Giáo viên là người quyết định sự trung thực hay giả dối của môn Văn

(Dân trí) - Quan điểm về việc sự trung thực hay giả dối trong dạy môn Văn ảnh hưởng tới học sinh như thế nào được nhà giáo Trần Hinh - giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội phân tích cụ thể dưới đây.

Sau khi đăng bài viết “Dạy văn có phải là dạy các em nói dối” của tác giả Võ Thị Mỹ Ngà, ban Giáo dục báo Dân trí đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Để hiểu rõ hơn quan điểm về sự trung thực hay giả dối trong dạy môn Văn ảnh hưởng tới học sinh như thế nào, nhà giáo Trần Hinh - giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có những phân tích cụ thể.
 
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Đọc bài viết “Dạy văn có phải là dạy các em nói dối” của bạn Võ Thị Mỹ Ngà trên Dân Trí ngày 8/12/2014 khiến tôi giật mình: sao “dạy văn dường như là dạy các em nói dối” nhỉ? Đọc cái tít bài ban đầu tôi cũng thấy hơi nghi ngờ. Nhưng đọc kĩ cả bài thì thấy có những chỗ tác giả có lí.

Những băn khoăn của Mỹ Ngà về việc dạy và học Văn quả là đáng ngại thật. Tuy nhiên, là một giáo viên dạy văn đã gần 40 năm nay, tôi vẫn rất băn khoăn về một số điểm tác giả đã nêu ra trong bài viết. Tôi xin khẳng định ngay rằng, bản chất của môn Văn không phải là “dạy học sinh nói dối”. Giả dối hay trung thực chỉ là do người thầy dạy mà thôi. Vì thế, cần phải nói cho thật rõ ràng. Nếu không chúng ta sẽ gây hoang mang không cần thiết trong dư luận xã hội. Văn chương là môn học làm đẹp tâm hồn con người mà.

 
Nhà giáo Trần Hinh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Nhà giáo Trần Hinh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.
 
Trước tiên, tôi đồng ý với bạn Ngà về tình huống “oái oăm” một học sinh không trả bài của cô giáo “Hãy tả bố em”, vì học sinh đó không có bố. Tôi cho rằng cái đề văn cô giáo ra không hề sai, chỉ là cái cách cô hướng đứa học trò “Thế sao em không nhìn bố của các bạn mà viết?” thì chưa thật đúng thôi. Giá như cô giáo gợi ý cho học trò của mình có thể viết một bài văn tả cảm xúc về hoàn cảnh “không có bố” của mình, và người học hãy dựa vào sự quan sát và trí tưởng tượng để hoàn thành bài viết, thì hay biết mấy. Tôi cho rằng cái đề văn “tả bố” như ở trên quả nhiên trước tiên nó rất cần điểm tựa là “sự thật” (đứa trẻ phải có bố). Nhưng nó cũng không cản trở một đứa học trò nào đó (nếu linh hoạt, sáng tạo và giàu tưởng tượng), dù “không có bố” vẫn làm được một bài văn hay (chứ đừng nên nghĩ là nó nói dối). Môn Văn không giống với một số môn học khác chính là ở chỗ đó. Chính trong bài viết của mình bạn Ngà cũng rất đề cao sự tự do sáng tạo của học sinh trong việc học văn mà?

Mặc dù không giảng dạy ở bậc phổ thông, nhưng tôi biết chương trình Ngữ Văn ở các cấp học hiện nay được sắp xếp, định hướng tăng dần những kĩ năng văn chương. Ở cấp thấp nhất (tiểu học), người ta chú ý nhiều hơn đến việc dạy những gì sơ đẳng nhất (từ ngữ, những câu và thể văn đơn giản); đến cấp 2, học sinh bắt đầu được làm quen với các thể văn khó hơn, cách đọc hiểu một văn bản, cách nhận diện và sử dụng một số thao tác ngôn từ; và đến cấp 3, ngoài những kiến thức đọc hiểu, học sinh còn được trang bị thêm kiến thức phân tích, bình luận, viết một bài văn về các chủ đề cụ thể. Những kĩ năng ở từng cấp học như vậy rõ ràng có tác dụng khác nhau. Một người thầy giáo có đủ kiến thức hẳn sẽ biết cách dạy cho học trò sao cho hay nhất và đúng nhất.

Tôi không đối lập việc “dạy viết văn hay” với việc “viết văn thật”. Bởi lẽ, hai cái này không hề mâu thuẫn với nhau. Vấn đề là cái bài văn cụ thể đó thuộc thể loại nào thôi. Chẳng hạn một bài văn tả (người và cảnh) chắc hẳn rất cần trí tưởng tượng sáng tạo; một bài văn nêu suy nghĩ, cảm xúc (nghị luận xã hội…) thì rất cần sự chân thành; một bài văn nghị luận văn chương lại rất cần những luận điểm rõ ràng, lí lẽ sắc gọn, khúc chiết. Trong văn chương, người ta cũng phân biệt: văn hư cấu và văn nghiên cứu, văn tả thực và văn lãng mạn, tiểu thuyết và bút kí, thơ và văn xuôi... Những bài văn hay có thể là những bài viết “chân thật”, nhưng “viết thật” chưa chắc đã là một bài văn hay. Vậy nên, văn hay, ngoài việc nó được viết ra một cách chân thật, còn phải có được sự bay bổng, tinh tế. Sự “bay bổng, tinh tế” trong một bài văn hay không hề đối lập với với việc “viết văn thật” bao giờ.

Chúng ta cũng không nên suy luận “vì phải viết văn hay nên mới sinh ra vấn nạn văn mẫu”. Tôi phản đối việc việc cung cấp “văn mẫu” cho học sinh, nhưng trong trường hợp những bài văn mẫu hay mà học sinh tham khảo được để giúp cho việc học văn của mình tốt hơn, thì tại sao chúng ta lại cấm đoán nhỉ? Vấn đề ở đây là cần phải tách bạch “tham khảo” với “vận dụng” thôi. Việc học văn của học sinh (dù ở cấp học nào), tôi nghĩ cũng đều có những điểm gần gũi với công việc của một người “nghiên cứu và sáng tạo”. Nghĩa là để có được một “tác phẩm” (bài văn) hay, ngoài “năng khiếu” vốn có của từng người, bản thân người đó cũng phải sự tham khảo và học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu của những người đi trước và cả sự quan sát cuộc sống.

Tôi rất đồng ý với Mỹ Ngà, môn Văn rất cần “trí tưởng tượng và tự do sự sáng tạo”, nhưng trí tưởng tượng và tự do sáng tạo đó cũng phải được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định. Mỗi thể văn đều có quy tắc của riêng mình. Ở chỗ nào thì sự chân thực được tuân thủ, ở chỗ nào thì trí tưởng tượng và sáng tạo được đề cao… tất cả những điều đó người học sinh phải được thầy cô giáo chỉ dẫn cụ thể trong bài học.

Tôi rất ủng hộ ý kiến của bạn Mỹ Ngà, nhưng cũng muốn bày tỏ thêm những suy nghĩ riêng của mình như vậy. Bản chất của môn Văn không bao giờ là sự “dối trá”, mà nó là sự trung thực. Giả dối hay trung thực chỉ là do người thầy dạy mà thôi.

Nhà giáo Trần Hinh
Giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm