Mùa thi: Bổ sung nhiều thuốc bổ cho trẻ, coi chừng hệ lụy sức khỏe
(Dân trí) - Thừa vitamin A có thể gây đau đầu buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn nội tiết; liều cao vitamin C có thể gây tiêu chảy hoặc đau dạ dày;…
Trong những ngày trẻ ôn thi vất vả, nhiều cha mẹ thường chọn mua các loại thuốc bổ, vitamin để bồi bổ cho con. Một số phụ huynh cho rằng "uống càng nhiều thuốc bổ càng tốt"; sẽ giúp con tăng sức đề kháng, tăng cường sức khỏe, học tập hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, sử dụng thuốc bổ, vitamin không đúng liều lượng có thể dẫn đến những hệ lụy xấu cho sức khỏe, thậm chí gây tác dụng ngược, ảnh hưởng tới kỳ thi.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, ngoài các chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất là nhóm còn lại trong 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu. Chúng rất cần thiết cho hoạt động trí não và tăng cường chuyển hóa cơ thể mà phụ huynh nên bổ sung cho con, đặc biệt trong mùa thi.
Tuy nhiên, nếu hàng ngày trẻ đã ăn uống đủ chất, đa dạng nhiều loại thức ăn bổ dưỡng thì không sợ thiếu vitamin. Chỉ nên dùng thuốc bổ khi chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ hoặc thiên lệch.
TS Sơn nhấn mạnh, vitamin và chất khoáng từ thực phẩm bổ sung hoàn toàn không thay thế được dinh dưỡng từ bữa ăn hàng ngày, vì vậy trẻ vẫn phải ăn uống đầy đủ chất.
Trường hợp muốn bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cho trẻ qua các thực phẩm chức năng, cha mẹ nên tham khảo ý kiến các bác sĩ, xem con mình thiếu chất gì, sống trong hoàn cảnh nào, mắc bệnh gì, từ đó biết được loại thực phẩm chức năng nào đáp ứng tình trạng bệnh lý cũng như dinh dưỡng của con.
Cũng theo TS Sơn, sử dụng vitamin (đặc biệt là nhóm vitamin tan trong dầu như A, D, E,…) hay thực phẩm chức năng quá liều lượng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể:
Thừa vitamin A có thể gây đau đầu buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn nội tiết.
Liều cao vitamin C có thể gây tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Cũng có những lo ngại rằng việc bổ sung vitamin C liều cao có thể gây trở ngại cho thuốc làm loãng máu hoặc thuốc giảm cholesterol.
Liều cao vitamin D có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn chức năng dạ dày, tổn thương thận và viêm tụy, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Uống vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ vitamin A.
Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.
Uống sắt kéo dài gây ra thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim.
Bổ sung quá nhiều kẽm có thể khiến cơ thể bị dư thừa kẽm, dẫn đến biếng ăn, hạn chế hấp thu sắt, nôn, rối loạn tiêu hóa.
Thừa canxi gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, cũng như tăng nguy cơ sỏi thận.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn nhấn mạnh, cha mẹ nên bổ sung những chất dinh dưỡng này thông qua chế độ ăn uống hàng ngày cho trẻ, hơn là dùng thực phẩm chức năng.
Những thực phẩm giàu vitamin C: Các loại trái cây, rau củ quả có màu sắc sặc sỡ, các loại quả mọng,...
Những thực phẩm giàu kẽm: Thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt... Trong đó, hàu là thực phẩm chứa hàm lượng kẽm cao nhất.
DHA, omega3: Bổ sung thông qua trứng, sữa và các loại hạt.
Với vitamin D, phụ huynh có thể cho trẻ tiếp cận với vitamin D thông qua một số thực phẩm từ sữa, các loại cá, đặc biệt là cho con tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.