Nữ sinh bằng giỏi đòi lương chục triệu đồng, thực tế "dập" tả tơi
(Dân trí) - Quá trình tìm việc, Trân đòi lương 10-15 triệu đồng nhưng sau khi bị thực tế "dập" cho tả tơi, cô gái sở hữu tấm bằng loại giỏi bắt đầu công việc với mức lương 5,5 triệu đồng.
Lê Thùy Trân, 24 tuổi, tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành về kinh tế tại một trường đại học ở TPHCM. Cô gái hiểu bằng giỏi giờ đây cũng giúp cho hồ sơ mình tròn trĩnh hơn chứ không hẳn là lợi thế hay tạo sự khác biệt khi đi tìm việc. Ngoài thị trường, sinh viên sở hữu bằng giỏi, thậm chí bằng xuất sắc rất nhiều.
Dựa vào đánh giá năng lực bản thân và qua quan sát, thăm dò và tự phán đoán, thời gian đầu đi tìm việc vào đầu năm 2023, Trân đề nghị mức lương từ 10-15 triệu đồng tùy công ty và mô tả công việc.
"Con số này, tôi nghĩ phù hợp với năng lực, bằng cấp của mình và để không bị "hớ" khi deal lương (đàm phán về lương). Đó cũng là con số có thể đáp ứng được nhu cầu chi tiêu sinh hoạt cơ bản…", Trân lý giải.
Quá trình tìm việc thời điểm đó kéo dài hơn 3 tháng, Trân bị thực tế "dập" cho tơi tả vì mức lương đề xuất.
Hầu hết các công ty đưa ra mức lương khởi điểm 5-7 triệu đồng/tháng, thậm chí thấp hơn chỉ 3,5-4 triệu đồng. Có chị phó phòng nhân sự lúc phỏng vấn còn nói thẳng: "Lương em đề xuất cao hơn cả lương chị đi làm gần 10 năm".
Trần bắt đầu nhận ra rằng đời không như mơ, nhất là trước làn sóng sa thải bùng nổ, tình trạng khó kiếm việc làm. Sau thời gian bất lực tìm việc, nữ cử nhân bằng giỏi nhận công việc cô đánh giá là phù hợp nhất thời điểm đó với mức lương ban đầu chỉ 5,5 triệu đồng, sau 6 tháng lên 7 triệu đồng. Đầu năm 2024, Trân chuyển việc với mức lương 8 triệu đồng/tháng.
Theo Trân, giờ lên mạng xã hội, chúng ta rất dễ bắt gặp các hình ảnh "sinh viên ra trường lương ngàn đô", "Gen Z nhận lương hàng chục triệu đồng".
Đặc biệt, với trạng thái ẩn danh có đủ kiểu flex (khoe) lương làm nhiều bạn trẻ đi tìm việc không khỏi hoang mang, thậm chí ảo tưởng về lương khi tìm việc.
Từ trải nghiệm của bản thân, nữ nhân viên ngành kinh doanh bán hàng cho rằng mức lương "ngàn đô" cho người mới ra trường là có nhưng chỉ dành cho số ít với những cá nhân đặc biệt, những ngành nghề đặc thù. Còn phần lớn, kể cả sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi như Trân cũng thường bắt đầu với khởi điểm thấp.
Câu chuyện của Trân cũng là trường hợp nhiều sinh viên ra trường "đụng phải thực tế" khi kiếm việc. Sau một thời gian kỳ vọng mức lương cao, không ít ứng viên đi kiếm việc đã hạ con số xuống để tăng cơ hội tiếp cận việc làm.
"Giữa năm 2023, tôi nhận việc tại một công ty sản xuất bao bì với mức lương 4,8 triệu đồng/tháng. Nói ra không ai tin vì số tiền đó không đủ xoay xở với cuộc sống sinh hoạt cơ bản ở TPHCM nhưng công ty chỉ trả khởi điểm như vậy cho ứng viên thử việc mới ra trường", Nguyễn Trọng Hưng, tốt nghiệp chuyên ngành logistics nói về thực tế của mình.
Sau gần một năm làm việc, hiện mức lương của Hưng là 6,5 triệu đồng và thêm một khoản tiền hiệu suất công việc.
Không chỉ với sinh viên mới ra trường mà giờ đây, không ít người có tuổi đời nghề nghiệp lâu năm hơn cũng chọn hạ kỳ vọng lương để kiếm việc trong những giai đoạn khó khăn.
Sinh viên ra trường lương bao nhiêu?
Tại chương trình ngày hội việc làm mới đây ở TPHCM, bà Hoàng Thị Phúc, chuyên gia đến từ TopCV chia sẻ theo khảo sát từ hơn 1.500 doanh nghiệp và 1.500 lao động tại thị trường TPHCM và Hà Nội năm 2023 cho thấy mức lương của thực tập sinh từ 3-5 triệu đồng, mức lương của nhân viên dưới một năm kinh nghiệm có trung vị thấp từ 6 triệu đồng đến trung vị cao 15 triệu đồng.
Lĩnh vực có mức lương cao nhất với nhân viên dưới một năm kinh nghiệm là IT - phần mềm từ 8-15 triệu đồng, tiếp đến lĩnh vực truyền thông quảng cáo từ 8-12 triệu đồng, kinh doanh bán hàng từ 7-9 triệu đồng. Ở giai đoạn này, lĩnh vực giáo dục đào tạo có mức lương thấp nhất chỉ từ 6-8 triệu đồng.
Tuy nhiên, khảo sát thể hiện khi lên đến vị trí quản lý/trưởng phòng, nhóm ngành/nghề giáo dục và đào tạo lại có mức lương cao nhất khi có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng.
Theo khảo sát công bố vào cuối năm 2023 của Đại học Quốc gia TPHCM với gần1.800 doanh nghiệp, cơ quan nhà nước vùng Đông Nam Bộ cho thấy giai đoạn 2020-2023, doanh nghiệp trả mức lương khởi điểm cho ứng viên trình độ đại học là 5-10 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, khảo sát thể hiện, mức lương khởi điểm trong tuyển dụng ở giai đoạn 2023-2025 từ doanh nghiệp không tăng, vẫn chỉ ở mức 5-10 triệu đồng với trình độ đại học sẽ chiếm đa số.
Về yêu cầu, doanh nghiệp quan tâm và đánh giá nhiều về thái độ của ứng viên hơn là các kỹ năng. Nhà tuyển dụng mong muốn cả 3 yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ của ứng viên đều cần phải tăng lên để mức để đáp ứng yêu cầu thực tế.