Ở nội trú chật chội, giáo viên vùng cao vượt khó trồng người
(Dân trí) - Ở độ cao trên 1.000m, những giáo viên vùng cao vừa phải chịu cái lạnh, rét vừa cố gắng mang con chữ đến từng thôn, bản. Sống trong căn nhà nhỏ: một người chỉ 5m2, một phòng 4 người chỉ 3 chiếc giường, một chiếc bàn, những người đưa đò ấy vẫn san sẻ tình đồng nghiệp, tình thầy trò.
Những giáo viên Trường THPT Quang Trung ở thị trấn P'rao (huyện Đông Giang, Quảng Nam) đang sống vất vả trong khu nội trú chật chội như vậy để đóng góp cho sự nghiệp trồng người nơi vùng cao.
Chỉ 5m2/ người
Chúng tôi chân đến Đông Giang vào một ngày cuối tháng 11 khi cái lạnh ùa về. Khoác thêm chiếc áo, ăn vội gói mì, thầy cô giáo đang tất bật chuẩn bị cho tiết lên lớp vào sáng đầu đông.
Đến thăm thầy cô ở khu nội trú, tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây, mới thấu hiểu rằng thầy cô phải yêu lắm học sinh nơi đây mới gùi chữ lên non cho từng nét chữ của trò.
Căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 20 m2, mỗi phòng có 3 chiếc giường đơn, một chiếc bàn, 1 chiếc ti vi nhưng có tới 4 giáo viên ở cùng, như vậy diện tích chỉ có 5m2/người và 2 giáo viên phải ngủ cùng 1 chiếc gường. Dưới nữa là bếp ăn và một nhà vệ sinh chỉ chưa đầy 1,5m2.
Ở đó, đồ đạc, quần áo được tận dụng treo phía cuối giường, không tủ đựng đồ, không bàn ghế soạn giáo án, thầy cô mua về những chiếc bàn xếp nhỏ, mặt bàn dài, rộng chỉ chưa đến 50cm. Mỗi lần soạn bài, thầy cô đặt bàn trên giường để viết, rồi lại xếp cất xuống gầm giường.
Thầy giáo Trần Thanh Tịnh, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Quang Trung, cho biết: "Khu nội trú được xây dựng từ năm 2012, gồm 7 phòng, chia làm 4 phòng gia đình, gồm con cái, vợ chồng, ông bà ở cùng. Còn 3 phòng dành cho giáo viên độc thân, gồm 12 người".
Khó khăn nhất là nhà xe, mà thầy Tịnh miêu tả, ngày trước xe phải dắt vào trong phòng để an toàn, đi ra đi vô trong phòng cũng chẳng có lối, "trường và giáo viên phải đi "xin" huyện, tỉnh mãi mới đầu tư xây một cái nhà xe. Cuộc sống của thầy cô vùng cao vẫn còn chật vật, khó khăn trăm bề" - thầy nói.
"Tôi chẳng dám mua sắm gì thêm cho mình, giáo viên chúng tôi phải tự trồng thêm rau xanh để đỡ tốn kém. Học sinh nơi đây còn khổ hơn mình, nên tự chính bản thân phải an ủi lấy, tiếp tục cố gắng vì học trò"- cô Thái nói.
Tình người giữa nơi rẻo cao
Mặc dù khó khăn về chỗ ở, kinh tế, như thầy cô giáo vùng cao vẫn san sẻ chia lửa yêu thương ngay trong chính mỗi người thầy giáo. Các thầy cô giáo mỗi người một hoàn cảnh, từ các nơi tìm về với học sinh vùng cao, bên cạnh tình thầy trò là tình đồng nghiệp.
San sẻ yêu thương, trước hết là san sẻ phòng, các thầy cô nơi đây đã chia nhau phòng ở, nhường phòng cho những cô, thầy giáo có con nhỏ, có gia đình.
Thầy Tịnh cho biết, 7 phòng sẽ chia làm 4 phòng gia đình, 3 phòng độc thân. Các thầy cô có gia đình, con nhỏ mà ông bà nội, ngoại phải lên chăm sóc, vợ chồng lâu ngày gặp mặt sẽ ở một phòng. Theo thầy Tính, cách làm đó, sẽ tạo tâm lý thoải mái, ấm cúng không khí gia đình.
Cô giáo Trần Thị Thương, quê ở Hà Tĩnh, có chồng đi Hàn Quốc gần 2 năm nay, hiện cô đang sống cùng với con mới sinh được 8 tháng, và bà nội phải lặn lội từ ngoài Bắc vào chăm sóc con nhỏ giúp con dâu.
"Thấy con dâu phải chật vật, chồng lại đi xa, tôi phải vào giúp nó. Mặc dù ông nhà tôi phải ở ngoài đó một mình, lo toan công việc đồng áng, nhưng thương con, cháu thì phải vất vả đi lại"- mẹ chị Thương chia sẻ.
Cô giáo Thương cho biết, cô khá bất ngờ vì vừa vào công tác, được các thầy cô giáo chia cho một phòng gia đình để cô cùng con nhỏ và bà nội ở chung với nhau.
Tương tự, cô giáo Zơ Râm Thị Thái, vượt hơn 22 km, từ xã Sông Kôn, huyện Đông Giang vào dạy tại điểm trường này, con gái nhỏ mới 2 tuổi, phải đi bỏ nhà trẻ và bà nội phải lên tận khu nội trú để chăm sóc bé, còn chồng cô làm công an xã Sông Kôn. Cô nói: "Hồi trước, không có phương tiện, chồng phải thường xuyên lên chở đi dạy. Rồi khi vào khu nội trú, các thầy cô nhường hẳn cho 1 phòng riêng để tôi cùng con cái và gia đình sinh hoạt, giờ thỉnh thoảng chồng lên thăm, hoặc cuối tuần tôi về nhà".
Dù biết mỗi lần nhường một phòng gia đình thì số người ở chung 1 phòng độc thân sẽ tăng thêm, nhưng thầy cô giáo vùng rẻo cao này vẫn cố gắng tạo điều kiện để các thầy cô có gia đình cảm thấy thoải mái sinh hoạt.
Thầy Tịnh cho biết: "Các thầy cô độc thân thì sống sao cũng được, nhưng với thầy cô đã có gia đình, bồn bề con nhỏ, sinh hoạt, nếu ở chung với giáo viên độc thân sẽ khó khăn lắm. Nên cách chia phòng như thế này sẽ giúp các thầy cô an tâm công tác".
Không chỉ san sẻ giữa các giáo viên, những thầy cô nơi đây mỗi khi chuyển công tác về xuôi, đều để lại một ít tiền góp vào quỹ khuyến học của trường vài ba trăm nghìn để hỗ trợ tiếp sức trò giỏi vùng cao.
Thầy Nguyễn Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết:"Mặc dù rất khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn đội nắng, đội mưa đem con chữ đến trường. Cứ vào cuối năm học, trường lại chọn ra những học sinh giỏi vượt khó để trao tặng số tiền cho chính thầy cô khu nội trú góp quỹ".
Nguyễn Trang