Nghề làm thầy giáo có khó lắm không?

(Dân trí) - Một ngày 20/11 nữa sắp đến. Với những người làm thầy, ngày này chắc chắn vẫn còn nhiều ý nghĩa thiêng liêng, dù nó cũng thăng trầm theo sự thăng trầm của xã hội. Nghề làm thầy có khó lắm không, và người làm thầy có được những hạnh phúc gì? Phải tới gần 40 năm trải nghiệm, tôi mới tìm được đôi lời giải đáp…


Nghề giáo có “nhàn nhã”, “ăn trắng, mặc trơn”?


Nghề giáo có “nhàn nhã”, “ăn trắng, mặc trơn”?

Trong xã hội, cũng có những nghề, chỉ ngay sau khi chia tay, người ta đã không còn muốn nghĩ về nó nữa, nhưng nghề giáo thì không như thế. Tôi được biết trong lĩnh vực đặc biệt này, có những người thầy, dù đã chính thức nghỉ hưu hàng chục năm nay, vậy mà thiên chức nhà giáo trong họ dường như vẫn vẹn nguyên. Họ là những bông hoa đẹp rất đáng được trân trọng trong xã hội.

Không phải ngẫu nhiên, trong xã hội, chỉ có hai loại nghề được người ta gọi là thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Vinh quang là thế, nhưng từng có thời gian dài, nghề làm thầy vẫn bị xã hội “quay lưng”: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Rồi lại có thời kì, học sinh đổ xô vào trường Sư phạm, không hẳn vì say mê, tâm huyết với nghề, mà vì vào đó sẽ không phải đóng học phí, mà ra trường cũng dễ kiếm việc làm. Nói chung đây là một cái nghề thiếu ổn định. Hoặc cũng có thể là khó, không phải ai cũng có thể làm được.

Vậy làm nghề thầy giáo có khó thật không? Bản thân tôi, phải đến tận khi chính thức hoàn tất gần 40 năm sự nghiệp của mình, mới tìm được câu trả lời tạm coi là có thể chấp nhận được: làm nghề thầy giáo với người này có thể là dễ, nhưng với một số người khác thì đúng là khó. Nói dễ bởi nhìn bề ngoài, so với nhiều nghề nghiệp khác, nghề nhà giáo không cần đến "cơ bắp”, công việc có vẻ “nhàn nhã”, “ăn trắng, mặc trơn”: không phải lao động chân tay, không phải đến công sở hàng ngày, được nhiều người trong xã hội trọng vọng” (không “trọng vọng” sao được gọi là thầy giáo?

Nhưng làm nghề giáo cũng thật khó. Bởi lẽ, một khi đã chấp nhận công việc này, cũng có nghĩa phải chấp nhận sự hi sinh: người ta không thể giàu có khi làm nghề thầy giáo (trừ một số người giỏi giang, xuất chúng). Trong dân gian từ lâu đã tồn tại câu cửa miệng “phi thương bất phú”.

Từng gắn bó với nghề giáo gần như cả đời, tôi dám khẳng định, trong xã hội ta, ít có ai làm nghề này mà lại giàu có bao giờ (hoặc những người thầy giáo mà giàu có hẳn họ phải làm thêm, hoặc làm một việc “mờ ám” gì đó).

Gần đây, trên báo mạng tôi có đọc được thông tin, một nghiên cứu ở Đại học Mĩ cho rằng thầy giáo đại học Việt Nam có thể kiểm hàng tỉ mỗi năm. Bản thân tôi cũng biết, có vài ba ông thầy (nhờ đi dạy thêm, hoặc có “mánh mung” gì đó), mà hàng năm kiếm được tiền tỉ, có ô tô, nhà lầu. Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Còn nói chung đa số các thầy cô giáo trong xã hội ta còn rất nghèo, trong khi áp lực xã hội mà họ phải chịu đựng là vô cùng lớn. Điều này có lí do của nó, nghề thầy giáo (và cả thầy thuốc nữa), luôn chịu sự phê phán, “săm soi” của hàng triệu con người, của xã hội. Đơn giản thôi vì trong cuộc sống thường nhật gia đình nào mà chả có người đi học (và chữa bệnh).

