DMagazine

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng

(Dân trí) - Tấm bằng đại học danh giá đánh đổi bằng không ít công sức, tiền bạc của sinh viên trên thế giới. Nhiều người vay số tiền lớn đi học rồi làm việc suốt phần đời còn lại để trả nợ.

Tại Mỹ, nợ sinh viên đã tăng lên đáng kể trong vài thập kỷ qua. Quốc gia này có 43,2 triệu sinh viên vay nợ, trung bình mỗi người 39.351 USD. Theo thống kê của Education Data Initiative - một nhóm nghiên cứu chuyên công bố các dữ liệu về giáo dục, trong quý bốn năm 2021, tổng nợ sinh viên ở Mỹ hiện là 1,75 nghìn tỷ USD - con số này tăng nhanh hơn 6 lần so với nền kinh tế của quốc gia.

Sự gia tăng kéo dài hàng thập kỷ của nợ sinh viên thậm chí còn đáng chú ý hơn khi so sánh với nhiều thập kỷ trước. Trong năm 2011, người Mỹ nợ sinh viên khoảng 905 tỷ đô la, nghĩa là nợ sinh viên Mỹ đã tăng hơn 91% trong thập kỷ qua.

Tuy chưa gây ra những hệ lụy lớn song cuộc khủng hoảng nợ sinh viên Mỹ đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội nước này, như khiến người trẻ Mỹ không thể tiết kiệm tiền và buộc phải trì hoãn những việc lớn trong cuộc đời như kết hôn, mua nhà, sinh con…

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng - 1

Mùa thu năm 2019, Haley Walters nhập học Đại học California Berkeley, ngôi trường danh tiếng với mức học phí đắt đỏ. Mục tiêu của Haley là tấm bằng cử nhân Luật. Cô gái cần 5 năm để hoàn thành chương trình học. Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, Haley sẽ gánh khoản nợ 100.000 USD tiền học phí vào thời điểm cô ra trường và gia nhập lực lượng lao động.

Như hàng triệu sinh viên khác ở Mỹ, Haley đang phải trả giá đắt cho nền giáo dục có nguy cơ tạo ra gánh nặng tài chính suốt phần đời còn lại.

"Nợ sinh viên thực sự là "bản án" chung thân", Haley than thở.

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng - 2
Sinh viên Mỹ vay nợ ngày càng nhiều để trang trải học phí đại học (Ảnh: University Times).

Cô gái Haley Walters trước khi theo đuổi ngành Luật từng có quãng thời gian 2 năm theo học ngành Khoa học Chính trị tại Cao đẳng Pasadena (Los Angeles, Mỹ). Tại trường cũ, cô đã phải rất cố gắng để hoàn thành tất cả các môn học mà không tích lũy thêm nợ. Mặc dù được trao học bổng, Haley buộc phải vay thêm tiền để chi trả gần 20.000 USD các loại phí khác.

"Về cơ bản, đó chính là vay rồi lại đi vay, mỗi khoản lại có mức lãi riêng và phương thức thanh toán khác nhau", Haley buồn bã nói.

Quãng thời gian tuổi thơ, cô không biết bao lần nghe người mẹ nay đã 58 tuổi than vãn về khoản nợ từ thời sinh viên.

"Quá khứ nợ nần làm tê liệt tài chính gia đình như thế nào đã ăn sâu vào trí nhớ tôi. Chúng tôi không dám đi nghỉ mát, không có đồ dùng cho năm học mới hay các món quà sinh nhật cũng vô cùng ít ỏi", Haley nhớ lại.

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng - 3

Tại Anh, Công ty Các khoản vay sinh viên (The Student Loan Company) đã công bố 189.700 bảng (hơn 5,7 tỷ đồng) là khoản vay học tập lớn nhất mà chỉ do một sinh viên tại quốc gia này đang vay.

Công ty nói trên miêu tả khoản vay cực lớn này là "một trường hợp ngoại lệ", do sinh viên tham gia nhiều khóa học hoặc có thể vì sinh viên này ngừng học một thời gian, xong đi học lại và học các môn khác.

Nhiều cư dân mạng băn khoăn rằng làm thế nào để sinh viên này có thể trả hết khoản vay lớn đó. Bởi nếu ra trường rồi chỉ đi làm công việc bình thường mà không có đột phá nào thì rất khó để có số tiền lớn như vậy mà trả nợ, cho dù có sống tiết kiệm đi chăng nữa.

Các nhà nghiên cứu giáo dục cũng cảnh báo về gánh nặng tâm lý do các khoản vay học tập đối với sinh viên mới ra trường. Đồng thời, họ cho rằng sinh viên nên cân nhắc kỹ về lựa chọn ngành học, các khóa học, cũng như học cách chi tiêu tiết kiệm để cố gắng hạn chế các khoản vay.

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng - 4
Các khoản vay học tập gây ra gánh nặng tâm lý cho sinh viên mới ra trường (Ảnh: Unsplash).

Craig Rossiter, cựu sinh viên Anh, tự hỏi liệu với 61.000 bảng, khoản nợ của anh ta có thể lớn nhất ở Anh hay không. Rossiter đã bỏ năm bằng đại học do phải vật lộn với chứng trầm cảm và lạm dụng chất cấm.

Rossiter coi "khoản nợ của mình như một khoản thuế tốt nghiệp tồn tại mãi mãi", và đặc biệt lo lắng về việc những thay đổi đối với thời hạn trả nợ có thể gây ra "một khoản chi phí bổ sung khổng lồ" mà anh sẽ phải vật lộn để đáp ứng.

Cựu sinh viên Simon Tyrie nói rằng trong ba năm sau khi tốt nghiệp, khoản vay của anh ấy đã tăng từ 49.510 bảng lên 60.081 bảng và anh ấy đã tính toán rằng vào năm 2050, anh sẽ có khoản nợ trị giá 152.000 bảng. Ông cho biết số tiền ấy đã ngăn cản ông theo đuổi bằng sau đại học.

Tyrie nói thêm rằng khoản nợ và lãi phát sinh đã ảnh hưởng nặng nề đến các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi họ phải vay tiền với lãi suất cao nhất và không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía gia đình. "Nó trở thành một loại thuế lũy thoái đối với những người thuộc các gia đình có thu nhập thấp", anh nói.

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng - 5

Mặc dù nhiều chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính được đưa ra, nhưng mức học phí giáo dục đại học cao đến mức phần lớn sinh viên tại các nước phát triển không thể trả nợ đúng hạn.

Hồi tháng 8 năm 2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ tự động xóa khoản nợ sinh viên cho hơn 300.000 người Mỹ bị khuyết tật nặng do họ không thể kiếm được thu nhập đáng kể.

Kể từ tháng 9 năm 2021, Bộ Giáo dục Mỹ sẽ bắt đầu xóa nợ sinh viên cho 323.000 người Mỹ được xác định trong hồ sơ An sinh Xã hội là bị thương tật vĩnh viễn.

Sau động thái nói trên, một đại học ở tiểu bang South Carolina (Mỹ) thông báo xóa các khoản nợ 9,8 triệu USD của hơn 2.500 sinh viên. Đại học Wilberforce (tiểu bang Ohio) cũng thông báo sẽ xóa khoản nợ hơn 375.000 USD gồm tiền phạt, lệ phí và các khoản trả trực tiếp của sinh viên.

Theo thông cáo báo chí của Đại học Nam Carolina, việc xóa các khoản nợ sẽ hỗ trợ các sinh viên không thể quay lại trường do khó khăn tài chính, chủ yếu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Quyền Chủ tịch trường Đại học Nam Carolina, ông Alexander Conyers, khẳng định: "Phía trường cam kết sẽ cung cấp cho những sinh viên này lộ trình rõ ràng trong tương lai để họ có thể tiếp tục học và tốt nghiệp mà không phải lo gánh nợ tài chính".

"Sẽ không có sinh viên nào phải ở nhà chỉ vì không đủ khả năng chi trả học phí trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu", ông Conyers nói thêm.

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng - 6
Nhiều sinh viên Đại học Nam Carolina phải nghỉ học vì không đủ khả năng chi trả học phí (Ảnh: The Times).

Những tháng cuối năm 2021, chính phủ Mỹ thúc đẩy chương trình xóa nợ cho sinh viên. Bộ Giáo dục Mỹ ước tính rằng việc miễn trừ tạm thời này sẽ giúp ích cho hơn 550.000 người vay và sẽ cho phép khoảng 22.000 người vay đủ điều kiện để được tự động xóa nợ.

Theo Bộ Giáo dục Mỹ, động thái trên nhằm "khôi phục lại cam kết" với chương trình Xóa nợ cho các khoản vay dịch vụ công (PSLF: Public Service Loan Forgiveness), cho phép hủy bỏ các khoản vay sinh viên đối với những cá nhân đã làm việc trong dịch vụ công 10 năm và thanh toán các khoản vay liên bang trị giá 10 năm.

Ngoài việc miễn trừ trên, Bộ Giáo dục Mỹ cho biết sẽ xem xét tất cả các đơn đăng ký PSLF bị từ chối và các quy trình xử lý PSL để giải quyết các lỗi và tìm cách đơn giản hóa quy trình PSLF.

Nỗi ám ảnh nợ sinh viên: Một người học ở Anh nợ tới 5,7 tỷ đồng - 7
Người Mỹ có thể phải dành đến 20-25 năm để trả hết số nợ từ thời sinh viên (Ảnh: Business Insider).

Việc miễn trừ sẽ kéo dài đến ngày 31/10/2022. Bộ Giáo dục khuyến nghị những người đi vay kiểm tra xem họ có loại khoản vay nào bằng cách truy cập StudentAid.gov và điều hướng đến trang "My Aid", khi mà nhiều người đi vay thực sự không biết họ có những loại khoản vay nào.

Theo truyền thông Mỹ, chương trình PSLF từ lâu đã bị chỉ trích là quá phức tạp với nhiều sơ suất và sai sót, thường dẫn đến việc nhân viên dịch vụ công bị từ chối cho vay. Hơn 90% người nộp đơn vào PSLF bị từ chối, khiến nhiều người đi vay mắc nợ mà họ tin rằng sẽ được xóa nợ sau một thời điểm nhất định.