Lương 5 triệu đồng, nam cử nhân "thà ở nhà chở bạn gái lớn tuổi đi làm"

Hoài Nam

(Dân trí) - Đi phỏng vấn, nhiều nơi chào lương khởi điểm 5-6 triệu đồng, Xuân Tùng đáp thẳng: "Lương này tôi thà ở nhà chở bạn gái lớn tuổi đi làm".

Cử nhân chọn làm tài xế cho bạn gái, về nhà… với mẹ

Giữa năm 2023, sau khi nhận bằng cử nhân ngành kinh doanh thương mại, Xuân Tùng ở TPHCM đi tìm việc. Lĩnh vực theo học khá đa dạng ngành nghề nên những vị trí công việc như bán hàng, khảo sát hàng, xuất - nhập kho… Tùng đều gửi hồ sơ.

12 triệu đồng là mức lương ban đầu Tùng đưa ra cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương khởi điểm 6-7 triệu đồng, thậm chí có nơi chỉ 5 triệu đồng.

Lương 5 triệu đồng, nam cử nhân thà ở nhà chở bạn gái lớn tuổi đi làm - 1

Cầm bằng cử nhân được chào mức lương thấp, Tùng chọn: "Thà ở nhà chở bạn gái đi làm" (Ảnh: AI).

Có nơi Tùng thử việc thỏa thuận lương 8 triệu đồng nhưng trừ ngang dọc đủ kiểu, thực nhận chỉ… 5,3 triệu đồng. Cậu nghỉ luôn, không kịp chào đồng nghiệp một lời.

Tùng nộp hồ sơ thêm một vài nơi nhưng mức lương thấp, toàn 5-7 triệu đồng. Nhìn con số này, Tùng đáp thẳng: "Lương 5 triệu đồng, tôi thà ở nhà chở bạn gái lớn tuổi đi làm".

Chàng trai quê Bình Thuận cho hay, bạn gái lớn hơn cậu 5 tuổi đang là trưởng phòng truyền thông một công ty điện tử. Nhiều năm qua cô di chuyển đi làm, gặp gỡ khách hàng, đi học bằng taxi hoặc xe công nghệ.

Hai năm nay quen nhau, Tùng thường làm "xe ôm" cho bạn gái để vừa có thêm cơ hội gần nhau, vừa tiết kiệm chi phí.

Chi phí đi lại của bạn gái Tùng hàng tháng đã hơn 5-7 triệu đồng. Cô gái cũng đang bàn đến việc sắp tới mua ô tô để bạn trai chủ động trong việc đưa đón, tránh cảnh đội nắng đội mưa.

Đi làm lương quá thấp, Tùng chọn thà rằng ở nhà làm tài xế cho bạn gái rồi có thể làm thêm công việc tự do, còn dư giả thời gian cậu học thêm những thứ mình yêu thích là nấu ăn, học thêm một ngoại ngữ.

Xuân Tùng cho hay, mặt bằng chung lương thấp, chi phí lại đắt đỏ đang tước đi cơ hội theo đuổi ngành nghề được đào tạo của nhiều người, thị trường cũng có thể mất đi nguồn nhân lực có chuyên môn.

Không ít người quen của Tùng, tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm một thời gian nhưng quá mệt mỏi với đồng lương thấp đã chọn học tiếng, đăng ký đi xuất khẩu lao động vài năm kiếm chút vốn.

Cũng không ít người bỏ ngành học làm những công việc khác như bán hàng online, livestream bán hàng, buôn đất cát…

Câu chuyện của Nguyễn Thu Thảo, 25 tuổi ở Bình Dương, tốt nghiệp ngành luật cũng thể hiện điều này. Khi Thảo ra trường đi làm mức lương văn phòng 6 triệu đồng, mẹ cô lắc đầu: "Về ngồi bán dép cho mẹ thôi con ơi".

Lương 5 triệu đồng, nam cử nhân thà ở nhà chở bạn gái lớn tuổi đi làm - 2

Đã có nhiều so sánh về mức lương của cử nhân đại học với một số ngành nghề tự do như bán hủ tiếu, giúp việc nhà... (Ảnh chụp màn hình).

Nghe mẹ nói vậy, mới đầu Thảo phản ứng dữ dội. Sau hơn hai năm đi làm, trầy trật bám trụ ở TPHCM với đồng lương bèo bọt, thiếu trước hụt sau, nợ nần, cô gái bắt đầu thấm lời cha lời mẹ.

Thảo nhìn nhận thực tế, trừ một vài người năng lực nổi trội, có vị trí công việc, còn công việc của cô, tương lai 5-7 năm nữa thu nhập cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng, làm sao dám nghĩ đến việc mua nhà, lập gia đình, nuôi con cái.

Cuối năm 2023, Thảo về với mẹ thúc đẩy hệ thống kinh doanh giày dép của gia đình, cũng đang khó khăn nhưng cô nhìn thấy hiện tại và cả tương lai. 

Cần mức lương hợp lý, bớt chiêu bài "cứ cống hiến"?

Lương cử nhân ra trường thấp là vấn đề đã được đề cập lâu nay. Đã có không ít so sánh lương cử nhân ra trường chục năm không bằng cô bán hủ tiếu vỉa hè, không bằng cô giúp việc…

Trước đây, cử nhân ra trường so sánh lương hay thể hiện mong muốn về lương dễ bị "ném đá" cho rằng ảo tưởng, đòi hỏi, chưa làm gì đã muốn hưởng thụ. Nhưng giờ đây, vấn đề này được nhiều người nhìn nhận cởi mở, đa chiều hơn.

Lương 5 triệu đồng, nam cử nhân thà ở nhà chở bạn gái lớn tuổi đi làm - 3

Không ít cử nhân gác bằng làm công việc tự do xuất phát từ thu nhập (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Nguyễn Mạnh Hà, từng làm quản lý tại nhiều doanh nghiệp ở TPHCM, cho biết trước đây khi tư vấn cho các bạn trẻ, ông thường nói các bạn hãy kiên trì từ đồng lương ban đầu thấp, đồng lương sẽ tăng theo thời gian, năng lực, cống hiến, giá trị của các bạn.

Tuy nhiên, đến nay ông Hà nhìn nhận đó là những bài phát biểu, diễn văn "mẫu" chưa trung thực và thiếu thực tế.

Không phủ nhận giá trị của sự cống hiến, chăm chỉ nhưng ông nhấn mạnh đến lúc cũng cần nhìn vào thực tế lương thấp so với chi tiêu, giá cả đẩy nhiều người vào cảnh khó khăn, khó mà tĩnh tâm làm việc. Có người làm việc cống hiến cả chục năm, đồng lương vẫn bèo bọt.

"Nơi nào trả lương thấp quá, cuộc sống chật vật quá thì các bạn nên mạnh dạn bỏ đừng tiếc nuối, tìm cơ hội, con đường khác", ông Hà nói.

Người này cũng nêu quan điểm, lý lẽ "hãy cứ cống hiến, đừng quá quan trọng tiền bạc" không sai nhưng cũng có thể trở thành "chiêu bài" của không ít ông chủ trong việc vắt sức người lao động, mua chất xám với giá rẻ rúng.

Bên cạnh tầm nhìn tương lai, trước mắt doanh nghiệp nên rõ ràng trả mức lương hợp lý ở ngay thời điểm công việc, năng lực hiện tại của người lao động. Doanh nghiệp trả lương quá thấp thì xác định khó tuyển, khó giữ người làm được việc.

Lương 5 triệu đồng, nam cử nhân thà ở nhà chở bạn gái lớn tuổi đi làm - 4

Sinh viên tham dự ngày hội việc làm tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng, tăng 459.000 đồng (6,9%) so với cùng kỳ 2022.

Kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động được Tổng liên đoàn Lao động công bố năm 2023 cho thấy chỉ khoảng gần 25% người lao động khảo sát cho hay, tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; hơn 75% số người lao động được phỏng vấn, khảo sát khẳng định thu nhập không đủ để đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm