Nữ sinh lớp 4 “khuyên” các bạn hãy lên tiếng nếu bị xâm hại

(Dân trí) - Tự lên kế hoạch, tổ chức nói chuyện về nạn xâm hại tình dục trẻ em với 20 bạn trong lớp, sắp tới em Trần Lê Thảo Nhi (học lớp 4, Trường tiểu học Chu Văn An, Bình Thạnh, TPHCM) sẽ diễn thuyết về chủ đề này trước toàn trường.

Cô học trò lớp 4 nói chuyện về vấn đề xâm hại như chuyên gia

Thầy cô và cả ban giám hiệu Trường tiểu học Chu Văn An không khỏi bất ngờ khi biết Thảo Nhi đã đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện về chủ đề xâm hại tình dục với các bạn nữ trong lớp. Trước khi tổ chức, Nhi mời các bạn tham gia kèm “yêu cầu” các bạn phải có giấy bút ghi lại những ý chính, đặt câu hỏi... Buổi nói chuyện của các em diễn ra ở phòng ăn vào giờ ra chơi, thu hút sự tham gia của một số bạn ở lớp khác.

Bé Trần Lê Thảo Nhi - người đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện phòng chống xâm hại tình dục với bạn bè
Bé Trần Lê Thảo Nhi - người đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện phòng chống xâm hại tình dục với bạn bè

Nhi tập trung “diễn thuyết” về các nội dung như cách đề phòng, nhận diện kẻ xâm hại, xử lý tình huống, nếu sự việc đã xảy ra thì cần làm gì về mặt pháp lý và cả tâm lý. Đặc biệt em nhắn nhủ các bạn: “Nếu bị xâm hại, hãy nói ngay với bố mẹ. Đây không phải là lỗi của mình, chúng ta không cần phải xấu hổ, không cần sợ hãi. Nếu im lặng, chúng ta đã tự tạo oan ức cho mình; bao che cho kẻ xấu, chúng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với các bạn nhỏ khác”, lời cô bé 9 tuổi.

Liên quan đến giới tính, nhiều vấn đề người lớn vẫn né tránh thì Nhi không ngại chỉ về các bộ phận riêng tư, bộ phận sinh dục trên cơ thể... để giúp các bạn hiểu đó là vùng “bất khả xâm phạm”. “Giáo án” được Nhi chuẩn bị kỹ lưỡng từ kiến thức có sẵn và các tư liệu Nhi thu nhập được.

Chia sẻ về việc nói về chuyện được xem là “người lớn” với bạn bè, Nhi chia sẻ em rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như môi trường, bảo vệ trẻ em, tâm lý. Gần đây, Nhi biết đến các vụ xâm hại trẻ em gây nhức nhối như vụ ở Vũng Tàu, bé gái ở Cà Mau nghi tự tử vì bị xâm hại... Bố làm luật sư, Nhi có điều kiện đọc hồ sơ, kiến thức về nhiều vụ xâm hại hết sức đau lòng khác.

Biết kiến thức mà giữ một mình thì... uổng, trong khi bạn bè đang cực kỳ “mù mờ”, các em cũng chưa từng được nhà trường tổ chức nói chuyện về chống xâm hại nên Nhi thấy mình cần “lên tiếng”. Hỏi Nhi, tổ chức nói chuyện một vấn đề nhạy cảm như vậy, em có sợ bị giáo viên nhắc nhở. Cô bé cười: “Nếu bị nhắc em cũng sẽ đấu tranh, bảo vệ cho việc cho việc làm và chính kiến của mình khi em tin là đúng. Nhưng khi biết buổi sinh hoạt này, thầy cô trong trường đều rất ủng hộ”.

Sẽ diễn thuyết trước toàn trường

Được biết, từ mô hình buổi sinh hoạt do Nhi tổ chức, Trường tiểu học Chu Văn An sẽ nhân rộng ra toàn trường. Ban giám hiệu trường đã có kế hoạch sau khi kỳ thi cuối năm sẽ tổ chức một buổi chuyên đề về phòng chống xâm hại tình dục mà Thảo Nhi sẽ là diễn giả. Từ mô hình trong trường, trường sẽ liên hệ với Phòng Giáo dục quận để Nhi có thể “tiếp lửa” cho các trường lân cận.

Không chỉ am hiểu về các vấn đề xã hội, về luật, Nhi còn có khả năng nói chuyện trôi chảy, lập luận tốt. Về buổi nói chuyện trước toàn trường sắp tới, Nhi chia sẻ do quy mô lớn hơn nên em phải nghĩ cách để không biến thành “bác sĩ gây mê không hồi sức” đối với người nghe. Nhi sẽ điều chỉnh cách nói chuyện, đưa vào những vụ việc cụ thể, tăng tính tương tác nhiều hơn với các bạn thông qua các cụm chủ đề, câu hỏi.


Sắp tới, Thảo Nhi (áo kẻ) sẽ diễn thuyết về phòng chống xâm hại tình dục trước hàng ngàn học sinh

Sắp tới, Thảo Nhi (áo kẻ) sẽ diễn thuyết về phòng chống xâm hại tình dục trước hàng ngàn học sinh

Nhi phân tích, thiếu hụt nhất của các bạn nhỏ trong vấn đề này là thiếu kỹ năng. Nhiều tình huống biết là bị xâm hại nhưng các bạn không biết từ chối, không biết làm cách nào để thoát khỏi “yêu râu xanh”. Mà theo Nhi, trẻ có nhiều kỹ năng thì không chỉ cứu mình, cứu bố mẹ mình và còn cứu cả kẻ xấu.

Nhi bộc bạch: “Khi gặp một đứa bé có kỹ năng ứng phó, kẻ xấu sẽ phải giật mình nghĩ nếu làm gì đứa bé này chắc sẽ đi tù như chơi nên họ sẽ không dám thực hiện hành vi xấu. Em muốn được nói chuyện về chống xâm hại với bạn bè cả nước để không một bạn nhỏ nào trở thành nạn nhân của tội ác này”.

Chị Tường Vy, mẹ của bé Nhi cho biết chị cũng bất ngờ khi bé tổ chức các buổi nói chuyện về xâm hại tình dục với bạn bè. Nhi thích đọc sách về xã hội, quan tâm đến các vấn đề xã hội chính trị, thích tìm hiểu về tâm lý, luật... Có thể bố mẹ cùng công tác trong ngành luật nên Nhi ảnh hưởng cách suy nghĩ, tư duy lập luận vấn đề từ bố mẹ.

Đối với việc dạy con, chị Vy quan tâm đến việc trao cho con sự chủ động. Khi đi siêu thị, máy bay, đi du lịch... chị đều “để phần” con tự giao tiếp với mọi người, xử lý các tình huống, luyện cách ăn nói...

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục