DMagazine

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên "mùa thi"

(Dân trí) - Sự "bùng nổ" của các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần vào mùa thi, khiến học sinh phải nhập viện thường chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".

Sự "bùng nổ" của các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần vào mùa thi, khiến học sinh phải nhập viện thường chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 1

 Giai đoạn cao điểm mùa thi cũng là lúc số lượng bệnh nhân là học sinh, sinh viên đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám tăng vọt.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 3

Là học sinh cuối cấp và sắp bước vào kỳ thi đại học cực kỳ quan trọng, nhưng một tháng trở lại đây nam sinh V.H.P., 18 tuổi (sống tại Hà Nội) thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng về kỳ thi sắp tới.

Đáng chú ý, khi căng thẳng, P. học khó nhớ hơn, nhanh quên, thỉnh thoảng có cảm giác hồi hộp trống ngực, run tay chân, vã mồ hôi, choáng đầu. Cũng vì nỗi lo này, cậu ăn ít đi, ngủ không sâu giấc.

Một ngày khi đang học trên lớp, P. bỗng xuất hiện cảm giác mệt mỏi, chóng mặt nên gia đình phải đến đưa vào viện.

Tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ xác định P. bị rối loạn lo âu.

Theo ThS.BS Đỗ Thùy Dung - Phòng Tâm thần nhi, qua điều tra bệnh sử đã phát hiện ra rằng, các vấn đề của P. thực tế đã tồn tại rất lâu từ trước.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 5

Theo đó, thời cấp một, P. học ở một trường công lập với học lực trung bình. Tuy nhiên, sang cấp hai, bố mẹ chuyển cậu về học trường quốc tế. Tưởng rằng môi trường quốc tế sẽ giúp P. tự tin và năng động hơn, thế nhưng cậu lại ngày càng tự tách mình ra khỏi tập thể.

Theo chia sẻ của P., cậu cảm thấy tự ti vì điều kiện gia đình và học lực không bằng các bạn. Vì vậy, cậu ngại không tham gia các hoạt động nhóm, dần dần không chơi với ai, Mỗi giờ ra chơi, P. chỉ xuống thư viện đọc sách, rồi về nhà không tham gia hoạt động cùng bạn bè.

Đến lớp 7, P. thường xuyên thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, học tập giảm tập trung. Do đó, bố mẹ đã quyết định chuyển P. sang trường công lập. Khoảng thời gian này, bệnh nhân cảm thấy đỡ áp lực hơn, hòa đồng được với mọi người. Việc học cũng vì thế mà cải thiện hơn.

Tuy nhiên khi gặp các hoàn cảnh khó khăn như stress trong học tập, thi học kỳ, mâu thuẫn bạn bè, P. lại xuất hiện cảm giác căng thẳng, run tay chân, sợ hãi vô cớ.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 7

Một trường hợp khác là N.M.Q., 18 tuổi, đang giai đoạn ôn thi quan trọng nhưng Q. học tập lại không vào. Trước đây bệnh nhân là trẻ học khá giỏi nhưng từ lớp 11 đã có biểu hiện khó kiềm chế cảm xúc, cãi lời bố mẹ. Bệnh nhân luôn cảm thấy mình áp lực vì không biết học nhiều để làm gì. Chính vì suy nghĩ này mà Q. giảm hứng thú trong học tập, luôn phải đấu tranh giữa việc cố gắng học tốt và học để làm gì.

Thậm chí, có những lúc căng thẳng khó chịu quá, bệnh nhân đã tự cấu véo làm đau bản thân để tìm cảm giác dễ chịu hơn.

Gần đây, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, giảm hứng thú nhiều hơn do vậy học tập không theo được guồng ôn thi của nhà trường. Điều này làm bệnh nhân chán nản, buồn chán, trở nên lo lắng, căng thẳng…

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 9

Bệnh nhân tự ý thức được rằng, năng lực của mình lâu nay không kém. Do đó, việc gần đây học không vào khiến cậu nghĩ rằng não có vấn đề nên yêu cầu bố mẹ đưa đi khám.

Tại Viện sức khỏe tâm thần, Q. được xác định bị stress dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn tâm thần liên quan đến stress phân tích, chính vấn đề tâm lý xuất phát từ sự bế tắc trong việc trả lời câu hỏi "học để làm gì?", khiến bản thân bệnh nhân cảm thấy khó chịu và luôn muốn được giải tỏa.

"Để giải tỏa, cậu học sinh này tìm cách trêu bạn bằng những trò đùa hơi quá, đây vốn là hành vi mà trước đây cậu không hề có. Khi không trêu được bạn bè, cậu tự làm đau bản thân để giải tỏa", TS Tâm phân tích.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 11

"Áp lực mùa thi giống như giọt nước làm tràn ly, khiến trẻ bị trầm trọng hơn các vấn đề sẵn có và phát sinh thêm những vấn đề trước đây chưa từng có", BS Dương Minh Tâm nhận định.

Sự "bùng nổ" của các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần vào mùa thi khiến học sinh phải nhập viện thường chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".

Theo nhận định của chuyên gia, với một tỷ lệ không nhỏ học sinh, những stress trong học đường đã kéo dài nhiều năm, âm thầm tích tụ chực chờ một "mồi lửa".

Một khảo sát do BS Tâm thực hiện cùng học viên đã phần nào cho thấy "con sóng ngầm" rất đáng báo động này.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 13

Theo đó, khi tiến hành khảo sát tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh 10 - 19 tuổi, trong giai đoạn 2019 - 2020 đã cho thấy những con số đáng báo động:

  - 55,6% số trẻ tham gia nghiên cứu có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn bè trong trường 8,9%).

-  Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, đây cũng là độ tuổi ôn thi chuyển cấp.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 15

 Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, thời điểm nào trong năm cũng đều có học sinh đến khám vì căng thẳng do học hành.

Theo BS Tâm có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress đối với học sinh. Đáng chú ý, có cả những việc làm của bố mẹ vẫn được cho là quan tâm con, tốt cho con lại vô tình khiến trẻ "ngộp thở":

- Áp lực học và thi: Chương trình học khó, quá nhiều thứ phải học, lo lắng định hướng tương lai. Bên cạnh đó còn có một số tác nhân gây stress sau thi như: kết quả thi, sự hài lòng về lựa chọn của bản thân.

- Áp lực từ nhà trường: Nhiều trường học gây áp lực quá mức với học sinh để đạt thành tích cao.

- Áp lực từ gia đình: Thiếu sự quan tâm tạo điều kiện của gia đình trong việc học gây khó khăn cho trẻ. Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức, sự hy vọng quá mức cũng là áp lực vô hình đè nặng lên vai sĩ tử .

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 17
Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 19

Theo các chuyên gia, khi bị stress, trẻ sẽ có những biểu hiện về tâm lý và cả về cơ thể. Tuy nhiên, loại biểu hiện và mức độ biểu hiện lại khác nhau với từng cá nhân.

Trẻ bị stress thường có dấu hiệu lảng tránh, lo lắng, bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, khó giải quyết vấn đề, dễ cáu gắt. Nhiều trẻ khó tin tưởng người khác, sống cô lập với xã hội, khó khăn trong học tập, chậm phát triển...

"Có em có tâm lý u uất, buồn bã, chán nản, nhưng cũng có trường hợp stress dẫn đến các triệu chứng trên cơ thể như đau đầu, đau bụng", BS Tâm cho hay.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 21

Trong đó, nhóm có triệu chứng bệnh lý thường đến viện muộn hơn do dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa thay vì đến khám sức khỏe tâm thần.

Cách dễ nhất để các gia đình có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu cảnh báo ban đầu của trẻ bị stress, trầm cảm chính là so sánh trước sau.

"Phải so sánh thói quen, tính cách của các con trước đây so với hiện tại như thế nào. Nếu trẻ có sự khác lạ, bất thường nhất là trong giai đoạn ôn thi căng thẳng, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm", BS Tâm nói.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 23

BS Tâm nhấn mạnh việc cần nhận thức stress là phép thử mà mỗi lần vượt qua giúp trẻ hoàn thiện và trưởng thành hơn. Tuy nhiên nếu không có kỹ năng đối mặt với stress sẽ khiến trẻ rơi vào rối loạn tâm lý, trầm cảm.

Với trẻ bị stress, điều quan trọng là cần xác định gốc rễ vấn đề để loại bỏ hoặc tìm cách vượt qua, thích ứng với nó.

Gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn tới con trẻ bằng cách chia sẻ, thấu hiểu, tâm sự. Phụ huynh không nên áp đặt tiêu chí quá cao hay có thái độ buông bỏ trước nỗ lực của trẻ.

Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.

Tăng vọt học sinh nhập viện vì stress: Ngòi nổ mang tên mùa thi - 25

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò của giấc ngủ với sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Trẻ từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ từ 9 đến 12 tiếng mỗi đêm. Thanh thiếu niên cần ngủ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi", TS Tâm khuyến cáo.

Bên cạnh đó, trò chuyện về những tình huống căng thẳng với một người lớn đáng tin cậy có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên nhìn nhận mọi thứ và tìm ra giải pháp. Đây là một trong những phương thức tốt nhất giúp trẻ nhận thức ra vấn đề của mình.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Thủy Tiên