Đâu rồi những giáo viên dạy Văn tâm huyết?

(Dân trí) - “Tôi cho là, những giáo viên dạy Văn tâm huyết một đời với nghiệp dạy Văn giờ không còn nhiều nữa, nếu ta không mau chóng tạo nguồn, không có cuộc chuyển giao thế hệ, tôi e việc dạy Văn tới đây sẽ là một… bi kịch của thời đại”.

Tiếp theo những trao đổi của các giáo viên dạy Văn quanh việc dạy môn Văn ở trường phổ thông, thầy Nguyễn Văn Nhượng, giáo viên dạy Văn cấp 2 ở Giao Thủy (Nam Định), gửi đến ban Giáo dục báo Dân trí những chia sẻ tâm huyết của mình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

 

“Người khoa văn chân thành lắm

Người yêu văn nhân hậu nhiều

Cha mẹ dạy con mai lớn

Chọn người khoa ấy… Mà yêu…”

 

Tôi còn nhớ khi học Sư phạm được đọc khổ thơ trên của Nguyễn Thị Việt Nga (cũng là cô giáo dạy văn) thì trong lòng luôn dâng lên niềm tự hào và tin yêu; luôn vững tâm vào con đường mình đã chọn, đó là dạy Văn. Trải nghiệm qua bao năm tháng đứng trên bục giảng, được tiếp xúc với học trò, tôi thấy tâm hồn mình như tươi trẻ ra, và mỗi ngày trôi qua, tôi thấy cuộc đời thật đáng yêu, mỗi trang văn trang thơ như lại “mới ra” mỗi khi mình khám phá, ngộ ra được các tầng bậc, ý nghĩa nhân văn, nhân bản của chúng. Nhưng niềm hạnh phúc ấy lâu ngày, có lúc như bị bào mòn, và mỗi khi cảm thấy như thế, tôi phải tự “xốc” lại tinh thần cho mình, để tránh những thiệt thòi cho người khác.

 

Đó là về bản thân, còn xung quanh tôi, chứng kiến những giờ giảng văn của đồng nghiệp, không phải không có những giờ thực sự đúng là văn, còn nhìn chung, tôi thấy cách dạy, cách học, cách ra đề chấm thi… hiện nay quá giáo điều, rệu rã, vô hồn.

 

Phải chăng đã hết thời “Thầy đau nỗi niềm dâu bể / Trò day dứt cùng thế nhân”?

 

Thực tế cho thấy những thầy giáo dạy văn khả kính, tâm huyết một đời với nghiệp dạy văn, tôi cho là không còn nhiều nữa, nếu ta không mau chóng tạo nguồn, không có cuộc chuyển giao thế hệ, tôi e việc dạy văn tới đây sẽ là một... bi kịch của thời đại.

 

Xin tản mạn từ bậc học phổ thông, tôi thấy bao chuyện lôi thôi. Cứ tưởng có chương trình sách giáo khoa mới, có đổi mới phương pháp giáo dục… là sẽ có tất cả nhưng thực tế lại không như mong muốn bởi sự chuẩn bị về yếu tố con người -  người thầy (có tính chất quyết định) thì ta chưa làm được, thành ra cứ hết hội thảo này đến hội thảo khác, dạy Văn vẫn luôn là đề tài “nóng” được nói hoài, nói mãi, chán rồi thì lại thôi… Những bài văn thỉnh thoảng xuất hiện, được coi là thành quả của đổi mới, những bài văn “lạ” được đăng tải trên các tạp chí, trang mạng… được coi như là của hiếm, đem ra trưng bày, hô hào bàn tán, người ta cứ thấy mà mừng vui, reo hò như bình minh của đổi mới dạy học Văn đang lên vậy. Nhưng tôi cứ tự hỏi: Tại sao đổi mới nghe hoành tráng, lại chỉ tạo ra ngần ấy đề văn và bài văn có tính sáng tạo? Lối mòn nào, thực trạng nào, đang che chắn, làm nghẽn lối việc đổi mới, sáng tạo trong dạy học Văn? Làm cách nào để trả lại cho môn Văn những chức năng, bản chất đa nghĩa đặc thù vốn có của nó? Câu hỏi như đang thách thức cả giới nghiên cứu phương pháp lẫn người dạy Văn ở mọi cấp bậc.

 

Ở phổ thông hiện nay, số học sinh không thích học môn Văn thật là thê thảm, mà đã không thích, không yêu, không đam mê, thử hỏi làm sao có được năng lực cảm thụ văn chương, làm sao không chệch hướng thẩm mỹ, làm sao không chệch hướng nhân sinh…

 

Các em học sinh chán học Văn, tôi không trách, bởi cũng có nhiều nguyên nhân khách quan bên ngoài tác động. Là người dạy Văn các em, tôi thường trách chính mình và đồng nghiệp của mình, đã không hoặc không thể/không bao giờ, tạo được ấn tượng, dư ba; không tạo được hứng thú để hấp dẫn, cuốn hút học trò vào bài giảng. Điều này đều do những nguyên nhân chủ quan từ phía người thầy.

 

Tôi cho những yếu tố ngoài bài dạy như lối sống, cách hành xử... đối với giáo viên nói chung và giáo viên dạy Văn nói riêng, là rất quan trọng. Chúng tác động không nhỏ đến ấn tượng, tâm thế tiếp nhận của học sinh với tác phẩm văn học, nó ảnh hưởng lâu dài đến nhân sinh quan của học sinh sau này khi các em bước ra cuộc đời.

 

Bây giờ tôi thấy xuất hiện nhiều thầy cô không “xứng tâm và tài” với dạy văn chương, thiếu mẫu mực, tế nhị trong đi đứng, nói năng, ứng xử với học trò, thành ra hình ảnh một người thầy dạy Văn không để lại dấu ấn gì, chỉ nhạt nhòa như một người “bảo học” hơn là dạy Văn theo đúng nghĩa, dạy cái đẹp. Xưng hô với học trò thì “mày, tao”, gọi học sinh thì thậm chí “thằng kia”, “con kia” đặc giọng chợ búa (tất nhiên không phải ai cũng vậy), đi đứng nói năng thì cục cằn, thô thiển… Vì vậy, ngay từ cái nhìn đầu tiên của học trò với thầy cô đã bị triệt tiêu trong mắt nhau rồi. Xin đừng coi thường học trò, các em rất tinh tế, chúng nhận ra hết, các em so sánh được hết, chỉ có điều giáo viên có được nghe, có muốn nghe hay không mà thôi.

 

Dạy học là cả một nghệ thuật, dạy học văn là một siêu nghệ thuật, từ nguyên mẫu người thầy trong lối sống hàng ngày đến bài giảng trên lớp phải tạo ra ít độ chênh nhất để học trò còn chút niềm tin vào những điều thầy dạy răn, đó là điều tôi luôn tự nhắc nhở, điều chỉnh mình. Khi bàn về đổi mới toàn diện giáo dục có ý kiến cho rằng hãy bắt đầu biết trung thực từ những viên gạch xây trường mà đi, tôi thấy thực là chí lý.

 

Nguyễn Văn Nhượng

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm