Trẻ vị thành niên phạm tội do ảnh hưởng của gia đình

Số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình…

Trước thực trạng trẻ vị thành niên phạm tội trộm cắp, cướp giật đang ở mức báo động, Viện Tâm lý học vừa có công trình nghiên cứu dưới góc độ khoa học tâm lý nhằm mổ xẻ nguyên nhân trẻ phạm pháp. Các phân tích của công trình nghiên cứu này cho thấy nguyên nhân trẻ vị thành niên phạm pháp do ảnh hưởng của gia đình chiếm một tỉ lệ không nhỏ.

Cha mẹ làm sai, con làm theo

Người xưa thường cho rằng muốn con cái trở thành thương nhân thì nên ở gần chợ, muốn con hay chữ thì ở gần trường học, còn nếu gần trộm, gần cướp thì sớm hay muộn cũng vào tù ra khám. “Gần mực đen, gần đèn thì rạng”, câu tục ngữ mang tính giáo dục đến nay vẫn hoàn toàn đúng.

Theo số liệu thống kê tội phạm học, trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%, 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Có trường hợp bố mẹ trực tiếp đẩy con ra đường, xúi giục chúng làm những điều bất chính khiến trẻ bỏ nhà đi hoang, sống bụi, trộm cắp. Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội, tỉ lệ người chưa thành niên có hành vi trộm cắp tài sản đồng phạm với bố mẹ là 5%.

Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức và thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau, đánh bạc, nghiện rượu, nghiện ma túy, buôn lậu, trộm cắp, tham ô... , các em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp. Chỉ có những trẻ có ý chí kiên cường, có lòng tự trọng cao, sớm có khả năng đánh giá đúng, sai mới tránh được những ảnh hưởng xấu đó.

Con hư do thiếu tình cảm cha mẹ

Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức và trình độ hiểu biết nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện giáo dục chúng. Có người ỷ lại cho nhà trường, một số mải lo làm ăn, kiếm sống hoặc phải đi công tác trong một thời gian dài. Có gia đình bố mẹ ly hôn, có con ngoài giá thú, một trong hai người chết hoặc vì lý do nào đó phải xa cách dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương gia đình.
 
Những đứa trẻ không được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, thậm chí bất cần. Chúng dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo...

Số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.

Gần 50% trẻ phạm tội vì bị đối xử hà khắc

Có những gia đình bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được nên đã coi việc hành hạ, đánh đập hoặc dùng các nhục hình với trẻ như là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, cha mẹ đánh; khi cha mẹ buồn bực, lo lắng cũng trút đòn roi lên đầu con cái. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ rằng bố mẹ và gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa.
 
Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị khủng hoảng tâm lý, tự ti, khó hòa nhập, nhiều em trở nên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người và căm ghét gia đình. Chính trong hoàn cảnh này, trẻ dễ bị những kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, khống chế thực hiện những hành vi trái pháp luật, trong đó có tội trộm cắp, cướp giật.
 
Theo số liệu điều tra trong 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp 6 lần mẹ đánh); bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%.

Như vậy, môi trường gia đình lành mạnh sẽ là yếu tố quyết định tạo cho con cái những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển nhân cách.

Bố mẹ nuông chiều khiến trẻ hư

Con hư còn bởi cách dạy. Sự quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu con cái của bố mẹ sẽ tạo nên thói quen đòi gì được nấy. Bên cạnh sự nuông chiều, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến cho con trẻ hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức về trách nhiệm, luôn đòi hỏi được phục vụ, được hưởng thụ.
 
Đến một lúc nào đó, khi gia đình không thỏa mãn những yêu sách hoặc không có điều kiện phục vụ thì con cái trở nên bất mãn, thậm chí thù ghét bố mẹ. Để gây áp lực với gia đình, chúng thường chọn giải pháp bỏ nhà đi bụi, tụ tập với bạn bè hư. Nhiều trường hợp trẻ trộm cắp tài sản của chính bố mẹ mình hoặc của người khác để thỏa mãn những nhu cầu không chính đáng như đua đòi ăn diện, đánh bạc, hút chích...
Theo Th.S Đặng Thanh Nga (Viện Tâm lý học)
Người lao động