Làm gì để khỏi dốt?
(Dân trí) - Sáng nay 14/5, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Tham dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên Giáo TƯ, Bộ GD&ĐT, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thuộc Hội Khuyến học Việt Nam. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan chủ trì hội nghị.
“Yếu hèn là do dốt nát”
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Hồ Chí Minh là hiện thân của sự kết tinh tài trí và đức độ, tinh thần hiếu học và sự thông tuệ sáng tạo của dân tộc Việt Nam.
Không ai giải thích được, tại sao cách đây 130 năm, trên đất Nghệ An lại xuất hiện một thiên tài độc nhất vô nhị Hồ Chí Minh; nhưng mọi người đều thấy rằng, như một quy luật, khi quốc gia lâm nguy, dân tộc đứng trước những thách thức hết sức khó khăn thì Hồ Chí Minh cũng như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ... lại xuất hiện với tư cách là những cứu tinh của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là sinh ra trong thời nước mất nhà tan, ngay từ lúc tuổi còn thanh niên, Người đã sớm đứng trước một câu hỏi: Tại sao dân tộc ta lại phải làm thân nô lệ cho thực dân Pháp. Người đã lên đường sang Pháp, nơi mà Chính phủ ở đây đã đặt ách đô hộ lên cổ người dân Việt. Cái chân lý mà Người đúc kết: Dốt thì dại, dại thì hèn, yếu hèn là do dốt nát, dốt nát thì làm nô lệ.
Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết và những văn kiện khác như Chỉ thị 11-CT/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 52-NQ/TW, Kết luận 49-KL/TW, Quyết định 89/QĐ-TTg, 281/QĐ-TTg và 489/QĐ-TTg, qua đó khẳng định rằng:
- Muốn dân tộc thông thái thì phải xây dựng xã hội học tập;
- Muốn con người thông minh thì phải xây dựng công dân học tập.
GS Dong cho rằng, hội thảo hôm nay căn cứ triết lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” mà Hồ Chí Minh nêu lên, căn cứ vào nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và công dân học tập mà Đảng, Nhà nước chỉ ra chúng ta xoay quanh chủ đề “làm gì để khỏi dốt”; từng con người làm gì, từng nhà làm gì, từng cộng đồng làm gì để mỗi người không dốt nát, nhà nhà không dốt nát, xóm làng không dốt nát.
GS Dong trích dẫn: “Hồ Chí Minh nói “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với hiểu biết của lớp trẻ bây giờ... thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm”.
Từ câu nói này, ta rút ra kết luận, muốn làm việc thì phải học không ngừng, lúc trẻ phải học, khi già cũng phải học. Công việc cứ tiến lên từng ngày, và chúng ta cũng thấy mình dốt từng ngày. Như vậy, suốt đời, lúc nào ta cũng cảm thấy mình dốt, do đó, ta phải học liên tục để khỏi dốt.
“Học suốt đời không có nghĩa là suốt ngày, suốt tháng ta bám vào trường học, mà theo Hồ Chí Minh, ta học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Không học nhân dân là thiếu sót rất lớn” – GS Dong nhấn mạnh.
Kim chỉ nam dẫn đường cho đất nước
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ, thế nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Để thể hiện quyết tâm trong thực hiện xóa mù, ngày 11/6/1946 Bác đã phát động phong trào thi đua, ra lời kêu gọi thi đua ái quốc: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự dốt nát là giặc, xếp thứ hai, trên cả giặc ngoại xâm. Thật vậy, nếu đói thì không đủ sức chống giặc, nếu dốt nát thì lại trở lại kiếp nô lệ. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho đất nước ta vươn lên từ gian khó.
Lời kêu gọi của Bác đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp phát triển đất nước, trong mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật và được toàn dân hưởng ứng, thực hiện.
Hội Khuyến học Việt Nam tự hào đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng đó.
Theo GS Doan, từ khi mới thành lập, Đảng chỉ mới yêu cầu Hội làm tốt việc khuyến khích và hỗ trợ hệ thống giáo dục chính quy, phát triển các loại hình học tập không chính quy đến việc Hội được Đảng giao nhiệm vụ chính trị là xây dựng xã hội học tập từ cơ sở (2005-2010) và đóng vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.
Hội Khuyến học Việt Nam luôn lấy lời dạy của Bác về sự học, học suốt đời, ai cũng phải học, học ở mọi nơi, mọi lúc, học ở thầy, ở bạn, ở trường, ở thực tế, “vợ không biết thì chồng bảo......”, ai không học là lùi...làm phương châm tổ chức và phát triển sự học trong nhân dân, trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Hiện nay mạng lưới (Hội) Khuyến học đã phủ kín 100% xã, phường, các tổ dân phố đều có chi Hội Khuyến học với các hoạt động phong phú, năng động, sáng tạo. Phong trào khuyến học đã phát triển sâu rộng trong toàn quốc, khơi sâu mạch nguồn hiếu học chảy mãi không bao giờ ngừng.
Người lớn học bằng cách nào?
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, phong trào vận động người lớn học tập đạt kết quả là một thành công của Hội Khuyến học Việt Nam. Trao học bổng cho người lớn, ký kết văn bản phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các Bộ, ngành; phát triển tổ chức Hội trong các nhà trường, đặc biệt trong các trường Đại học là những công việc mà Hội Khuyến học đã thực hiện.
Đến nay, tất cả các tổ chức tham gia khuyến học, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập bước đầu đã chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của sự học, đã lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Song người lớn học bằng cách nào? Ai sẽ là người tổ chức cho họ học mới là vấn đề phải quan tâm.
