Bạn đọc viết:

Giá trị của môn Ngữ Văn trong nhà trường

(Dân trí) - Những năm gần đây, tình trạng học sinh không thích học môn Văn ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đây là nỗi băn khoăn của nhiều thầy cô giáo trong khi môn Văn có một giá trị đích thực mà học sinh chưa hiểu được nên còn học với tinh thần gượng ép.

Trong trường học ngoài môn Giáo dục công dân thì Ngữ Văn cũng là môn học rất quan trọng vì là môn học góp phần giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách học sinh. Mỗi bài thơ, bài văn, mỗi tác phẩm văn học trong chương trình học phổ thông là một bài học đạo đức dành cho học sinh (HS). Nếu không học môn Văn thì làm sao thế hệ trẻ ngày nay hiểu được những tấm gương chiến đấu ngoan cường của những chiến sĩ cách mạng, những người đã hy sinh xương máu nhằm giành lại độc lập, tự do để bao thế hệ ngày sau được sống yên vui, hạnh phúc? Nếu không học môn Văn thì làm sao HS hiểu rõ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bậc vĩ nhân tài đức vẹn toàn được cả thế giới kính phục? Học Văn chính là cách học làm người. Môn Văn thật sự là môn học quan trọng giúp cho học sinh học tốt các môn học khác.

 

Tuy nhiên những năm gần đây hiện tượng giáo viên (GV) và cả HS xem nhẹ môn Văn ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều GV cứ cho HS học rập khuôn những bài văn mẫu rồi làm theo vì vậy xảy ra các trường hợp buồn cười là trong lớp học các HS làm bài văn viết nhiều đoạn văn giống nhau. Ai cũng biết văn chương là cảm xúc của mỗi người nên đâu có ai giống ai. Văn mà chép của người khác lấy làm của mình thì người ta gọi là đạo văn. Đạo văn là ăn cắp tri thức, tư tưởng của người khác. Lẽ ra GV chỉ nên cho HS đọc các bài văn mẫu với hình thức tham khảo để giúp các em học hỏi cách hành văn. Sau đó HS tự làm theo cảm xúc của mình. Dù văn không hay nhưng vẫn là thành quả của HS còn hơn là sao chép của người khác.

 

Có một lý do nữa khiến cho HS ngày nay xem nhẹ môn Văn vì các em nghĩ học giỏi môn Văn khó chọn ngành nghề sau này. Đa số các HS thường tập trung học các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa với suy nghĩ rằng học giỏi các môn này dễ thi vào trường đại học để với tương lai xán lạn và dễ có thu nhập cao. Thậm chí nhiều người còn cho rằng thời đại bùng nổ thông tin này thì có thời giờ đâu để đọc truyện, đọc văn.

 

Muốn giỏi văn thì HS phải siêng đọc nhưng HS bây giờ lại rất lười đọc văn thơ. Nhiều em HS bậc học trung học cơ sở khi vào thư viện nhà trường rất hiếm khi mượn các tác phẩm văn học nổi tiếng. Các em chỉ chăm chú vào các loại truyện tranh. Đọc truyện tranh chỉ là hình thức giải trí mà hầu như không có lợi gì cho việc học môn Văn. Đó là chưa muốn nói các loại truyện tranh có nội dung xấu như đấm đá, bạo lực chỉ góp phần làm tổn hại tâm hồn non nớt của HS, dễ gây cho HS sự hung hăng như các nhân vật trong truyện.

 

Môn Văn là một môn học rất quan trọng vì dù sau này HS có theo ngành nghề nào thì khi cần cũng phải biết viết một văn bản mạch lạcc. Nếu một người có trình độ văn hóa cao mà viết văn luộm thuộm, người đọc đọc mãi chẳng hiểu ý họ viết gì thì uy tín của người viết sẽ giảm rõ rệt.

 

Qua những phân tích trên cho thấy rõ ràng môn Văn có một giá trị đích thực trong nhà trường. Vì vậy GV cần giải thích cho HS hiểu giá trị này nhằm làm cho HS yêu thích môn học. Học tốt môn Văn, tâm hồn HS như được nuôi dưỡng bởi một liều thuốc bổ để hoàn thiện nhân cách của mình. Khi đó, HS sẽ biết sống thế nào cho tốt như các nhân vật chính diện và cố gắng tránh xa các thói hư, tật xấu của các nhân vật phản diện trong các tác phẩm văn học.

 

Nguyễn Thanh Dũng

(Giáo viên Trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh  Long An)

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!