PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn:

Trẻ nói dối: Phải chăng từ áp lực giáo dục?

(Dân trí)-“Giáo dục hiện nay cũng gặp phải nhiều “bệnh” cần chữa như: bệnh thành tích, ngồi nhầm lớp... Những đều này làm cho trẻ thấy áp lực và việc nói dối, quay cóp thi cử… là một trong những biện pháp giúp trẻ vượt qua những áp lực nặng nề và xuất phát từ nhiều phía đó”.

PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn - phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) đã chia sẻ như vậy với PV Dân trí khi bàn về tình trạng đạo đức học đường xuống cấp hiện nay và nhất là việc học sinh nói dối tăng theo cấp học.  

Trẻ nói dối vì bị áp lực của những “căn bệnh” giáo dục
PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn - phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM).

Theo kết quả của một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, tỉ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%. Người xưa thường nói “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nhưng từ kết quả này cho thấy ngay từ nhỏ trẻ đã nói dối? Ông có đánh giá gì?

Không riêng trong môi trường học đường mà thiết nghĩ trong các môi trường khác kết quả cũng sẽ có sự tương đồng. "Nhân chi sơ, tính bổn thiện" ý nói: con người ta sinh ra vốn dĩ là thiện. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng ngay từ khi sinh ra con người đã chịu tác động của rất nhiều yếu tố như môi trường sống, sự giáo dục của gia đình... Chính do những yếu tố này mà cái thiện ấy vẫn còn duy trì, hoặc dần mất đi.

Trong triết học Phật giáo, có đề cập đến quan điểm về ngũ giới, đó là: bất sát, bất tà đạo, bất tà dâm, bất vọng ngữ, bất ẩm tửu. Trong đó, bất vọng ngữ, nghĩa là không được nói dối. Ngay bản thân người tu đạo còn khó giữ được giới này, huống chi là người thường.

Nói dối có nhiều loại, chúng khác nhau ở nguồn gốc, mục đích và động cơ dẫn đến việc nói dối. Nói dối người bệnh để tinh thần họ không chán nản, nói dối cha mẹ để cha mẹ khỏi lo lắng... Tích cực có, tiêu cực có, tuy nhiên, tất cả những hành động phản ánh không đúng thực tế đều gọi là nói dối. Lúc nhỏ, các mối quan hệ ít hơn, vấn đề cần suy nghĩ và giải quyết cũng ít hơn, cho nên động cơ và mục đích nói dối cũng ít, dẫn đến hành vi nói dối ít. Dần lớn lên, các mối quan hệ xã hội tăng lên, và theo cách suy luận như trên, thì hành vi nói dối cũng tăng theo.

Tỉ lệ trên cùng với các hiện tượng gian lận thi cử… khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng phải chăng đạo đức học đường đang xuống cấp trầm trọng?

Có hay không việc đạo đức học đường đang xuống cấp trầm trọng, đó là một vấn đề đang rất được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Đạo đức học đường không chỉ thể hiện ở hành vi nói dối, mà nó thể hiện qua nhiều hành vi, thái độ khác nữa.

Một mặt, cần lưu ý đến sự xuống cấp của đạo đức, bởi thực tế, nó cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, một phần do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, do sự phát triển rầm rộ của công nghệ, giới trẻ tiếp xúc với rất nhiều thông tin mới, lối sống mới, tích cực, tiêu cực đều có cả. Vấn đề là sự chọn lọc tiếp thu. Mặt khác, cần xét đến mặt tích cực của việc nói dối trong một số trường hợp cụ thể.

Chuyện gian dối trong học đường phải chăng cũng là phản ánh hiện trạng chung của xã hội, việc nói dối đã trở thành thói quen hiện nay?

Giống như nhiều hành vi khác, con người ta thường có tư tưởng: đã làm một lần, thì làm thêm lần nữa cũng chả sao. Dần dần, đối với một bộ phận giới trẻ, nói dối trở thành một hành vi mất kiểm soát. Gặp chuyện nan giải, cần thiết phải nói dối cũng nói. Không gặp chuyện nan giải gì, cũng nói dối.

Giáo dục hiện nay cũng gặp phải nhiều “bệnh” cần chữa như: bệnh thành tích, ngồi nhầm lớp... Chính những đều này làm cho trẻ cảm thấy áp lực và nói dối, quay cóp trong thi cử... là một trong những biện pháp giúp trẻ vượt qua những áp lực nặng nề và xuất phát từ nhiều phía đó.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tâm lý và có phần hư hỏng của học sinh hiện nay là do sự thay đổi nhanh chóng của môi trường, điều kiện sống của các em ngày càng đầy đủ hơn. Vì sao có sự đi ngược như vậy, thưa ông?

Cuốn theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự nâng cao giá trị đời sống vật chất và tinh thần, còn có những hệ lụy đi kèm. Đời sống muốn phát triển, tức con người phải bỏ thời gian chăm lo cho đời sống vật chất, từ đó, thời gian dành cho đời sống tinh thần ngày càng trở nên thiếu thốn. Những lề lối của nếp sống khi xưa dần phai nhạt và trở nên cũ kỹ, ít ai quan tâm đến, dù những lề lối ấy có trở nên lạc hậu hay không.

Theo ông, làm sao để cải thiện hiện trạng này? Làm sao thay đổi được việc các gia đình chỉ muốn con học giỏi mà dường như quên “dạy con nên người”?

Cải thiện tình trạng này đòi hỏi một bước chuyển biến trong nền giáo dục. Một khi con người ta không còn phải lo toan nhiều cho đời sống vật chất, thì đời sống tinh thần sẽ được chăm lo nhiều hơn.

Tuy nhiên, cần có sự phối hợp  mang tính chủ động giữa nhà trường và xã hội trong việc tác động vào nhận thức của các bậc làm cha mẹ, để học thấy được tầm quan trọng của việc “dạy con nên người”. Người gần gũi nhất với trẻ nhất là cha mẹ, họ phải làm gương cho con của mình, đừng dạy trẻ bằng lời nói mà hãy dạy chúng bằng hành động. Cha mẹ phải nêu gương về tính chân thật, sống thật thà để con cái học tập và noi theo, đừng nói dối con của mình thì cũng không nghe lời nói dối từ chúng.

Giáo dục không nên chỉ chú trọng vào giáo dục trí tuệ mà phải đề cao tất cả các mặt khác, đặc biệt là giáo dục đạo đức để trẻ có thể phát triển toàn diện bản thân mình. Chúng ta đang xây dựng “Xã hội hóa học tập”, điều này đồng nghĩa với việc trẻ sống, sinh hoạt trong nhà trường, gần gũi với bạn bè và thầy cô giáo ngày càng nhiều hơn. Có một thực tế đáng lưu tâm, hiện nay hầu hết tất cả các trường học không có dạy tâm lý lứa tuổi và dạy cách hình thành nhân cách sống cho trẻ em. Một bộ phận đội ngũ giáo viên có kĩ năng sống chưa đáp ứng yêu cầu xã hội đặt ra, về số lượng và quan trọng là về chất lượng. Có những giáo viên kĩ năng sống không được đào tạo bài bản tại các trường đại học, không nắm vững tâm sinh lý người học. Chính vì vậy mà để giáo dục được các em học sinh cần phải có thời gian và chiến lược từ Bộ GD-ĐT.

Xin  trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Lê Phương

Dòng sự kiện: Học sinh hư, vì sao?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm