Học Văn là học làm người

(Dân trí) - “Môn Văn cũng như các môn học khác, giáo viên mang yếu tố quyết định nhưng cũng không thể phủ nhận sự linh hoạt, cảm thụ của bản thân từng em học sinh. Nếu các em chăm chỉ tìm hiểu, say mê thì khi viết bài, các em không lệ thuộc vào văn mẫu”.

Bạn đọc Nguyễn Thị Loan ở thị trấn Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ ý kiến về việc học Văn ở trường phổ thông. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

 
Nói về vấn đề học sinh chán môn Văn, không thể viết nổi một lá đơn thông thường, tôi cho rằng đó chưa hẳn là một “vấn nạn”. Không chỉ ở môn Văn, có lẽ ngay cả môn Tiếng Anh là môn ngoại ngữ hiện đang được rất chú trọng, đổi mới ngay từ bậc tiểu học thì có lẽ có rất nhiều học sinh học xong PTTH cũng không thể nói được một đoạn hội thoại thông dụng.
 
Bản thân tôi trước đây là học sinh chuyên văn nhiều năm, tôi cũng có thể hiểu tương đối sâu sắc về vấn đề dạy và học văn trong nhà trường. Bạn Mỹ Ngà có sự trăn trở về vấn đề "Dạy Văn có phải là dạy các em nói dối" theo tôi cũng không phải là không có lý. Cô giáo có thể chưa tâm huyết để gợi ý cho học sinh một cách cụ thể. Cơ quan tôi có bác làm cùng, là bà nội nuôi cháu từ tấm bé vì bố mẹ cháu ly dị. Cô cho đề bài "Hãy viết về người mẹ của em", cháu đã viết về bà nội của mình đầy xúc động. Khi bác lên kể cho tôi nghe, bác nói "Mình đọc bài văn của cháu mà chảy nước mắt", cô giáo và các bạn trong lớp cũng vì thế mà càng gần gũi và động viên cháu hơn trước.
 
Sách tham khảo văn rất nhiều, khi chúng tôi học cấp ba, nổi tiếng là quyển văn mẫu các bài văn học sinh đạt giải quốc gia do nhà giáo Hà Minh Đức chủ biên. Cái khó của giáo viên dạy Văn là phải đọc rất nhiều, tìm hiểu cặn kẽ các tài liệu liên quan đến bài giảng mới có thể thu hút được học sinh. Tôi nhớ thầy giáo thời trung học, thầy có tài truyền lửa vào tiết dạy, học sinh luôn mong chờ đến tiết của thầy. Thầy động viên chúng tôi không ngừng học hỏi, sáng tạo trong bài giao về nhà, bài kiểm tra trên lớp. Không chỉ dạy chi tiết trong từng bài văn, bài thơ trong sách giáo khoa, thầy có thể vui vẻ trao đổi về một bài văn, bài thơ nào đó trên báo "Văn học và nhà trường" khiến tiết học sôi nổi, trẻ trung, hiếm thấy cảnh học sinh gà gật hay ngủ gục trong giờ học của thầy. Thỉnh thoảng thầy vui vẻ dành mươi phút giữa giờ, kể về những câu chuyện trong cuộc sống khiến học trò cảm thấy thầy thật sự gần gũi và dễ mến. Không chỉ những bạn có năng khiếu về văn, được thầy quan tâm một cách đặc biệt mới yêu mến thầy. Tôi thấy có những bạn học lực khá hoặc bình thường cũng luôn yêu thích mà theo học thêm thầy ngoài giờ chính khóa. Nhận định của nhà giáo Trần Hinh về việc người thầy truyền lửa vào môn Văn là hoàn toàn chính xác. 
 
Môn Văn không phải dạy ta nói dối, các bạn đừng nghĩ rằng học văn để làm gì? Văn chương dạy ta cảm thụ cái đẹp của cuộc sống, tình người, dạy ta sống tốt, sống đẹp. Nếu bạn nghĩ học văn chỉ để cần đủ đạt điểm tốt nghiệp cấp ba thì tôi e rằng, bạn chưa thật sự hòa mình vào cuộc sống. Ví như tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam, bạn có cảm nhận được hơi ấm của sự chia sẻ đồng cảm với người nghèo từ một cậu bé con nhà khá giả không? Bạn đọc "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, bạn có thật sự cảm động khi một kẻ bặm trợn, đầu gấu khi cùng cực đau ốm được người đàn  bà xấu xí bần hàn là Thị Nở mang cho một bát cháo hành? Tôi tin rằng, vẻ đẹp cuộc đời được đánh thức trong văn chương, làm tâm hồn mỗi người trong sáng, hướng thiện.
 

Tôi có những người bạn học chuyên về tự nhiên, hiện các bạn đều thành đạt là kỹ sư, bác sĩ, giảng viên đại học, kế toán chuyên ngành... Khi kết nối với các bạn sau mười mấy năm xa cách trên mạng xã hội, tôi rất ngạc nhiên bởi các bạn đều rất yêu văn thơ, mỗi khi tôi có nhã hứng viết tản văn hoặc làm thơ, các bạn đều sôi nổi hưởng ứng và bình luận. Tôi không có may mắn theo đuổi nghề giáo viên văn là ước mơ ấp ủ suốt thời đi học, nhưng văn chương đã mang lại cho tôi một sức hút khó cưỡng lại. Văn chương mang vẻ đẹp tâm hồn, sự mềm mại lấp lánh của những áng thơ văn, hay sự chân thực phũ phàng được phơi bày trong dòng văn học hiện thực phê phán đều khiến ta suy ngẫm về cách sống, về cuộc đời, để ta sống nhân hậu, yêu thương, tử tế với người thân và cộng đồng. 

 
Nguyễn Thị Loan 

(Thị trấn Đông Anh - Hà Nội)

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!