Trong những năm qua, mặc dù huyện biên giới Tương Dương (tỉnh Nghệ An) đã được quan tâm, đầu tư nhiều nguồn vốn cho phát triển giáo dục, tuy nhiên tình trạng thiếu đồ dùng giảng dạy ở các trường học trên địa bàn vẫn diễn ra khá phổ biến. Từ thực tế đó, hàng năm vào dịp 20/11, ngành GD-ĐT huyện Tương Dương lại phát động phong trào làm đồ dùng giảng dạy, thu hút đông đảo giáo viên (GV) tham gia. Nhiều sáng tạo của GV đã được áp dụng vào công tác giảng dạy có hiệu quả. Những năm đầu triển khai làm đồ dùng, đồ chơi dạy học, GV mầm non cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư nhiều thời gian, lại chưa có kinh nghiệm, nên các đồ dùng chưa thật sự phong phú.
Nhưng qua một thời gian cùng với sự giúp đỡ đắc lực của phụ huynh thì đến nay việc tận dụng các loại phế liệu, nguyên vật liệu sẵn có đã trở thành
việc làm thường xuyên của mỗi GV, mỗi trường học. Nhiều GV đã sáng tạo ra những đồ dùng thiết thực cho các bài giảng của mình để thu hút trẻ trong các giờ học. Hiện tại, ngoài bộ đồ dùng dạy học chung của nhà trường thì GV đều có một bộ đồ dùng tự làm.
Các giáo viên chấm điểm cho các mô hình.
Cô Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương cho biết: “Nhằm thi đua lập thành tích chào mừng ngày 20/11, Phòng GD-ĐT chỉ đạo bậc học Mầm non tổ chức thi làm đồ dùng đồ chơi bằng vật liệu sẵn có địa phương, phế liệu của gia đình. Hội thi ở các tường được tổ chức từ ngày 11 đến 15 tháng 11, qua cuộc thi thấy rõ chất lượng đồ dùng, đồ chơi mà các trường, GV mầm non làm đồ chơi được làm từ rất nhiều vật liệu rẻ tiền, màu sắc đa dạng, phong phú, đồ chơi đó góp phần không nhỏ trong việc giáo dục dạy học ngành học Mầm non”.
Mô hình làm đồ dùng dạy học, giảng dạy được Ngành giáo dục huyện biên giới Tương Dương tổ chức thi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam rất sôi động.
Mỗi trường có một sáng kiến, một cách thể hiện riêng phù hợp với đặc thù địa phương, như Mô hình có chủ đề “Quê em” của tập thể GV Trường Mầm non thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương, Nghệ An) là một trong những mô hình dạy học được đánh giá cao. Đây là một trong những sáng kiến đồ dùng học tập cho học sinh vùng cao, có cấu tạo đơn giản, được thiết kế từ các nguyên vật liệu sẵn có từ thiên nhiên và các loại phế liệu, qua bàn tay khéo léo của giáo viên và phụ huynh các vật dụng, đồ vật sinh động được hình thành.
Nhờ vậy nên các tiết học ở Trường Mầm non thị trấn Hòa Bình không còn đơn điệu như trước mà ngày càng hấp dẫn hơn bởi bài học của các cháu gắn liền với thực tế, thông qua các đồ chơi được tạo ra từ vật dụng gần gũi với cuộc sống giúp các em hiểu bài nhanh hơn và tiếp cận bài học một cách thực tế hơn.
Các cô giáo vừa thuyết minh, vừa hướng dẫn các em học tập các mô hình.
Còn với tập thể giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Thạch Giám lại tái hiện mô hình nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Mô hình hội tụ đủ các điều kiện dùng để mô phỏng nhà sàn truyền thống, bên trong trang trí đầy đủ các vật dụng thiết yếu của một gia đình dân tộc Thái, tất cả các vật dụng bên trong cũng được giáo viên và phụ huynh cùng làm. Từ mô hình này đã hỗ trợ tích cực trong việc dạy và học, nhất là phục vụ cho các tiết dạy chủ điểm gia đình, giúp các cháu ở các nhóm tuổi tiếp thu bài giảng nhanh hơn, phong phú hơn.
Tập thể giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Thạch Giám tái hiện mô hình nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Cô Nguyễn Thị Thắng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Giám, Tương Dương cho biết: “Để giáo dục cho trẻ biết giữ gìn bản sắc dân tộc mình, nhà trường phối hợp với hội phụ huynh làm lên nhà sàn cổ của dân tộc Thái, và được cấp trên đánh giá cao ở chỗ chúng tôi thường xuyên có chỗ cho trẻ trải nghiệm, vận động phụ huynh đưa đến dụng cụ, vật liệu, có cái thì là mô hình, có là cái đồ thật của người Thái. Mỗi khi có giờ hoạt động ngoài trời, chúng tôi cho các cháu lên đó tìm hiểu, khám phá”.
Hàng năm, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) đều tổ chức hội thi đồ dùng dạy học nhân dịp 20/11.
Qua thực tế cho thấy, việc tăng cường dạy bằng đồ dùng dạy học đã phát huy được hiệu quả của các tiết giảng, giúp trẻ bước đầu phân biệt được các sự vật, hiện tượng, đời sống xung quanh một cách dễ dàng. Nhiều đồ dùng tự làm bằng các nguyên liệu có sẵn còn tạo được sự thích thú, tò mò của trẻ nên các giờ học trở nên sinh động hơn, trẻ cũng ghi nhớ được bài giảng nhanh hơn.
Nguyễn Duy - May Huyền