Dạy Văn: Điều gì là quan trọng?
(Dân trí) - Vấn đề quan trọng không phải là dạy các em nói dối hay dạy những điều trung thực mà là dạy các em kỹ năng, dạy các em cảm thụ và dạy các em ứng xử linh hoạt với mọi tình huống trong văn học để mỗi ngày thấy yêu bộ môn Văn học nhiều hơn.
Bài văn tả bố của con tôi
Lại bàn về vấn đề “Dạy Văn có phải là dạy các em nói dối'', tôi chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ của bản thân rút ra từ những bài văn của các con tôi.
Vâng, những câu dưới đây trích từ một bài văn viết về bố của con tôi:
''Bố tôi lớn tuổi nhưng tóc không một sợi bạc, thích mặc áo phông màu sắc rực rỡ thay vì áo sơ mi quần tây, thích uống trà thay vì cà phê như những ông bố khác....''.
'' Bố tôi biết nấu cơm, giặt giũ, giúp mọi việc vặt trong nhà cùng mẹ thay vì ngồi xem tivi như những ông bố khác, bố tôi thích đọc báo hơn xem thời sự, thích nói chuyện tiếu lâm hơn nghiêm khắc dạy bảo con cái.....''.
''Bố tôi không có con trai, chỉ có ba “vịt giời” nhưng lại rất yêu thương chị em chúng tôi mặc cho đầy người nói này nói nọ... Bố tôi luôn chia sẻ với tất cả mọi người kể cả với người chẳng tử tế gì với bố tôi cả...".
Tôi đã vừa khóc vừa cười khi đọc bài văn đó và tôi cam đoan với tất cả các bạn là trung thực 100%, đó chính là ông bố của các con tôi chỉ có điều cháu kể quá thực, không hề có cốt truyện, không hề có xung đột và mâu thuẫn chút nào nên có vẻ như chưa có sức thuyết phục người đọc. Nhưng vì nó là câu chuyện thực của gia đình tôi nên tôi thấy cảm động thực sự, song chắc chắn rằng một người hoàn toàn xa lạ sẽ cảm thấy những điều con tôi nói thực sự là hài hước và không hẳn là có thực.
Tôi thích sự sáng tạo từ cái nền tảng của sự chân thực đó. Văn học nếu đưa sự thực 100% sẽ trần trụi và thiếu đi tính thuyết phục, lôi cuốn người đọc người nghe, bởi vậy tính sáng tạo và khả năng tư duy mềm trong văn học là yếu tố không thể bỏ qua.
Chắc chắn bạn học sinh không có bố sẽ không để giấy trắng nếu bạn phát huy được khả năng mềm và sáng tạo trong văn học. Rất có thể trong tâm trí bạn ấy, trong mơ ước của bạn ấy cũng đã từng mơ mình có một ông bố như thế nào, dù hình ảnh là mờ nhạt chưa có thực nhưng cũng có dấu ấn nhất định nào đó khiến bạn ấy mơ ước. Hoặc thể một người chú, bác, anh… thân thiết trong gia đình mà bạn ấy coi như bố vậy....
Vấn đề quan trọng không phải là dạy các em nói dối hay dạy những điều trung thực mà là dạy các em kỹ năng, dạy các em cảm thụ và dạy các em ứng xử linh hoạt với mọi tình huống trong văn học để mỗi ngày thấy yêu bộ môn Văn học nhiều hơn.
Tâm tư của bạn Võ Thị Mỹ Ngà, tôi thực sự rất đồng cảm, nhìn nhận từ một khía cạnh như một “vấn nạn” trong các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Những ngày đầu tiên khi trẻ làm quen với làm văn miêu tả, kể chuyện… thì văn mẫu đã bọc các em trong một thứ vỏ vô hình mà bền chắc khó lòng tự thoát ra ngoài, có chăng thoát được sẽ laị bị đánh giá chưa đạt khiến các em lúng túng, sợ hãi... và rốt cục thì cứ nằm trong vỏ bọc cho an toàn.
Chính vì vậy mới có nhiều chuyện dở khóc dở cười từ những bài văn mẫu được học thuộc nhưng áp dụng nhầm chỗ hoặc không đúng lúc.
Khi con tôi học lớp 4, cháu về quê ngoại, khi mọi người hỏi cháu muốn gì cháu nói chỉ ước được nhìn thấy con lợn thật một lần vì cháu rất yêu lơn.
Trong nhà dễ có tới mấy chục chú lợn đất, lợn sứ, lợn nhựa, lợn thạch cao… đủ màu sắc. Tối về cháu thì thào với mẹ rằng con không thể tin là con lợn thật nó lại bẩn như thế nhưng dù vậy con vẫn rất yêu nó.
Và sau đó cháu đã đem con lợn thật ấy vào bài văn của mình, có điều nó không bẩn mà được tắm rửa sạch sẽ với những sợi lông trắng như cước và cái miệng hồng rực lúc nào cũng sun lại đòi ăn.
Vậy vấn đề ở đây chính là hãy cho các em thoát khỏi vỏ bọc của những bài văn mẫu, hãy cho các em được tự do viết, nghĩ và mô tả bằng cái hiện thực của các em. Thầy cô thay vì khiển trách phê bình hay cho điểm chưa đạt, hãy nghe trước câu chuyện đời thường của các em. Hãy tạo cho các em cảm thấy cái nhẹ ngàng, bay bổng lẫn sự uyển chuyển của môn văn. Khi các em có một bài giảng đầy hứng khởi, khi các em thấy sự hấp dẫn của ngôn từ hình ảnh, thì việc lồng ghép với hiện thực sẽ trở nên dễ dàng.
Văn và đời thường không thể tách rời nhau
Vấn đề đáng bàn ở đây chính là hãy biến những bài văn mẫu thực sự giá trị thay cho những gò ép khuôn mẫu cứng nhắc. Văn mẫu giúp các em biết cách cảm nhận từ việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ, giúp các em thấy cái hay, cái đẹp của những điều tác giả văn mẫu muốn bộc lộ để từ đó khiến các em thấy yêu thích và cảm được ngày càng sâu hơn cái hay cái đẹp của môn văn. Văn mẫu không thể là một cái khuôn có sẵn để cái ép đúc mọi thứ của các em vào đó vì vậy thầy cô và các bậc phụ huynh là những nhân tố quan trọng giúp các em nắm được vấn đề này.
Tôi rất vui khi thời gian gần đây, văn thường có những đề văn mở giúp các em bộc lộ được khả năng viết cũng như khả năng cảm thụ của các em từ những hiện tượng, nhân vật cụ thể trong các tác phẩm hay trong đời sống vào bài viết của mình, và cũng chính từ đó tôi cảm thấy hình như các em thấy có hứng thú hơn khi viết, bàn luận cũng sôi nổi hơn rất nhiều.
Phải chăng đó cũng là một cách giúp các em không thấy nhàm chán hay buồn ngủ trong giờ văn. Tôi thiết nghĩ tại sao chúng ta không đưa mô hình giảng dạy môn văn theo cách đó thậm chí từ bậc tiểu học trở đi.
Văn và đời thường không thể tách rời nhau, bởi vậy bài văn sẽ sáo rỗng khi nội dung tách khỏi đời thường, sẽ không thể có cảm xúc thực khi nhân vật hoàn toàn không có thực. Diễn viên có thể khóc, có thể hóa thân vào nhân vật khi họ hiểu sâu sắc về hình tượng nhân vật đó, và như vậy diễn viên đó sẽ mang dấu ấn trong lòng khán giả. Ca sĩ thể hiện ca khúc cũng vậy, họ khóc khi xúc cảm dâng trào bởi họ hiểu sâu sắc ca khúc của mình, họ đang cống hiến cho ai… Vậy tại sao chúng ta lại muốn các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường lại phải nói không thật cảm xúc và suy nghĩ của mình chỉ vì cái khuôn sáo rỗng kia.
Nếu giáo viên giảng văn hóa thân vào tác phẩm, các em cũng hóa thân vào nhân vật, chúng ta có thể đọc tác phẩm, kể tác phẩm, diễn tác phẩm, thậm chí hát, hò vè, ngâm, ca.... cuốn các em vào tác phẩm chắc chắn các em sẽ không thể buồn ngủ trong giờ văn được.
Tôi muốn kể rất nhiều, đăng rất nhiều những bài văn của các con tôi để bạn đọc tham khảo, bởi tôi day dứt rất nhiều với bộ môn này mỗi khi đọc mỗi bài văn của các con. Chứng kiến sự phát triển của các con từ khi tập làm văn đến khi viết được một bài văn nghị luận, tôi chỉ muốn kết lại một điều văn sẽ không hay nếu không có đời thực trong đó, đời thực theo nhân vật, đời thực gắn với đời sống mỗi thế hệ chúng ta, đời thực gắn với sự phát triển của xã hội… trong đó bao gồm cả tâm sinh lý và nhận thức của các em. Bởi vậy các em không thể nói dối trong văn, hãy dạy các em viết bằng nhận thức và xúc cảm chân thực của chính mình, hãy dạy các em nói thực lòng mình.
Trần Hà Phương
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |