Loạt ngành học có tỷ lệ việc làm thấp tại nhiều trường
(Dân trí) - Bên cạnh những ngành nghề có tỷ lệ ra trường có việc làm cao ngất tại các trường, cũng không ít ngành có tỷ lệ việc làm thấp.
Theo báo cáo về tỷ lệ việc làm thực hiện năm 2023 của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), bên cạnh nhiều ngành có tỷ lệ việc làm trên 90% đến 100%, cũng không ít ngành có tỷ lệ việc làm thấp.
Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi ở ngành kỹ thuật môi trường tỷ lệ thấp nhất với 50%.
Ngành kỹ thuật không gian, ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cùng có tỷ lệ 80%; ngành công nghệ sinh học 88,31% và ngành công nghệ thực phẩm 89,13%.
Khảo sát tỷ lệ việc làm thực hiện năm 2022 của trường này cũng cho thấy ngành kỹ thuật không gian có tỷ lệ việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi là chỉ hơn 62%, ngành tài chính ngân hàng hơn 71%, ngành công nghệ thực phẩm hơn 80%...
Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), theo báo cáo gần nhất, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi thấp nhất ở hai ngành vật lý 87,88% và công nghệ sinh học 87,67%.
Tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM), báo cáo tỷ lệ việc làm gần nhất chỉ ra ngành kỹ thuật máy tính có tỷ lệ việc làm thấp nhất với 91,04%
Khảo sát sinh viên có việc làm năm 2023 của Đại học Kinh tế TPHCM đề cập trong đề án tuyển sinh 2024 thể hiện, có hơn 96% trong tổng số hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Ngành có tỷ lệ việc làm thấp nhất tại Đại học Kinh tế TPHCM là hệ thống thông tin quản lý với 91,14%, luật kinh tế 91,94%.
Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của Trường Đại học Sài Gòn cho thấy hàng loạt ngành nghề của trường có tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên tốt nghiệp đạt 100% như công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử - truyền thông, công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật điện - điện tử, khoa học môi trường, quản trị văn phòng…
Ngành có tỷ lệ việc làm thấp nhất là tài chính ngân hàng với 70,89%, ngôn ngữ Anh với 71,91%, kế toán với hơn 72,54% và kỹ thuật điện tử - truyền thông 72,73%...
Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, báo cáo tình hình việc làm gần nhất được đề cập tại đề án tuyển sinh 2024 cũng chỉ ra nhiều ngành nghề đào tạo của trường có tỷ lệ việc làm từ 98-100%. Tỷ lệ thấp nhất ở ngành quản lý đất đai chỉ với 80%, tiếp đến ngành kinh tế nông nghiệp với 92,31%.
Tại Trường Đại học Thương mại, sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có tỷ lệ việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi cao ngất ngưởng lên đến 98,9%. Ngành có tỷ lệ việc làm thấp nhất là tài chính ngân hàng chất lượng cao chỉ 83,33%, ngành thấp thứ 2 là kiểm toán 94,12%.
Nói về tỷ lệ việc làm theo báo cáo của các trường đại học, một chuyên gia tuyển sinh tại TPHCM chia sẻ, đây chỉ là số liệu để tham khảo, kể cả những ngành nghề có tỷ lệ việc làm tuyệt đối 100% hay những ngày có tỷ lệ khảo sát việc làm thấp.
Người này cho hay, việc khảo sát thường chỉ diễn ra thời điểm nhất định, tỷ lệ có thể chỉ dựa trên số sinh viên có phản hồi, không phản ánh chính xác về nhu cầu thị trường của ngành nghề hay năng lực nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp.
Chưa kể, có thể còn có độ chênh trong quan điểm "thế nào là có việc làm?". Làm đúng ngành nghề nhưng có khi chạy xe ôm, ship hàng, làm thời vụ... cũng được xem là có việc làm.
Ông dẫn giải: "Có ngành rất ít người học, chỉ vài sinh viên tốt nghiệp đều có việc thì tỷ lệ đã là 100%. Nhưng nếu chỉ một sinh viên chưa đi làm thôi, tỷ lệ có thể tụt xuống còn 50-70%".
Điều này có thể thấy rõ qua tỷ lệ việc làm ở ngành thấp nhất khảo sát năm 2023 tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) là kỹ thuật môi trường chỉ với 50%. Theo khảo sát chỉ có 2 sinh viên tốt nghiệp ngành này, trong đó một sinh viên chưa có ý định đi làm.
Hay tại không ít trường, chỉ khảo sát 1-2 sinh viên trong tổng số sinh viên tốt nghiệp tỷ lệ đã là… 100% tính theo số sinh viên phản hồi.
Việc chọn ngành học, các chuyên gia tuyển sinh nhấn mạnh, thí sinh nên quan tâm đến đam mê, năng lực, sở thích, điều kiện gia đình để chọn trường phù hợp.
Đồng thời nghiêm túc trong quá trình học tập, trau dồi kỹ năng cũng như nắm bắt thông tin về nhu cầu thị trường lao động để tăng cơ hội việc làm.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ nay đến năm 2030, một số nhóm ngành cần nhiều nhân lực trình độ đại học có thể kể đến như khoa học máy tính, an toàn thông tin, truyền thông đa phương tiện; công nghệ cơ khí - tự động hóa, điện - điện tử; công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ nông - lâm -ngư; kiến trúc, xây dựng, môi trường, mỹ thuật ứng dụng; kinh tế - thương mại, du lịch và lữ hành, nhà hàng - khách sạn; y, dược, chăm sóc sức khỏe - chăm sóc sắc đẹp; sư phạm giáo dục, tâm lý - xã hội…