Đôi khi phải biết tỏ ra “đạo đức giả”

Quả nhiên làm nghề thầy giáo thật là khó, vậy nên bất kì ai, khi đã dấn thân vào lĩnh vực, cũng có nghĩa là phải biết chấp nhận hi sinh, phải biết làm gương cho học trò, phải có lòng thương yêu, và đôi khi cũng phải biết tỏ ra “đạo đức giả” nữa, tức là phải “tự dối lòng” mình trước một điều gì ham muốn ghê gớm lắm, mà vẫn cứ buộc phải “dằn lòng mình” xuống.

Đứng trước những ham muốn vật chất, những dục vọng tầm thường, nghề thầy giáo chính là “vật cản” để người thầy giáo không bị cuốn theo. Người thầy giáo, cũng giống như thầy thuốc, khi đã bước chân vào nghề, là đã mang mang theo trong suốt cuộc đời mình “lời thề Hypocrat”: không chỉ là tấm gương về đạo đức, họ còn phải là một tấm gương về chuyên môn.

Tôi không quan niệm chuyên môn ở đây có nghĩa là phải trang bị cho mình thật nhiều bằng cấp (mặc dù đây cũng là một phần trách nhiệm của họ), mà là phải thực sự đào sâu vào lĩnh vực chuyên sâu của mình, phải say mê và tâm huyết, phải có đủ lòng nhiệt tình để khơi gợi niềm đam mê ở học trò, phải sáng tạo - “sáng tạo”, nói như Giáo sư Đỗ Đức Hiểu, người thầy vô cùng kính trọng của tôi và nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn, để không “biến học sinh thành bản sao của mình”. Một thế giới hội nhập không cần đến những “bản sao” như thế.

Quả thật, có một thời gian dài, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu sống ngay giữa trung tâm Hà Nội (26 phố Hàng Bài), mà hệt như một người lạc đến từ một hành tinh khác. Thầy từ bỏ mọi ham muốn (vật chất) của mình để đam mê hết lòng với những trang sách, với việc đào tạo sinh viên, “ngô nghê” trước thế giới kim tiền, thậm chí có lúc trong túi riêng không có nổi 50 ngàn đồng cho một bữa ăn hàng ngày vốn đã rất đạm bạc.

Trong cuộc đời làm thầy (và cả làm trò) của mình, tôi từng được chứng kiến nhiều tấm gương thầy cô giáo ngay gần bên tôi tại khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp trước đây: Giáo sư Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Văn Khỏa…, với những việc làm dù rất bình thường và dung dị của họ, mà cứ khiến tôi phải suy nghĩ mãi. Chính những việc làm và suy nghĩ dung đị đó, có những điều tôi bắt chước được, và có những điều không, nhưng tất cả đều đọng lại trong tôi lòng biết ơn sâu sắc, vì nhờ đó mà nhân cách nghề nghiệp của của tôi được hoàn thiện dần.

Những bông hoa tươi thắm kính tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Những bông hoa tươi thắm kính tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trước sinh viên, mỗi người thầy đã được coi như một “vị thánh sống”

Làm nghề thầy giáo thật không dễ, dù ngay cả khi mình đã được trang bị đầy đủ kiến thức để truyền thụ cho học trò. Từng có một thâm niên bề dày giảng dạy nhiều năm “biết mười dạy một”, nhưng trước mỗi giờ lên lớp, người thầy giáo vẫn không được phép chủ quan, vẫn phải chủ động, nắm chắc từng chi tiết kiến thức trước khi lên lớp.

Tôi nhớ cách đây rất lâu, cỡ những năm 77, 78, tình cờ một lần tôi được phân công đi dạy cho một lớp tại chức ở Hải Dương cùng Giáo sư Đỗ Đức Hiểu. Lúc đó, thầy Hiểu là phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, phụ trách chuyên môn, lại cùng tổ chuyên môn Văn học phương Tây với tôi.

