“Học sinh hư, đáp án là bố mẹ”
(Dân trí) - “Không có gì có thể che mắt được con trẻ. Bố mẹ tự “gồng mình” lên để chứng tỏ cho con cái rằng, bố mẹ nó hoàn toàn là người có đạo đức, là bậc đáng kính nể để con cái phải theo, lại càng nguy hiểm hơn…”.
Trao đổi với PV Dân trí về tình trạng một bộ phận học sinh ngày càng hư, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam đã khẳng định: “Học sinh hư… Đáp án là bố mẹ”.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú.
Trẻ phạm tội là do giáo dục gia đình buông thả!
Đã có rất nhiều hội thảo, nhiều nghiên cứu đưa ra giải pháp ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức của học sinh nhưng tình trạng học sinh, sinh viên phạm tội ngày càng gia tăng. Theo GS nguyên nhân chính do đâu?
Môi trường giáo dục (MTGD) nói chung, môi trường giáo dục gia đình nói riêng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục - đào tạo ở các bậc học, cấp học.
Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng các em, nơi rất quan trọng có vai trò như một phễu lọc, chọn lọc, đào thải thông tin, cung cấp các thông tin chuẩn mực về thế giới bên ngoài đến với trẻ, giúp cho trẻ định hướng được suy nghĩ và hành động của mình.
Nhưng thời nay, có lẽ mọi người đã quá mải mê vào các công việc làm ăn, mưu toan kiếm sống hàng ngày trong nền kinh tế đầy biến động theo quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường nên đã “yên tâm” giao phó con em mình cho các nhà trường, giao phó con mình cho những người làm thuê, giúp việc.
Khảo sát điều tra hơn 1000 gia đình có con đang theo học Tiểu học và Trung học cơ sở ở tỉnh Cần Thơ, kết quả khảo sát điều tra đã cho thấy có tới 25,5% ( tức là chiếm tới 1 /4 người được hỏi) các bậc cha mẹ thừa nhận là đã khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường. Thả nổi trong việc chăm sóc giáo dục con, đến khi con cái mắc khuyết điểm, phạm tội, gia đình lại mắc vào tội nữa là che dấu khuyết điểm, lỗi lầm của con. Nhiều bậc cha mẹ đã không dám nói thật khuyết điểm của con em mình với nhà trường.
Khảo sát một số em là vị thành niêm vi phạm pháp luật mới đây, chính các em cũng cho biết “sống trong gia đình, em cảm thấy rất buồn chán” (chiếm tỷ lệ 29,6% số các em được hỏi), và cũng chính các em khẳng định “bố mẹ đã nuông chiều con cái”, với tỷ lệ khẳng định chiếm quá nửa người được hỏi (52,8%). Một số em khác cũng cho biết, bố mẹ đã không coi trọng các em, thường bỏ qua các ý kiến tham gia đề xuất của các em, đe nẹt, ép buộc các em phải làm thế này, thế nọ. Kết cục là các em đã buồn chán trốn khỏi nhà, đến ở nhà một người bạn khác và cuối cùng, bị bạn rủ rê, cùng nhau vi phạm pháp luật.
Chúng tôi cũng đã tận mắt chứng kiến, một cậu con trai của một gia đình trí thức (bố là cán bộ giảng dạy đại học, mẹ là giáo viên một trường trung cấp). Cậu con trai cả trong nhà, được mọi người xem là ngoan, học giỏi, đã từng được đi thi học sinh giỏi cấp thành phố, thi đỗ vào đại học Bách Khoa, nhưng khi vào Đại học rồi thì mải chơi, đua đòi, nợ nần, học đuối sức dần, rồi nợ thi, bỏ thi, và cuối cùng phải tự thôi học vì không thể theo học tiếp tục được nữa. Có thể còn có lỗi của cả nhà trường, lỗi của cả xã hội nữa, nhưng có điều chắc chắn khẳng định là cậu con trai này đã được bố mẹ nuông chiều, không có được các hiệu quả giáo dục chắc chắn từ phía gia đình, một hành trang để đi vào đời giúp mình tự bươn chải trong điều kiện phải sống độc lập.
Và còn nhiều sự kiện đau lòng nữa đã là hậu quả của một nền giáo dục gia đình buông thả, không đến nơi đến chốn. Rõ ràng là môi trường giáo dục gia đình đã ảnh hưởng ghê gớm đến chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các bậc học, cấp học.
GS nói môi trường giáo dục gia đình đã ảnh hưởng ghê gớm đến chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các bậc học, cấp học. Xin GS nói rõ hơn điều này?
Gia đình là nơi trực tiếp giám sát và quản lý trẻ và cùng với nhà trường thực hiện các nội dung giáo dục đối với trẻ, giúp cho trẻ có những định hướng giá trị đúng trong cuộc sống. Thực tiễn cũng đã xác nhận, không có cơ quan, tổ chức nào, nơi nào thực hiện giám sát và quản lý trẻ tốt hơn bằng chính gia đình của các em.
Gia đình cũng là nơi chủ động thực hiện sự phối hợp tốt nhất với nhà trường trong việc kiểm nghiệm trên thực tiễn hiệu quả của các tác động giáo dục đối với trẻ. Các bằng chứng ở tất cả các cấp học, từ phổ thông đến đại học đã xác nhận điều này.
Tình trạng học sinh đánh nhau ngày càng gia tăng.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú: “Nếu các gia đình nghèo nàn về tri thức, xem nhẹ việc trực tiếp giáo dục con cái, hoặc không đủ khả năng quản lý, giáo dục con mình một cách chặt chẽ thì đây chính là một thảm họa khó lường”. |
Theo GS để giáo dục con tốt, bố mẹ phải làm những gì?
Để giáo dục con, bố mẹ phải mất thì giờ và phải vất vả. Hàng ngày phải để mắt đến con, nhận diện các nhu cầu và sở thích của con. Phải bỏ thời gian theo dõi, quan sát con. Phải biết chơi cùng với con. Phải biết nói chuyện tâm tình với con và phải làm thế nào đó để con mình tin tưởng, có nhu cầu nói chuyện tâm tình với bố mẹ. Phải biết uốn nắn từng li, từng tý các nhu cầu mới nảy sinh để hướng các con mình vào các đòi hỏi hợp lý, chính đáng.
Bố mẹ không được nuông chiều con. Hiểu được tính cách của con người được hình thành qua hoạt động, vì thế bố mẹ không được ỷ lại, giao phó hoàn toàn con cho nhà trường hoặc cho người khác mà phải biết tạo điều kiện cho con thông qua vui chơi, hoạt động ngay trong gia đình, trong chính ngôi nhà của mình để hình thành được các nét tính cách và phẩm chất tốt đẹp cho con, chuẩn bị hành trang cho con vào đời sau này.
Con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ và những người thân trong gia đình để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử… Những nét tính cách thật thà, dũng cảm, cần cù, chịu khó, yêu lao động, ngăn nắp, kỷ luật, biết quan tâm đến người khác, không nói tục chửi bậy… được các em học tập ngay từ chính những người thân trong gia đình, mà trước hết là từ bố mẹ của mình.
Tuy nhiên, thưa GS, do áp lực của cuộc sống nên nhiều khi khó tránh khỏi những mâu thuẫn dẫn đến to tiếng giữa bố mẹ, giữa ông bà và quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm…? Ý kiến của GS về vấn đề này thế nào?
Muốn giáo dục con cái, bố mẹ phải biết chăm lo để mắt tới mọi việc, từ việc xây dựng các mối quan hệ trong gia đình sao cho thật chuẩn mực. Chẳng may, đã có lần nào đó bố mẹ to tiếng với nhau, để con nghe thấy, hậu quả tác hại để lại cho con về sau vô cùng lớn, khó mà đong đếm. Những người trong gia đình đối xử với nhau giả dối, thủ đoạn, độc ác… đập vào mắt con cái đã tự nhiên xóa bỏ đi tất cả những nét tính cách tốt đẹp đã được hình thành trước đó ở trẻ, nếu trẻ còn quá non nớt, chưa đủ nội lực và trí tuệ để tạo ra các “phin” lọc… Các bậc bố mẹ cần chú ý không được tạo ra sự xung đột ngay trong gia đình mình.
Những thành công trong việc giáo dục con cái thành tài, “nên người” đã khẳng định vai trò của các tấm gương trong sáng lành mạnh mà trẻ đã tự học được bài học đầu tiên ngay từ trong ngôi nhà của mình.
Như vậy, phải chăng các bậc bố mẹ luôn phải tự “gồng mình” lên để cho con cái thừa nhận, tin tưởng rằng chính bố mẹ, chính gia đình là điểm tựa cho các suy nghĩ và hành động của con?
Làm thế có thể đúng ở một thời điểm, nhưng về lâu dài thì không ổn. Vấn đề là phải “thực chất” của nó. Không có gì có thể che mắt được con trẻ. Bố mẹ tự “ gồng mình” lên, để chứng tỏ cho con cái, rằng bố mẹ nó hoàn toàn là người có đạo đức, là bậc đáng kính nể để con cái phải theo, lại càng nguy hiểm hơn. Để con cái tự thừa nhận, tin tưởng rằng chính bố mẹ, chính gia đình là điểm tựa cho các suy nghĩ và hành động của con trước những thời điểm con cái gặp khó khăn - là điều vô cùng khó. Vào tuổi của con, bố mẹ tựa như một tấm gương treo trên cao, tấm gương thực sự trong sáng không hề giả dối để các con phải tự vươn lên, soi mình vào đó. Như thế, chính bố mẹ cũng phải biết tự giáo dục mình, phải biết vượt qua chính mình để có được trong con mắt con cái của mình là mình (bố mẹ của nó) hoàn toàn là người thực sự có đạo đức, đáng kính, gương mẫu, trong sáng… và con hoàn toàn có thể tin tưởng, có thể gửi gắm tất cả các suy nghĩ, các ước vọng riêng tư và có thể yên tâm tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng cho mình.
Hạnh phúc của bố mẹ, của cả gia đình cũng chính là sự trưởng thành, hạnh phúc trong cuộc đời của con cái. “Con hơn cha là nhà có phúc”, đấy là niềm tự hào, hạnh phúc của cả gia đình, dòng họ.
Đây là bài toán trở lại cho các bậc bố mẹ. Ai không tự giải được bài toán này thì đừng bao giờ hy vọng sự thành công ở con cái mình (và đấy cũng là thành công của chính mình - các bậc cha mẹ) trong cuộc đời. Và, học sinh hư… đáp án là bố mẹ.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Hồng Hạnh (thực hiện)