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam quyết tâm tìm cách đưa các trường đại học vào thực hiện phong trào học tập suốt đời, học tập người lớn vì chỉ có trường đại học mới thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Theo GS Doan, do tư tưởng “sính bằng cấp” mà đào tạo đại học có lúc quên nhiệm vụ chính của mình là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà đã chạy theo nhu cầu bằng cấp của nhiều người học, nhất là những cán bộ, công chức nhà nước cần bằng cấp để tiến thân.
Chính vì vậy có một số không ít người bằng cấp nhiều nhưng năng lực kém, lại được đề bạt trong bộ máy các cấp dẫn đến bộ máy ì ạch, cồng kềnh, kém hiệu quả. Sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, phải đi làm thuê bằng lao động cơ bắp, không sử dụng được kiến thức đã học do kiến thức đó quá xa với thực tế.
Việc không thực hiện nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, lý thuyết đi đôi với thực tiễn” đã tạo ra những sản phẩm đào tạo kém chất lượng.
Điều đó dẫn đến lực lượng lao động xã hội trong các lĩnh vực kém về năng lực, về kỹ năng, thậm chí về cả tác phong lao động.
Hệ quả là năng suất lao động của nước ta luôn kém hơn nhiều nước trong khu vực. Kinh tế chậm phát triển và phát triển thiếu bền vững làm cho đất nước tụt hậu ngày càng xa so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Chính vì vậy, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tuyên truyền để các trường đại học hiểu hơn sứ mạng của mình trước lịch sử phát triển đất nước, để các trường dần thấy trách nhiệm lớn lao của mình với đất nước về sản phẩm đào tạo do mình tạo ra trong một thời gian dài chưa đáp ứng yêu cầu.
GS Doan chia sẻ, từ năm 2018, việc tập trung cho xóa mù nghề đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đưa vào chương trình công tác, với quyết tâm cao độ là góp phần để tất cả mọi người từ nông dân cho đến sinh viên, cán bộ, công chức, người lao động ai cũng thấm nhuần tư tưởng phải có nghề, thạo nghề và đi lên làm giàu từ nghề.
"Quyết tâm không để ai bị “mù nghề”, “dốt nghề” là một phương hướng hành động của Hội Khuyến học Việt Nam" - GS Doan nhấn mạnh.
Tự học là yếu tố quyết định
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, Minh triết Hồ Chí Minh ở một khía cạnh giản dị nhất chính là thần trí của Bác, mà căn cốt nằm ở tinh thần hiếu học của Bác và chủ trương của Bác làm sao cho dân tộc ta giữ gìn và phát triển tinh thần hiếu học như là thần trí của dân tộc.
Bác chủ trương “học không bao giờ ngừng” và “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; giáo dục trước hết phải gắn với giữ gìn và trao chuyền giá trị của việc học và cách học. Đúng như tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến: giá trị của việc học và cách học chính là dĩ bất biến, còn việc học cái gì, học ở đâu, lúc nào với ai… chính là ứng vạn biến.
Cách học quan trọng nhất mà Bác đã thực hành xuyên suốt cuộc đời đó chính là tự học, học ở mọi nơi, mọi lúc và đề cao học tập suốt đời.
PGS.TS Tú Anh cho rằng, vấn đề tự học đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị nhân văn, khoa học. Tự học là yếu tố quyết định thành quả học tập kể cả khi học có giáo viên hoặc có người hướng dẫn.
Một lớp học thì phương pháp dạy của người dạy không thể đáp ứng được phương pháp học của tất cả người học, do đó người học phải tự học để thích với phương pháp dạy.
Bên cạnh đó hiện nay với nguồn tài nguyên giáo dục mở khổng lồ và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu và phương pháp học tập khác nhau, tự học sẽ giúp cho việc học thành công hơn lúc nào hết.
Như vậy nhiệm vụ chính yếu của giáo dục chính là tạo điều kiện và bồi dưỡng phương pháp tự học cho người học.
“Một nền giáo dục thành công chính là ở chỗ phục hưng được tinh thần tự tin và cương quyết của dân tộc thông qua thực hành tự học hiệu quả của mỗi người dân sao cho học và làm có thể trở thành một cái đạo để đưa con người và dân tộc đi lên” – PGS.TS Tú Anh nhận định.
Đồng quan điểm, GS Phạm Tất Dong cho biết, Hồ Chí Minh luôn gắn việc học với tu thân, tu dưỡng đạo đức và phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người viết: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”.
Theo Người, chúng ta phải coi siêng học là một phẩm chất đạo đức. Đánh giá cán bộ, theo tôi, người lười học phải xếp vào loại kém đạo đức, bởi vì không bao giờ có cái đạo đức chung chung, mà đạo đức luôn phải thể hiện ở con người lao động vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc, của người thân...
GS Dong cho rằng, Hồ Chí Minh không chỉ là công dân học tập của Việt Nam, mà còn là công dân toàn cầu của thế giới. Vì vậy, để không bao giờ dốt, cần phải học thường xuyên, phải trở thành công dân học tập theo gương Hồ Chí Minh, đồng thời phải làm theo Kết luận 49-KL/TW để mỗi người chúng ta thấy trước những yêu cầu khi đi vào giai đoạn 2021 – 2030 với những nhiệm vụ lớn về xây dựng xã hội học tập.
"Để dân tộc không rơi vào cảnh dốt nát thì phải xây dựng thành công xã hội học tập. Công việc này cần phải rất cụ thể, từng bước xây dựng vững chắc gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng thôn bản, tổ dân phố học tập và đơn vị học tập" - GS Dong nhấn mạnh.
Hồng Hạnh