“Tôi nhắc nhở hoài, sao con vẫn không nghe?”
(Dân trí) - Đó là thắc mắc của không ít bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con. Dù rằng cha mẹ luôn dặn dò, nhắc nhở trẻ phải làm thế này, thế kia mới đúng nhưng tại sao trẻ vẫn “phớt lờ”?
Một lý do ở đây là nếu phụ huynh không gương mẫu làm đúng như những gì họ dạy bảo con trẻ thì trẻ không “tâm phục khẩu phục” mà làm những điều phụ huynh răn trẻ. Bản thân phụ huynh phải là hình ảnh mẫu mực, là tấm gương để trẻ nhìn vào đó mà tự động làm theo. Điều đó cũng có nghĩa là, trong việc người lớn dạy bảo con trẻ, lời nói phải luôn luôn đi đôi với việc làm. Ví dụ bố mẹ dạy con phải giữ gìn vệ sinh chung nhưng ra đường bố mẹ vứt rác, khạc nhổ bừa bãi… thì lời dạy của bố mẹ sẽ không thuyết phục với con. Bố mẹ dạy con phải nói năng nhẹ nhàng, nhưng có khi nóng giận, bố mẹ lại nặng lời với nhau hoặc với con thì sau này, lời dạy của bố mẹ cũng khó được trẻ coi trọng.
“Cha mẹ muốn dạy dỗ được con cái làm được những điều hay, việc tốt thì lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau, theo ý kiến của riêng tôi thì con trẻ thường theo gương sống của cha của mẹ hơn là nghe lời giáo huấn sáo rỗng của cha mẹ chúng. Nói nôm na thì con trẻ là bản copy của cha mẹ chúng. Có nhiều phụ huynh cứ mở miệng ra toàn là lời hay ý đẹp nhưng bản thân thì sống không ra gì thì làm sao mà con cái họ có được một cuộc sống mà họ tưởng tượng được?” - chia sẻ của bạn đọc Minh Quân, email: minhquan72@live.com
Nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweitzer (1875 - 1965, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1952) từng viết: "Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương". Ở đây, người lớn trong gia đình là các bậc phụ huynh (ông bà, bố mẹ, anh chị…), người lớn ở bên ngoài gia đình là thầy cô giáo, hàng xóm, người quen… Trẻ em sinh ra và lớn lên, những người mà các em tiếp xúc trước tiên và kề cận hơn cả là phụ huynh. Do vậy, hơn ai hết, ông bà, bố mẹ, anh chị… phải là người chủ động dạy trẻ qua việc làm gương cho trẻ.
“Mỗi gia đình chỉ có 1-2 con mà còn không giáo dục được thì còn đợi ai nữa đây? Chính bản thân các ông bố, bà mẹ sẽ nhận lại kết quả của sự dạy dỗ chỉ bảo con cái của mình đầu tiên đây các bạn ạ. Nhiều phụ huynh liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con mình đang học bậc THPT rằng: chúng tôi không thể dạy bảo được con, đành buông xuôi vậy. Xin nhờ hết ở thầy cô. Lại có vị thông báo: Cô ơi, cháu nó bỏ nhà đi từ tối hôm qua rồi, bất đồng với bố đấy. Tôi đã đưa tiền cho cháu để nó sống tạm bên ngoài. Là giáo viên chủ nhiệm, hàng ngày tôi được nghe rất rất nhiều những câu chuyện tương tự như vậy từ phụ huynh”. - Bạn đọc: Bui Thi Luong My, email: Mycuonghb@gmail.com |
Làm gương cho trẻ đòi hỏi sự nhất quán giữa các thành viên trong gia đình. Người bố và mẹ phải thống nhất quan điểm trong cách nuôi dạy con, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nếu bố và mẹ không thống nhất trong việc này thì trẻ sẽ bối rối không biết nghe theo bố hay mẹ, và như vậy, trẻ có xu hướng nghe theo người “có ảnh hưởng hơn”.
Với những gia đình mà trẻ sống chung với nhiều thế hệ, thì việc đi đến thống nhất quan điểm trong cách nuôi dạy con trẻ phức tạp hơn vì đòi hỏi phải có sự bàn bạc (để đi đến thống nhất) giữa nhiều thế hệ thành viên trong gia đình (ông bà, bố mẹ…).
Là người thân cận với trẻ, phụ huynh phải làm gương để trẻ soi vào, chứ không phải là trông chờ những người khác bên ngoài gia đình làm việc đó. Nhà giáo dục người Mỹ Stephen R. Covey (1932 - 2012), được tạp chí Time bầu chọn là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất năm 1996) nhận định: “Nếu chúng ta không dạy con em chúng ta, xã hội sẽ làm điều đó. Và con em chúng ta - và chính chúng ta - sẽ lãnh hậu quả”.
Nhiều người chia sẻ rằng, khi có con, họ như lớn lên một lần nữa vì lại bắt đầu học những điều nhỏ nhặt nhất cùng với con. Điều đó có lẽ không sai, bởi lẽ để đạt hiệu quả trong việc dạy con trẻ thì con đường quan trọng là bố mẹ làm gương cho con.
“Muốn thế hệ trẻ tốt hơn, mỗi người lớn chúng ta không những chỉ làm gương cho con minh mà phải làm gương cho mọi đứa trẻ khác. Có như vậy thế hệ trẻ mới phát triển toàn diện mà tương lai của đất nước mới tốt đẹp được.” - Bạn đọc: Bùi Văn Đĩnh, email: buianhdinh48@gmail.com |
Thu Minh