Cô giáo dạy Văn tâm huyết của tôi
(Dân trí) - Tôi may mắn vì lúc học lớp 6, lớp 7 (hệ 10 năm) cách đây vừa 40 năm được học văn của một cô giáo tâm huyết với nghề. Mới đây, đọc trên báo <i>Dân trí</i> có bài: "Đâu rồi những những giáo viên dạy Văn tâm huyết", tôi thấy rất đồng cảm với tâm trạng của nhà giáo Trần Văn Nhượng ở Nam Định.
Cô giáo dạy Văn của chúng tôi ngày ấy trẻ lắm, chỉ tầm ngoài 20 tuổi, mới giảng dạy vài năm thì trở thành chủ nhiệm của lớp tôi, nhưng cô rất yêu nghề, yêu văn học và rất yêu thương học trò. Giờ đây, đầu đã hai thứ tóc nhưng tôi (và có lẽ tất cả các lứa học trò của cô) đều nhớ như in từng giờ giảng văn của cô năm ấy. Lớp chúng tôi đứa nào cũng mong đến giờ Văn để được nhìn thấy cô vui tươi, xinh đẹp và trang phục chỉn chu bước vào lớp, để lại được nghe cô đọc một câu thơ, hay một câu ca dao phù hợp với chủ đề hôm đó - cô dẫn chúng tôi vào các bài giảng như vậy đó! Giọng cô ấm áp, truyền cảm làm cho chúng tôi không chỉ cảm nhận được cái hay, cái đẹp, lãng mạn của văn học mà còn chỉ dạy cái lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi biết sống đúng, sống đẹp qua những mỹ từ, những vần thơ hay những câu ca dao tục ngữ trong dân gian.
Cô giảng ngữ pháp là tôi thích nhất vì khi đó cô tôi lại giống như một giáo viên dạy toán, cô viết một câu văn lên trên bảng rồi cô vẽ sơ đồ nào là những ngoặc, những móc đơn, những gạch liền, những gạch đứt để dạy chúng tôi cách phân tích thành phần của câu văn một cách chi tiết đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ, đâu là trạng từ, phó từ, quan hệ từ, động từ, tính từ. Tôi vẫn còn nhớ mãi lời cô dặn rất vui và hài hước: "Các em phân tích câu đến tận cùng như chẻ sợi tóc làm tư" thì mới thấy được hết cái hay, cái đẹp và cái tính logic của Tiếng Việt. Cô tôi viết chữ đẹp lắm nhé, cô rất nghiêm khắc khi chấm bài của chúng tôi, Văn hay nhưng dù viết cẩu thả là cô trừ điểm rất nặng, cô thường nói "nét chữ, nết người". Có lẽ nhờ vậy mà tôi có thói quen viết cẩn thận ngay cả khi viết văn bản nháp, khi còn bận bịu làm việc nhưng tôi không viết ẩu bao giờ!
Giờ đây đã ngoài 50 tuổi nhưng khi viết về cô giáo tôi vẫn thấy như hiện ra trước mắt cái bảng đen của lớp 7A Trường cấp 2 Nguyễn Du năm học 1974-1975 với hàng chữ nắn nót, nghiêng nghiêng bay bướm của cô tôi viết trên bảng đưa lớp tôi vào một giờ
giảng văn về chủ đề tôn trọng mình và người khác:
"Nói lời thì giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay".
Cảm ơn cô giáo dạy Văn của chúng tôi ngày ấy. Qua vài dòng cảm xúc này, với tâm nguyện của một phụ huynh đang có con em của mình ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi rất mong và tin tưởng ngành giáo dục nước nhà vẫn còn những giáo viên dạy Văn tâm huyết với nghề như cô giáo tôi ngày xưa. Các thầy, các cô không những dạy kiến thức mà còn thổi vào tâm hồn các thế hệ học sinh (chủ nhân tương lai của đất nước) biết cảm thụ văn học sâu sắc từ trái tim, biết yêu thương, chia sẻ, biết trân trọng thiên nhiên, biết yêu, tôn trọng lẽ phải.
Xã hội ngày càng văn minh, càng phát triển thì càng cần lắm những bạn trẻ biết sống “nhân văn”.
Minh Hòa
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |