Tâm sự của thầy giáo đứng lớp mầm non

(Dân trí) - 8 năm qua, công việc dạy dỗ và chăm sóc các học sinh mầm non đã trở nên quen thuộc với thầy Phạm Văn Bình. Thầy Bình luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của một giáo viên mầm non.


Đến Trường mầm non xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), chúng tôi gặp thầy giáo Phạm Văn Bình. Ấn tượng đầu tiên đó là một người thầy với dáng hình hao gầy trong bộ áo vét đơn sơ. Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, thầy Bình đã nở nụ cười hiền hậu, ánh mắt thân thiện.

Thầy Bình sinh năm 1982, ở thôn Quang Lộc, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc. Lớn lên ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, cũng như bao nhiêu học trò khác, sau khi tốt nghiệp THPT, với mong muốn kiếm một cái nghề trong tương lai, thầy Bình quyết tâm đi thi.

Rồi niềm mơ ước ấy cũng đã thành hiện thực khi thầy quyết định chọn thi và đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Sau ba năm miệt mài đèn sách vất vả, năm 2006, thầy Bình tốt nghiệp trở về địa phương công tác tại Trường Mầm non xã Quang Trung từ đó đến nay.

Hàng ngày, thầy Bình đứng lớp dạy múa hát cho các cháu không kém giáo viên nữ.
Hàng ngày, thầy Bình đứng lớp dạy múa hát cho các cháu không kém giáo viên nữ.

Giấu vẻ e ngại sau nụ cười hiền hậu, thầy Bình chia sẻ: “Nói thật là cũng xuất phát từ dự định ban đầu, dù biết theo học cái ngành này là khó khăn, nhưng ngay từ đầu tôi vẫn quyết tâm theo học. Khi đang còn học, thời gian đi thực tập, tôi bắt đầu cảm nhận được những khó khăn của nghề mà mình phải đối mặt. Ngày còn học ở trường toàn các cô, cả trường chỉ có mấy anh em nam giới. Rồi anh em động viên nhau dù khó khăn, nhưng mình yêu nghề thì đi mà học thôi”.

Câu chuyện ngày một bớt đi vẻ e ngại và cái mặc cảm về nghề cũng dần tan biến, thầy Bình cởi mở hơn và chia sẻ một cách tự nhiên hơn. “Khó khăn lớn nhất là nỗi mặc cảm cho bản thân làm mình nhiều khi thấy không tự tin lắm. Với tôi, đây là trở ngại lớn nhất. Nhưng được cái là các cô giáo trong trường thường xuyên động viên nên mình có thêm động lực để học tập”.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng trở về địa phương, thầy Bình được nhận về Trường Mầm non xã Quang Trung công tác. Trong câu chuyện của mình, thầy Bình luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với các đồng nghiệp trong trường.
 
“Ngay từ những ngày đầu khi mới đặt chân về trường, ai cũng động viên, gia đình ủng hộ, rồi bản thân mình bằng mọi cách khắc phục khó khăn dần dần”, thầy Bình chia sẻ.

Nhận thấy mình là nam giới, trong quá trình dạy dỗ các cháu còn có một số hạn chế so với giáo viên nữ nên thầy Bình luôn cố gắng, nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh, vượt lên nỗi mặc cảm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Các cháu rất mến thầy, lúc đầu thì nhiều cháu thấy thầy vào là chạy nép vào góc phòng, nhưng rồi dần cũng quen lại mến thầy hơn. Hơn nữa, khi được phụ huynh gửi gắm, mình cố gắng để phụ huynh yên tâm”, thầy Bình tâm sự.

Thầy giáo Phạm Văn Bình.
Thầy giáo Phạm Văn Bình.

Bản thân không chỉ phải vượt qua khó khăn trong công tác chuyên môn mà ngay từ những ngày đầu mới ra trường về địa phương công tác, thầy Bình còn phải vượt qua khó khăn trong cuộc sống khi mà mức lương chỉ vỏn vẹn 400 nghìn đồng. Dù được tăng lên hàng năm nhưng so với mức sống và chi phí cho sinh hoạt không thấm vào đâu. Mãi đến năm 2012, thầy mới được vào biên chế.

Đồng cảm và chia sẻ với giáo viên nam duy nhất của trường, từ khi mới về, thầy Bình luôn được ban giám hiệu và các cô giáo trong trường ưu ái xếp cho đứng lớp 4, 5 tuổi để thuận lợi hơn trong việc dạy các cháu. Cùng với đó là sự cố gắng học hỏi và bước đầu thầy Bình đã thu được những thành tích nhất định tróng sự nghiệp trồng người của mình.

Với thầy Bình, có được thành công như ngày hôm nay, theo thầy Bình thì sự kiên trì và tình yêu nghề là hàng đầu. Từ thành công đó, đến giờ, mọi người cũng đã thay đổi cách nhìn nhận về thầy giáo dạy mầm non.

Cô Phạm Thị Châu - Hiệu phó Trường Mầm non Quang Trung cho biết: “Nhìn chung từ khi thầy Bình về trường đến nay rất nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ. Từ công việc chuyên môn rất cần mẫn, chịu khó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chị em trong trường cũng hay đùa vui là thầy đẹp trai nhất trường. Lớp thầy Bình, các cháu học rất có nề nếp, nghe lời thầy. Những ngày trời mưa, hay khi cần sửa điện, ống nước, nhà trường đều phải nhờ đến thầy. Hay khi đi công tác các điểm xa, thầy Bình đều phải đảm nhiệm. Về chế độ thì thầy lại không hơn gì các giáo viên khác trong trường”.
 
Cô Phạm Thị Châu - Phó hiệu trưởng nhà trường
Cô Phạm Thị Châu - Phó hiệu trưởng nhà trường.

Điều khiến thầy Bình yên tâm công tác hơn khi vợ thầy là cô giáo Lê Thị Huyền cũng là đồng nghiệp trong trường. Vợ chồng thầy có hai con, một gái, một trai, cháu lớn năm nay học lớp 1, cháu nhỏ 2 tuổi.

Đã 8 năm qua, công việc đứng lớp của thầy Bình đã trở nên quen thuộc.
Đã 8 năm qua, công việc đứng lớp của thầy Bình đã trở nên quen thuộc.

Sau nhiều năm tích lũy cho mình một vốn kiến thức và kinh nghiệm, đến bây giờ, thầy Bình đã có thể đảm nhiệm tất cả các lứa tuổi học trò trong trường. Nhà trường phân lớp nào, thầy sẵn sàng nhận lớp đó.

“Trong quá trình dạy dỗ các cháu, về nghiệp vụ, phần múa là khó và ngại nhất, nhưng rồi dạy miết cũng quen. Nhưng theo tôi, khi trong trường mầm non có cả thầy và cô thì độ cân bằng về giới tính hợp lý hơn”, thầy Bình chia sẻ.

Với thầy Bình, công việc đứng lớp trong vai trò là thầy giáo dường như đã quá quen thuộc. Ngay cả đến ngày mùng 8/3, hay ngày 20/10, phụ huynh còn tặng hoa cả thầy, và thầy coi đó là một niềm vinh dự lớn lao…

Duy Tuyên