Vào cái đêm hôm trước ngày có giờ dạy trên lớp, vì lo cho sức khỏe tốt nhất sáng hôm sau, tôi đã đi ngủ sớm. Nhưng tôi rất ngạc nhiên, khi đã chợp mắt được một giấc, bất chợt tỉnh dậy, tôi vẫn thấy phía giường người thầy của tôi, có vẻ như vẫn còn le lói ánh đèn: thầy chưa đi ngủ, thầy đang lật giở một cuốn sách, có vẻ như nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bên cạnh. Khi tôi cất lời hỏi: thầy ơi, sao giờ này thầy vẫn còn chưa đi nghỉ, ngày mai mình có giờ giảng sớm cơ mà? Ông thầy đã từng có ba mươi năm giảng dạy, buổi tối hôm đó khẽ khàng trả lời, khiến tôi về sau này cứ “ngượng” mãi: anh Hinh ơi, anh cứ ngủ đi, tôi thức thêm một chút ngó lại bài giảng ngày mai cho lớp.

Một người thầy đã từng có gần ba mươi năm đứng lớp (ở thời điểm đó), đã làu làu bài giảng của mình, vậy mà vào trước hôm lên lớp vẫn cẩn thận xem lại từng trang giáo án đã cho tôi một “bài học” thấm thía trong nghề dạy học: người thầy không bao giờ được cho phép mình có quyền ”sơ suất’ trước sinh viên, bởi trước sinh viên, mỗi người thầy đã được coi như một “vị thánh sống”, luôn luôn nói những điều đúng đắn và chính xác.

Những sai sót không đáng có của người thầy trong giảng dạy đôi khi sẽ để lại những “ám ảnh” rất lâu trước học trò. Sự tắc trách của người thầy giáo có thể không gây nguy hiểm “chết người” như thầy thuốc, nhưng nó cũng để lại những di hại không kém: vì những kiến thức được truyền thụ sai mà người học trò có thể sẽ mất đi niềm tin, hoặc có thể sẽ dẫn đến những “lầm lạc” trong công việc sau này, ảnh hưởng lớn đến xã hội. Quả là làm nghề thầy giáo không hề dễ.

Tôi nghĩ, ở khoa Văn và ở Trường ĐH Tổng hợp trước đây cũng như Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn hiện nay có nhiều tấm gương thầy cô giáo (mà tôi không thể kể hết tên ở đây), họ đã cống hiến suốt cả một đời, những năm về già cũng có người “khá giả” có người tạm coi là “tiềm tiệm”, ít ai giàu có, vậy nên chấp nhận làm nghề thầy giáo thật không dễ dàng gì. Nhưng nếu bảo rằng, giờ đây, nếu như có một phép thần kì diệu, cho phép được lựa chọn lại, tôi cũng sẽ chọn nghề thầy giáo.

Vinh danh chữ “Thầy”

Suy cho cùng, làm nghề thầy giáo, cũng là một hạnh phúc, hay nói cách khác, là một “tỉ phú”, tỉ phú về tinh thần. Tôi xin lấy thâm niên gần 40 năm dạy học của mình khẳng định như vậy. Các bạn hãy kiên nhẫn nghe tôi giải thích…

Thứ nhất, ở trên tôi có nói, trong xã hội có rất nhiều nghề, nhưng chỉ có hai nghề được gọi là thầy: thầy giáo và thầy thuốc, đó là một hạnh phúc; thứ hai, làm nghề thầy giáo, chí ít mình cũng có được niềm vui dạy học hàng ngày, được mang những kiến thức ít ỏi của mình “trao” cho nhiều thế hệ học sinh, được nhìn thấy họ trưởng thành và đóng góp cho gia đình và xã hội. Tôi xin kể lại một vài chuyện nho nhỏ vui vui. Cách đây đã lâu, có một lần tôi đưa anh bạn Nguyễn Huy Hoàng (hiện đang ở Nga) vào cấp cứu tại một bệnh viện. Anh bị đau ruột thừa.

