Những tiết dạy "hoàn hảo"!

(Dân trí) - Hiện nay, theo quy định của ngành giáo dục, trong các trường, tổ chuyên môn hay Hội đồng bộ môn cấp tỉnh, huyện, thường thực hiện các tiết thao giảng, thao giảng chuyên đề. Chính vì vậy, khi các đơn vị được giao cho chuẩn bị một tiết thao giảng hay thao giảng chuyên đề thì thường được chuẩn bị và tập duyệt một cách chi tiết, hoàn hảo.

Các thành viên trong tổ chuyên môn, hiệu phó chuyên môn lên kế hoạch xây dựng tiết dạy và dạy thử để hạn chế tối đa những sai sót bởi sợ bị Hội đồng bộ môn (HĐBM) và giáo viên các trường khác góp ý, chê bai. Chính vì vậy mà khi những giáo viên được phân công đến dự giờ ở các đơn vị tổ chức thao giảng vừa thán phục tiết dạy hay nhưng lòng không khỏi “nghi ngờ và băn khoăn”.

Năm ngoái, khi con trai tôi đang học mẫu giáo ở một phường trung tâm thành phố và là một trường chuẩn quốc gia, thỉnh thoảng về lại nghe cháu nói: Hôm nay, lớp con có nhiều bạn được xuống nhà ăn chơi. Tôi hỏi vì sao lại được xuống nhà ăn chơi thì được cháu trả lời: Vì hôm nay cô thao giảng chuyên đề, mà những bạn hay nói chuyện thì cô cho đi chơi.

Năm nay, khi cháu vào lớp 1, tuần vừa rồi về nghe cháu nói chiều nay học chuyên đề có thầy cô trong ban giám hiệu và các tổ trưởng các khối đến dự nên thấy cháu đem sách ra đọc. Tôi ngồi dò bài cùng cháu thì thấy cháu chỉ đọc có một phần trong sách giáo khoa nhiều lần. Tôi nhắc cháu sao không đọc cả bài mà chỉ đọc phần đó mãi thì cháu lại nói: Cô giao cho con chiều nay đọc phần này, còn các phần khác thì cô đã giao cho các bạn rồi.

Bản thân tôi cũng là giáo viên nên mỗi lần được phân công đi dự thao giảng HĐBM cấp huyện, điều tôi thường quan tâm và để ý nhiều nhất là sĩ số của học sinh của lớp học và sự chuẩn bị của các em. Điều dễ nhận thấy là sĩ số các lớp thao giảng chỉ khoảng 20-25 em mà thường biên chế mỗi lớp dao động từ 35-45 em.

Vậy số học sinh còn lại đã đi đâu? Mặc dù học hỏi được rất nhiều điều từ những tiết thao giảng của đơn vị bạn nhưng trong lòng không khỏi băn khoăn, suy nghĩ: Giá như những em học sinh có học lực trung bình hay yếu kém được ngồi học những tiết như thế này thì có lẽ sẽ hay hơn. Các em học hỏi nhiều hơn, thích thú nhiều hơn và HĐBM cũng dễ nhìn thấy được chất lượng thật của từng đơn vị. Giá như tiết thao giảng có vài em không trả bài được hay lúng túng trong trả bài, biết đâu tiết dự sẽ hay hơn, ít tính “kịch” hơn.

Khi góp ý đễ thấy được những hạn chế mà đóng góp để từ những hạn chế đó mà giáo viên dự giờ khi về giảng dạy tại đơn vị sẽ chủ động hơn và tìm ra phương pháp mới để hướng dẫn, giúp đỡ các em có học lực yếu dễ tiếp cận những kiến thức mà thầy cô giảng dạy.

Hiện nay, theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học và của HĐBM các cấp thì thường mỗi học kì HĐBM thao giảng 2 chuyên đề. Đối tượng dự giờ là các tổ trưởng chuyên môn các trường và toàn bộ giáo viên bộ môn khối thao giảng đến dự. Chính vì vậy mà những tiết dạy này được chuẩn bị rất công phu, được xây dựng và dạy trước để góp ý.

Trong nhà trường thì mỗi đơn vị cũng thao giảng từ 2-3 chuyên đề, rồi các tổ chuyên môn cũng tổ chức thao giảng, thao giảng chuyên đề. Sự chồng lấn qúa nhiều đã tạo nên một áp lực lớn cho giáo viên đứng lớp cũng như sự nhàm chán cho học sinh khi các em cứ phải trở thành những diễn viên bất đắc dĩ…đóng hết lần này rồi lần khác. Nhất là những lớp mà được xem có học lực tốt hơn, các em phát biểu bài nhiều hơn thì thường xuyên được thầy cô chọn thao giảng.

Thiết nghĩ, trong các tiết thao giảng hay thao giảng chuyên đề đừng hoàn hảo quá. Hoàn hảo đến mức mà cả lớp học, em nào cũng hăng say phát biểu bài và đều đúng. Trong khi có một bộ bộ phận học sinh trong lớp phải lang thang ở các phòng chờ, nhà ăn, căn tin trường học… thì rõ ràng nhưng tiết học như vậy đã phản giáo dục mất rồi.

Những tiết thao giảng nhất thiết phải chuẩn bị trước nhưng điều tối kị là đừng nên cho một bộ phận học sinh yếu nghỉ học, giáo viên có thể định hướng câu hỏi chứ đừng nên gà bài và đưa đáp án trước cho học sinh để những tiết thao giảng trở thành những tiết học thực sự chứ không phải là một tiết dạy “hoàn hảo”!

Với vai trò là những thầy cô đứng lớp, chúng ta đang dạy cho các em học sinh lòng trung thực, đang dạy cho các em biết sẻ chia, biết giúp đỡ bạn bè thì lẽ nào trong các tiết thao giảng chúng ta không trung thực, chúng ta không cho các em học yếu hoặc chưa ngoan vào học tiết đó. Làm vậy, học sinh sẽ nghĩ về thầy cô như thế nào?

Nguyễn Cao

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm