Một trường mở thêm 2 ngành được gọi "vua của mọi ngành", cực khát nhân lực
(Dân trí) - Năm 2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) mở thêm hai ngành đào tạo mới đang được gọi là "vua của mọi ngành".
Theo đề án tuyển sinh 2024 vừa công bố, năm nay Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM tuyển hơn 4.000 chỉ tiêu, tăng 10% chỉ tiêu so với năm 2023.
Đặc biệt năm nay, trường này sẽ mở thêm hai ngành "hot" đang được gọi là "vua của mọi ngành" là ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn. Trong năm đầu tiên đào tạo, chỉ tiêu của 3 ngành này lần lượt là 50, 60.
Ngoài ra, trường dự kiến mở thêm hai ngành khác gồm khoa học quản lý và kinh tế đất đai và ngành công nghệ giáo dục đang chờ phê duyệt mở ngành.
Theo mức học phí dự kiến các ngành đào tạo khóa tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, mức học phí sẽ liên tục tăng từng năm theo lộ trình.
Trong đó học phí năm học 2024-2025, các ngành với mức học phí dao động từ 24,7 triệu đồng đến 59,6 triệu đồng/năm học. Mức học phí các ngành đào tạo chương trình chuẩn thấp hơn chương trình tăng cường tiếng Anh, chương trình tiên tiến.
Ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có mức học phí cao nhất 59,6 triệu đồng/năm học.
Chỉ riêng trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM, năm nay ít nhất có 3 trường thành viên mở các ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch bán dẫn gồm Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công nghệ Thông tin.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hiện nay Việt Nam chỉ cung cấp được 20% nhu cầu nhân lực.
Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư.
Được biết giai đoạn 2023-2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Cụ thể, các trường đại học thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đại học Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Tại lễ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế lĩnh vực thiết kế chip giữa Đại học Quốc gia TPHCM và tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) mới đây, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cần giải quyết 5 thách thức quan trọng.
Các thách thức này bao gồm thu hút sinh viên giỏi, phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo mới, đầu tư phòng thí nghiệm và phần mềm, hợp tác giữa các doanh nghiệp và đại học.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân để thu hút được học sinh giỏi quan tâm theo học ngành này, cần có thêm nhiều thông tin về cơ hội việc làm, triển vọng phát triển nghề nghiệp, nhất là cam kết mạnh mẽ từ các doanh nghiệp.
Về đội ngũ giảng viên, ông Quân cũng nêu ra thực tế, hiện các trường đại học hiện có rất ít giảng viên được đào tạo bài bản về công nghệ vi mạch bán dẫn. Các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này thường lựa chọn ở lại nước ngoài, làm việc cho các tập đoàn lớn với mức lương cao.
Ngoài Đại học Quốc gia TPHCM, mùa tuyển sinh năm 2024 có hàng loạt trường đại học mở mới các ngành học liên quan đến lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.