Trường học phải dạy cho trẻ những kỹ năng phòng vệ xâm hại tình dục
(Dân trí) - Phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em, trước hết là cần có các giải pháp phòng ngừa; trong đó, phải đẩy mạnh giáo dục, trang bị kỹ năng phòng vệ trong từng trường hợp cụ thể cho trẻ từ trường học, trong gia đình và cộng đồng.
Trên đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề về xã hội - phát biểu đại diện đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em” diễn ra tại ĐH Đông Á (Đà Nẵng) sáng 13/4. Tham dự hội nghị có đại diện các Câu lạc bộ nữ trí thức, nữ nhà báo, nữ doanh nhân và các sinh viên chuyên ngành luật.
Cử tri kiến nghị tăng nặng án phạt tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Tại Hội nghị, những câu chuyện bức xúc được chia sẻ cùng với những số liệu rất đáng báo động. Theo bà Lê Thị Tám ở Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng cho biết, cứ bình quân mỗi 8 giờ thì có 1 trẻ em bị xâm hại tình dục, 70% đối tượng phạm tội là người thân quen với gia đình nạn nhân. Một phần vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngay trong gia đình, theo ý kiến cử tri đưa ra tại hội nghị là trạng ly hôn, tái hôn dẫn tới đời sống gia đình phức tạp. Vì nhiều lý do mà việc tố giác, xử lý tội phạm chưa được mạnh mẽ, như chính gia đình nạn nhân không lên tiếng khiến cho việc thực thi pháp luật bị vô hiệu hóa. Hoặc có trường hợp như một vụ việc đã xảy ra ở Đà Nẵng là gia đình báo cáo lên phường, phường không dám đưa sự việc ra ánh sáng vì sợ...mất điểm thi đua.
Bà Hà Thị Minh Phượng - Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Đà Nẵng kể câu chuyện một người mẹ trẻ phát hiện con mình bị người ta giở trò dâm ô đã dắt con trẻ đi khắp nơi để kẻ phạm tội phải bị xử lý, đòi lại công bằng cho con. Nhưng chị chỉ nhận được thái độ làm ngơ ở những nơi chị gõ cửa. Một câu chuyện bức xúc khác là trường hợp một trẻ bị cha dượng cưỡng bức, xâm hại với sự tiếp tay bởi chính mẹ ruột của trẻ.
Nhiều ý kiến cử tri kiến nghị cần tăng nặng án phạt đối với tội phạm, không chỉ để tội phạm bị xử lý đích đáng với những hậu quả nặng nề cho cả một cuộc đời về sau của trẻ là nạn nhân và gia đình; mà còn răn đe ngăn chặn những kẻ có ý định phạm tội.
Cụ thể như ở điều 142 của Bộ luật hình sự quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, quy định mức án tù 20 năm, tù chung thân, hoặc tử hình đối với các tội phạm có tổ chức, phạm tội với trẻ dưới 10 tuổi, làm tổn thương cơ thể nạn nhân từ 61% trở lên, biết mình bị nhiễm HIV vẫn phạm tội, làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Mức án phạt được kiến nghị được tăng lên là mức tử hình đối với các loại tội phạm này.
Đối với nạn nhân, đáng chú ý, các cử tri kiến nghị trong quá trình điều tra vụ việc cần có phương pháp nhẹ nhàng hơn để tránh làm sâu thêm tổn thương tinh thần ở nạn nhân là những trẻ em còn quá bé. “Một đứa trẻ bị xâm hại đã đau đớn lắm rồi. Vậy mà còn bị kêu lên phường, lên cơ quan chức năng hết lần này tới lần khác, bảo trẻ phải kể lại vụ việc như vậy là có quá nhẫn tâm với các cháu hay không?” - bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á bức xúc.
Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng phòng vệ cho trẻ
Cùng với việc thực thi pháp luật chống xâm hại tình dục trẻ em, trước nhất và rất quan trọng là phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa ngăn chặn hành vi phạm tội. Các cử tri đưa ra ví dụ trong trường học ở nước ngoài, người ta đưa cả video clip minh họa cụ thể để hướng dẫn trẻ phòng vệ trong từng trường hợp cụ thể bị động chạm, sàm sỡ hay có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Cùng với đó là gia đình cũng quan tâm con em, dặn dò trẻ không được cho bất cứ ai, nhấn mạnh là bất kể người lạ hay quen, động chạm vào những chỗ nhạy cảm trên cơ thể, và báo cáo sự việc với người lớn ngay.
Ghi nhận các ý kiến của cử tri, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề về xã hội - phát biểu đại diện đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng - phát biểu đồng tình việc phòng chống thực trạng xâm hại tình dục ở trẻ em, trước hết là các giải pháp phòng ngừa; trong đó, phải đẩy mạnh giáo dục, trang bị kỹ năng phòng vệ trong từng trường hợp cụ thể cho trẻ từ trường học, trong gia đình và cộng đồng. Đặc biệt ở các trường học, môn Giáo dục công dân phải là môn học chính, bắt buộc chứ không phải là môn học phụ.
Bà Thúy cũng lưu tâm các gia đình lưu tâm do điều kiện vật chất, chế độ ăn uống tốt hơn nên trẻ em ngày nay dậy thì sớm hơn. Do đó, gia đình cần chú ý cả việc ăn mặc cho trẻ để ngăn ngừa ý định phạm tội. Ngoài ra, cũng cần quan tâm con em đang xem, đọc những loại phim, ảnh gì, có đảm bảo phù hợp lứa tuổi hay không.
Ngoài ra, bà Thúy cũng chia sẻ với các ý kiến băn khoăn của các sinh viên ngành luật là vì sao trên các phương tiện truyền thông, báo đài, thường làm mờ nhân diện mà không công khai bêu danh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo bà Thúy, việc này nhằm bảo vệ nhân thân tội phạm giảm bớt ảnh hưởng lây. “Các tội phạm có thể còn có gia đình.Ví dụ, anh ta có con trẻ. Con anh ta đến trường học, bị bạn bè trêu chọc vì hành vi phạm tội của bố là không nên đối với đứa trẻ là con của anh ta” - bà Thúy nói.
Tâm An