Bạn đọc viết:
Môn Tập làm văn tiểu học và sức ì của phụ huynh
(Dân trí) - Hiện nay không ít phụ huynh thờ ơ với việc học hành của con em, họ chỉ đầu tư tiền bạc và phó thác việc học cho thầy cô, nhà trường. Do vậy mà môn Tập làm văn dễ khiến phụ huynh nổi cáu vì cách quan sát, cách dùng ngôn ngữ nghèo nàn, lúng túng của các con...
...Vậy là phụ huynh đổ lỗi cho cô giáo kém cỏi, không biết cách truyền đạt.
Con tôi đang theo học bậc tiểu học, tôi theo dõi những câu văn ngô nghê khi con viết miêu tả về em gái, về mẹ. Bật cười trước việc con tả thực như em gái con hay tè dầm, em còn hay ăn vạ và lấy đồ chơi của con. Kết lại đoạn văn 5 câu là: "Em gái em rất ghê". Sách Tiếng Việt đưa ra gợi ý chi tiết và mỗi câu hỏi đều được con trả lời rất nhanh. Khi mẹ hướng dẫn lại, cháu gân cổ cãi bướng "Em đúng như thế còn gì" và mếu máo khi mẹ bắt làm lại. Tôi kiên nhẫn giải thích cho con, môn Văn hướng con đến việc nhìn ra những điều tốt đẹp, con có thể viết em thích gì, ví dụ em thích mẹ đọc truyện cổ tích, em hay rủ bạn cùng chơi trò dạy học, trốn tìm. Em nói còn hơi ngọng và em rất ngoan, đi học về em chào bố mẹ và anh, em hay cười khúc khích... Con trai tôi ngẩn người ra, khi mẹ gợi ý cụ thể, cháu viết được đoạn văn mạch lạc và trong sáng. Tất nhiên là cậu bé mới tập viết văn này cũng khá lười biếng, con hay chạy ra và hỏi mẹ vừa bảo em thế nào nhỉ. Cậu bé láu cá muốn chép lại ý của mẹ. Tôi ghi cụ thể gợi ý là những câu hỏi chi tiết ra vở nháp của con "Em thích chơi trò gì, em thích màu sắc nào? Anh trai yêu em gái thế nào, có nhường đồ chơi cho em không".
Con trai tôi viết văn cũng hay rập khuôn máy móc: bài tả mẹ, tả em gái, tả bà hàng xóm, câu cuối bài nói về tình cảm của con đối với người được miêu tả, con đều viết "Con rất yêu mẹ, em, bà". Tôi phải hướng dẫn con nhiều lần để con hiểu và viết khác đi như "thương mẹ đi làm vất vả, em giúp mẹ nhặt rau, quét nhà và trông em" hoặc "Em gái em còn nhỏ, em đọc truyện tranh cho em nghe, nhường đồ chơi cho em"...
Cô giáo dạy con khá tỉ mỉ, cô chữa bài cho con từng câu, từng từ. Tôi cho rằng, để con học tốt môn tập làm văn thì bố mẹ nên dành thời gian kèm cặp con. Các con còn ở độ tuổi ham chơi, bài cô giao làm lại có con làm qua loa cho xong, cô nhắc nhở thì có con đã biết nói dối là "Hôm qua con bị mệt". Lớp con tôi sĩ số 51 cháu, việc quán xuyến một lớp học đông đúc như vậy với cô thật không dễ dàng. Làm sao có chuyện, con học đuối lại chỉ do cô dạy kém?
Việc các em học sinh chưa yêu môn Tiếng Việt, lỗi định hướng này chủ yếu do phụ huynh chúng ta. Bố mẹ bỏ mặc chuyện học của con, về nhà các cháu thường mải mê xem hoạt hình trên ti vi, chơi điện tử trên máy tính, điện thoại. Không thể phủ nhận sức mê hoặc của các trò chơi điện tử, người lớn “bập” vào game còn khó dứt huống chi trẻ con. Năm con tôi học lớp 2, tôi đặt báo Nhi đồng cho con. Những quyển báo cứ mới tinh vì về đến nhà buổi chiều là con cắm mặt vào xem hoạt hình, buổi tối lo ôn bài, soạn bài. Tôi dành khá nhiều thời gian rảnh để đọc báo cùng con, đọc truyện cổ tích cho con nghe và chỉ cho con cách dùng từ biểu cảm, từ đồng nghĩa: ví dụ nói về một bông hoa đẹp, thay vì đẹp con sẽ miêu tả nó bằng từ gì, "rực rỡ", "thắm tươi", "khoe sắc"...
Có những bài tập làm văn khiến phụ huynh giật mình. Một lần tôi sang nhà chị hàng xóm, con trai học lớp 4 của chị tả con mèo bằng những lối so sánh cười ra nước mắt: mắt nó tròn như hòn bi ve, tai mèo nhọn hình tam giác, cái đầu nó to bằng quả bóng tennis, con mèo nhà em vồ chuột rất giỏi. Khi tôi gợi ý cháu có thể tả con mèo trèo cây ra sao, tắm nắng thế nào, cháu nói thật là cháu không biết vì nhà cháu không có mèo. Bí quá, mẹ cháu mở clip trên youtube cho con xem, cảnh mèo chạy nhảy, mèo vồ chuột. Mỗi lần đưa ra gợi ý miêu tả, cháu chỉ viết được những câu văn cộc lốc, vốn từ của cháu quá nghèo nàn. Đề văn tả cây ăn quả trong vườn, tôi hỏi cháu có nhớ cây ăn quả nào trong vườn nhà ông bà cháu không, cháu thử tả xem. Cháu lắc đầu không tự viết nổi. Mẹ cháu cười bảo "Nó có để ý quan sát gì đâu cô".
Bố mẹ còn chưa dành thời gian đúng mức để hướng dẫn con cách quan sát, cách dùng từ, cách viết câu văn sao cho uyển chuyển thì cũng đừng nên chỉ trách ngược cô giáo. Mỗi lần về quê, các vị phụ huynh đã bớt chút thời gian vàng ngọc để chỉ cho con cái mình cảnh con mèo trong bếp nằm ngủ vùi, đưa con ra cánh đồng xem đồng lúa mênh mông, cảnh con trâu con bò ung dung gặm cỏ chưa ? Nếu không có quan sát thực tế, con cái các vị chỉ có thể viết được giọng văn ngô nghê hoặc sao chép lại văn mẫu để vượt qua các bài kiểm tra, thi cử.
Giả sử cô dạy các con không đưa ra tình thế đối phó là học thuộc vài bài văn mẫu mà để tự các con làm, điểm thi kém thì phụ huynh còn nổi đóa đến đâu? Từng học môn Tiếng Việt cùng con, tôi nhận thấy cô giáo của con chấm điểm rất công tâm. Những bài văn con viết có sự sáng tạo, viết theo cách hiểu, cách cảm của con đều được cô khen viết đủ ý và viết hay.
Mỹ Đức
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!