Trung Quốc: Các cơ sở dạy thêm tăng gánh nặng học tập cho học sinh

Một cố vấn chính sách của Trung Quốc cho biết nước này nên đẩy mạnh cải cách giáo dục, điều chỉnh hơn nữa các cơ sở đào tạo sau giờ học để giảm gánh nặng học tập cho học sinh tiểu học, trung học.

Theo ông Zhu Yongxin - Phó Tổng thư ký Ủy ban quốc gia thứ 13 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc, trong khi các trường học giảm tải cho học sinh thì các cơ sở giáo dục ngoài giờ lại làm tăng gánh nặng cho các em.

Trung Quốc: Các cơ sở dạy thêm tăng gánh nặng học tập cho học sinh - 1

Học sinh Trung Quốc học trực tuyến.

Tháng 8/2018, Văn phòng Hội đồng nhà nước cố gắng giảm bớt khối lượng học tập của học sinh tiểu học và trung học bằng cách ban hành một hướng dẫn điều chỉnh các trường luyện thi.

Hướng dẫn này cấm các trường luyện thi tham gia vào việc đào tạo theo định hướng kỳ thi và không khuyến khích giảng dạy học sinh tài liệu quá nâng cao trong các môn như tiếng Quan thoại, toán và tiếng Anh.

Trong khi các cơ quan quản lý giáo dục có nhiều tiến bộ trong việc áp dụng quy định trên, vẫn còn có sự cạnh tranh gay gắt trong việc đưa học sinh vào trường tốt. Các cơ sở đào tạo sau giờ học thường tổ chức các khóa học theo định hướng thi cử, dẫn đến khối lượng bài tập của học sinh tăng lên.

Hàng ngàn đại biểu quốc hội và cố vấn sẽ tập trung vào đầu tháng 3 tới tại Bắc Kinh để thảo luận các đề xuất xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) nhằm phát triển kinh tế xã hội quốc gia và các mục tiêu dài hạn trong suốt năm 2035.

Theo ông Zhu, trong khi các trường học nên đóng vai trò chính trong việc giáo dục trẻ em, các cơ sở dạy thêm có thể bổ sung điều này bằng cách đào tạo theo cá nhân hóa và đa dạng.

Các cơ sở đào tạo không đạt tiêu chuẩn hoặc không được kiểm định chất lượng nên bị đóng cửa, các cơ sở chất lượng cần có chỗ phát triển hơn.

Là một chuyên gia hàng đầu về giáo dục, ông Zhu cho biết các đề xuất của ông cho 2 kỳ họp năm nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trên và lĩnh vực văn hóa.

"Tôi lo ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính trong dạy học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ giáo viên nam ở các trường này rất thấp vì dạy học không được coi là nghề có địa vị xã hội cao" - ông cho biết.

Ông Zhu cũng tập trung vào việc thúc đẩy phổ cập đọc sách, điều mà ông cho là chìa khóa để giải quyết sự mất cân bằng về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn.

Theo ông Zhu, "nên thúc đẩy công bằng trong giáo dục bằng cách tạo điều kiện cho tất cả học sinh, thành thị hay nông thôn có nhiều cơ hội hơn trong việc đọc sách.

Mọi học sinh, đặc biệt là những học sinh từ khu vực kém phát triển, cần được tiếp cận với mọi loại sách. Bình đẳng trong việc đọc sẽ thúc đẩy công bằng trong giáo dục".

Theo Hải Yến

Giáo dục & Thời đại