.

Lệ Thu (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm