Lệnh cấm dạy thêm của Trung Quốc khiến phụ huynh và doanh nghiệp điêu đứng
(Dân trí) - Chính sách mạnh tay của Trung Quốc về việc cấm dạy thêm khiến cho phụ huynh phải đối mặt với học phí gia tăng và nguy cơ hàng triệu người thất nghiệp.
Ở một đất nước mà phụ huynh coi trọng một giáo dục tốt và điểm số quyết định sự nghiệp như Trung Quốc, hàng năm có hàng triệu học sinh tham gia các lớp học thêm.
Kể từ khi chính phủ Trung Quốc đưa ra chính sách mới, chính quyền địa phương đã yêu cầu các công ty tư nhân dừng việc dạy thêm trực tiếp và trực tuyến cho trẻ từ mẫu giáo tới lớp 9.
Chính sách nêu rõ, một trong những mục tiêu chính là giảm thiểu gánh nặng và nỗi lo của các bậc phụ huynh mong muốn con cái có nền giáo dục tốt. Chỉ đạo này tập trung vào 9 năm giáo dục phổ thông trước cấp THPT và kêu gọi việc dạy học thêm trở thành kinh doanh phi lợi nhuận.
Bộ luật mới cũng cấm các doanh nghiệp được tổ chức lớp học vào cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè và nghỉ đông, chỉ cho phép dạy thêm vào các ngày trong tuần với số giờ hạn chế.
Phụ huynh Trung Quốc ráo riết tìm các lựa chọn thay thế
Nếu chính quyền Bắc Kinh cấm việc tổ chức dạy học ngoài giờ, một phụ huynh tên Zhang cho biết cô sẽ cân nhắc việc lập nhóm học nhỏ với các phụ huynh khác để thuê gia sư riêng cho con của họ.
Zhang nói rằng cô sẽ nỗ lực hết sức để đầu tư vào việc cho hai đứa con của mình cạnh tranh được vào hệ thống giáo dục chất lượng cao hiếm hoi tại Trung Quốc. Con gái lớn chuẩn bị học cấp hai vào mùa thu này, thường xuyên dành 3 tiếng một ngày ở các lớp học online và 1-2 tiếng cho gia sư 1-1 hàng tuần.
Zhang chia sẻ, số giờ học này là ít hơn rất nhiều so với các bạn đồng trang lứa ở khu vực gia đình sinh sống. Những học sinh khác phải học cả ngày hoặc ít nhất nửa ngày vào kì nghỉ hè.
Học thêm ngoài giờ có thể rất đắt đỏ nhưng nhiều phụ huynh cảm thấy cần phải cho con theo học để chúng có khả năng được vào một trường đại học danh tiếng.
Luna Cheng đang nuôi một cô con gái 13 tuổi tại trung tâm Thượng Hải. Cô chia sẻ với CNBC rằng đã chi ra khoảng 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng) cho khóa học hè hai tuần của con với 20 học sinh khác, bao gồm 3 tiếng mỗi ngày cho môn Toán.
Một khóa học 5.000 nhân dân tệ chiếm 71% thu nhập khả dụng hàng tháng của người dân ở Thượng Hải, theo số liệu chính thức của năm nay. Mặc dù học phí cao, Cheng cho biết vẫn muốn cho con theo học thêm nhiều lớp nữa, nhưng cô con gái không đồng ý.
"Tôi có chút lo lắng", Cheng nói. Cô con gái của Cheng sẽ bắt đầu học môn Vật lý vào năm tới và Cheng cho rằng 90% bạn học của con gái đã bắt đầu học từ lúc nghỉ hè. Nếu không có học thêm, Cheng lo rằng con mình không thể theo kịp, chứ không nói là học giỏi môn này.
Nỗi sợ như vậy khiến bố mẹ ở Trung Quốc chi nhiều tiền vào việc học thêm và giúp thúc đẩy một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo năm 2020 của Oliver Wyman, thị trường học thêm tại Trung Quốc từ mẫu giáo tới lớp 12 có giá trị khoảng 800 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019.
Theo Claudia Wang - người đứng đầu bộ phận thực hành giáo dục châu Á của Oliver Wyman, chính sách mới có thể gây ra một vài bất lợi trong thời gian ngắn, đặc biệt khi mà nhiều gia đình ít tiền hơn thường gửi con đi học chỉ vì áp lực đồng trang lứa.
Hàng triệu người đứng trước nguy cơ thất nghiệp
Ngành giáo dục đang cung cấp việc làm cho 10 triệu người tại Trung Quốc, theo một báo cáo vào tháng 1/2021 do Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Tập đoàn Giáo dục TAL công bố.
Một nhân viên cấp cao tại Tập đoàn 17 Education & Technology - một công ty cung cấp dịch vụ dạy thêm tại Trung Quốc - chia sẻ với CNBC rằng công ty dự kiến sẽ cắt giảm một nửa nhân sự. Các ông lớn trong ngành giáo dục cũng đang chuẩn bị cho việc cắt giảm 30-70% số lượng nhân viên, tùy theo chính sách của từng địa phương.
Việc cấm dạy thêm vào cuối tuần, kì nghỉ hè và đông ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp, bởi lẽ các lớp học này chiếm hơn 65% giờ học của các công ty dạy thêm. Điều này đồng nghĩa phần lớn nhân viên sẽ không còn cần thiết nữa.
Chính sách này được coi là phát súng khởi đầu cho hàng loạt các chính sách theo sau, nhằm điều chỉnh chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm tại Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng rủi ro đối với việc kinh doanh giáo dục ở cấp THPT là không cao ở thời điểm này.