Trong lúc rất vội vã đẩy anh đang nằm trên cáng cấp cứu vào phòng mổ, bất ngờ cả tôi và Nguyễn Huy Hoàng giật mình: “Em chào thầy ạ!”. Chúng tôi nhìn lên, một người phụ nữ đã trung tuổi, người vừa chào, tự giới thiệu chị là học trò của các thầy. Hôm ấy chị có việc vào viên thăm người thân. Nhìn thấy thầy giáo đang nằm trên cáng cấp cứu tự nhiên bật ra tiếng chào kính trọng (một niềm vui nho nhỏ).

Lại một lần khác, đang trên đường đến lớp, khi đi ngang qua một ngã tư, vì buổi học đã sát đến giờ, tôi tranh thủ “vượt” nhanh khi đã có tín hiệu đèn đỏ. Một anh cảnh sát dừng xe tôi lại với vẻ mặt rất nghiêm trọng, việc đầu tiên là hỏi giấy tờ. Hôm ấy tôi không mang giấy tờ tùy thân theo, nên đã nhanh nhảu nói với anh: “Tôi xin lỗi, anh cứ ghi phạt tôi đi, bao nhiêu cũng được nhưng nhanh lên một chút, tôi sắp đến giờ vào lớp”. Anh cảnh sát khi nghe tôi nói “sắp đến giờ vào lớp”, biết tôi là thầy giáo, đã ngay lập tức đổi thái độ, nói với tôi: “Vậy thì thầy đi nhanh lên, lần sau thầy chú ý cho một chút”. Không có tờ biên phạt nào cả.

Một lần khác nữa cách đây 20 năm, có lần tôi vào thỉnh giảng ở khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Huế. Ngay buổi học đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ: cả một “rừng” học trò gái phía dưới nhất loạt mặc áo dài trắng, tôi hỏi “sao thế các em?”, cả rừng hoa màu trắng ấy nhất loạt trả lời: “Vì thầy đó thầy ạ”. Tôi xúc động lắm. Về sau hỏi ra mới được biết, vì tôi là thầy giáo ngoài Bắc vô thỉnh giảng, lâu rồi mới có một thầy phía ngoài vào đây, học trò đã tự động bảo nhau mặc áo dài trắng lên lớp cho thầy bất ngờ…

Quả là, làm nghề thầy giáo thật hạnh phúc, vì trong đời mình được gặp vô khối những “niềm vui nho nhỏ như vậy”. Không phải ngẫu nhiên dân gian nhiều đời nay đã từng tồn tại những câu vinh danh người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (“Một chữ cũng nhờ thầy, nửa chữ cũng nhờ thầy”), “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”…

Thế đấy, đó là tất cả những gì tôi tích lũy được từ nghề làm thầy trong suốt gần 40 năm qua. Thế hệ chúng tôi thời ấy việc chọn nghề thực ra không mấy quan trọng. Nhưng ngày nay thì khác. Tôi biết, các bạn trẻ bây giờ, không phải ở chỗ nào cũng ưu tiên lựa chọn nghề thầy giáo. Bây giờ xã hội “thực dụng” hơn, việc lựa chọn nghề cũng nghiêng hơn về phía “vật chất”, giá trị tinh thần trở nên mong manh. Thêm nữa, vì cuộc cạnh tranh khốc liệt của đồng tiền, trong môi trường giáo dục dù vẫn tồn tại nhiều tấm gương sáng, vẫn còn không ít “tấm gương tối”.

Thế nhưng dù sự thế có xoay vần thế nào, tôi nghĩ nghề thầy giáo vẫn luôn cần thiết, quan trọng và thiêng liêng với nhiều người. Sẽ không có một xã hội tốt, nếu như không có những người thầy tốt.

Trần Hinh
Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học)
Trường ĐH Khoa học, Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội